Phấn đấu 100% người đang hưởng trợ cấp nhận chi trả qua tài khoản
UBND TP Hà Nội mới đây có phát động tháng cao điểm trên toàn địa bàn TP về việc tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội (ASXH) thực hiện đăng ký tài khoản để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt, đặc biệt tập trung thực hiện chi trả chính sách ASXH trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Trong đó, TP Hà Nội nêu rõ yêu cầu đảm bảo 100% người dân đã có tài khoản và mong muốn chi trả qua tài khoản trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 được thực hiện chi trả qua tài khoản; khuyến khích, vận động, tuyên truyền cho những người dân được hưởng ASXH có nhu cầu chi trả qua tài khoản và hỗ trợ việc đăng ký tài khoản. Đối với các trường hợp yếu thế, gặp nhiều khó khăn hoặc không có khả năng trong việc giao dịch, nhận trợ cấp qua tài khoản thì xây dựng các phương án, cách thức hỗ trợ phù hợp với đặc điểm tình hình và nhu cầu của người dân; Đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, đơn giản và thuận tiện.
TP Hà Nội giao UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, quán triệt, đôn đốc các lực lượng tổ chức triển khai, chỉ đạo UBND cấp xã trên địa bàn phát huy vai trò của Tổ công tác 06 cấp xã; Tổ công tác 06 cấp thôn (trong đó lực lượng Công an cơ sở và cán bộ Lao động, Thương binh & Xã hội là nòng cốt) thực hiện cao điểm tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thuộc diện được hưởng chính sách ASXH thực hiện đăng ký tài khoản để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt trên địa bàn. Phấn đấu mục tiêu 100% người dân đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội hàng tháng nhận chi trả không dùng tiền mặt qua tài khoản; thực hiện đúng quy trình, các mốc thời gian để đảm bảo tiến độ chung của toàn TP.
Tạo thuận lợi nhất cho người dân
Chia sẻ với phóng viên, thương binh Nguyễn Duy Hoanh (xã Song Phương, huyện Hoài Đức) bày tỏ phấn khởi trước việc TP Hà Nội đẩy mạnh thực hiện trả ASXH không dùng tiền mặt trên địa bàn. Ông Hoanh cho biết, trước đây, hàng tháng ông được nhận tiền trợ cấp người có công với cách mạng bằng tiền mặt. Khi đó, cứ đến ngày địa phương thực hiện chia trả, ông phải thu xếp công việc để đi nhận tiền. Tuổi già, nhiều khi ông quên đi nhận tiền. Tuy nhiên, vài tháng nay, khi TP Hà Nội triển khai chi trả ASXH không dùng tiền mặt, tiền trợ cấp của ông được chuyển vào tài khoản ngân hàng. “Tôi rất vui vì việc nhận tiền trợ cấp nay đã rất thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho người hưởng chính sách”, ông nói.
Ông Hoanh cũng cho biết, thực ra, ban đầu, ông cũng hơi ái ngại việc phải đi mở thẻ ngân hàng, ra ngân hàng để rút tiền, nhưng khi được các cán bộ Phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện Hoài Đức trao đổi, giải đáp các thắc mắc, ông biết được rằng, trên thực tế, khi thực hiện chi trả ASXH không dùng tiền mặt, người dân có thể chọn bất kỳ một trong các hình thức phù hợp với nhu cầu của bản thân và đặc thù nơi cư trú như rút tiền trực tiếp tại các điểm rút tiền của ngân hàng; rút tiền tại các Bưu cục, Điểm Bưu điện Văn hóa xã hoặc các điểm thuê tại UBND cấp xã của chi cục Bưu điện nhằm tạo thuận lợi cho người thụ hưởng. Các trường hợp không thể đi lại được nhân viên chi trả phục vụ tận nhà và đảm bảo về con người, cơ sở vật chất và thực hiện đúng chế độ, thời gian chi trả hàng tháng cho đối tượng.
Chính vì vậy, ông ngay lập tức đi đăng ký tài khoản để nhận tiền. “Mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền trợ cấp, chúng tôi không mất chi phí, lại được các cán bộ hướng dẫn rất nhiệt tình, không gặp vấn đề khó khăn gì. Việc chi trả ASXH không dùng tiền mặt là cách làm hay, chúng tôi không phải xếp hàng đợi chờ mỗi khi đến ngày nhận tiền”, ông Nguyễn Duy Hoanh nhấn mạnh.
Chung niềm phấn khởi, bà Nguyễn Thị Hồng Lan (huyện Hoài Đức) cho biết, trước đây, hàng tháng, bà phải mang sổ ra UBND xã để nhận tiền trợ cấp người cao tuổi cho mẹ chồng. Mấy tháng nay, số tiền được chuyển vào tài khoản ngân hàng của bà nên bà không còn phải mất thời gian, công sức đi lại.
Ông Đỗ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Song Phương cho biết, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền xã đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả việc cấp, sử dụng tài khoản phục vụ chi trả không dùng tiền mặt cho người dân được hưởng chính sách ASXH. Bởi, đây chính là giải pháp thiết thực để tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách nhanh chóng, thuận lợi, thụ hưởng và nhận định đúng các chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, triển khai tốt chính sách này còn giúp khẳng định quyền an sinh của người dân với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” trong công cuộc chuyển đổi số; góp phần vào công tác phòng chống tiêu cực, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ASXH; hỗ trợ kịp thời các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn nhất trong xã hội và khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nhóm đối tượng “yếu thế” đặc thù.
Ông Đỗ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Song Phương |
Là một trong 3 xã được chọn triển khai thí điểm việc thực hiện chi trả ASXH không dùng tiền mặt của huyện Hoài Đức, đến nay, trên địa bàn xã Song Phương có 400 trường hợp được hưởng chính sách ASXH thì chỉ còn 1 trường hợp chưa có tài khoản để thực hiện chi trả trực tuyến. Qua thực hiện, người dân rất ủng hộ và mong muốn chính sách này được triển khai rộng khắp, tạo thuận lợi nhất cho người dân trong thụ hưởng chính sách ASXH.
Theo báo cáo, TP Hà Nội đang có 291.301 người đang hưởng ưu đãi ASXH hàng tháng. Số người đã có tài khoản (tính đến trước ngày 7/1/2024) là 38.244/291.301 người (đạt tỷ lệ 13,13%). Số người được chi trả qua tài khoản là 17.718/38.244 (đạt tỷ lệ 46,3% tổng số người đã có tài khoản); kinh phí thực hiện chi trả qua tài khoản là 39.628 triệu đồng. Số người đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công, bảo trợ xã hội hàng tháng cần tuyên truyền, vận động, hướng dẫn mở tài khoản ngân hàng phục vụ chi trả ASXH là 253.057 người (trung bình 437 người/đơn vị cấp xã). Đến nay, 30/30 quận, huyện trên địa bàn TP đã chủ động xây dựng kế hoạch, văn bản chỉ đạo, rà soát, triển khai thực hiện thí điểm chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách ASXH.