Tổng kết công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn thành phố chiều qua (18/4), UBND TP. Hà Nội thừa nhận: dù đạt được nhiều kết quả, kiện toàn cơ bản bộ máy ở ba cấp song tỷ lệ đăng ký hộ tịch của Hà Nội vẫn còn cao.
Tỷ lệ đăng ký hộ tịch quá hạn trên địa bàn Hà Nội vẫn còn cao. |
Cởi mở quá dễ bị lợi dụng
Với việc thực hiện Nghị định 158, UBND TP. Hà Nội đánh giá “đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác Tư pháp cơ sở; từng bước xây dựng được đội ngũ công chức Tư pháp hộ tịch có trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tạo thuận lợi cho người dân”.
Tuy nhiên, hạn chế lớn trong công tác hộ tịch hiện nay, theo UBND TP là có còn quá nhiều cấp có thẩm quyền đăng ký Hộ tịch dẫn đến tình trạng dữ liệu hộ tịch bị phân tán ở nhiều cấp không kiểm soát được; các quy định về thẩm quyền còn bất cập, chưa rõ ràng, thiếu thống nhất dẫn đến vẫn còn tình trạng đăng ký sai thẩm quyền do chưa phân định được thẩm quyền đăng ký. Việc phân định thẩm quyền đăng ký hộ tịch (trong nước và nước ngoài), giữa cấp xã và cấp tỉnh còn khá phức tạp, rườm rà do đó dễ dẫn dến việc giải quyết sai thẩm quyền do nhầm lẫn trong phân định thẩm quyền.
Một số quy định liên quan đến giám hộ chưa đầy đủ, thiếu thủ tục đăng ký giám sát việc giám hộ. Quy định về hồ sơ đăng ký kết hôn chưa thật đảm bảo chặt chẽ để chứng minh việc đăng ký kết hôn đáp ứng các điều kiện kết hôn và không vi phạm những trường hợp cấm kết hôn (giữa những người cùng dòng máu trực hệ, có họ trong phạm vi 3 đời..).
Các quy định về đăng ký quá hạn, đăng ký lại, xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký khai sinh trong trường hợp không có giấy chứng sinh, nhận cha, mẹ con... lại quá cởi mở, mặt tích cực sẽ tạo điều kiện cho người dân, tuy nhiên dễ bị người dân lợi dụng, cán bộ giải quyết đăng ký tuỳ tiện. Việc cấp lại bản chính giấy khai sinh quá đơn giản, dễ tạo cho người dân tâm lý không có ý thức giữ gìn giấy tờ hộ tịch, mặt khác làm cho khối lượng việc của cán bộ Tư pháp tăng lên, trong khi đó không quy định cấp lại giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng tử, dẫn đến người dân gặp khó khăn trong thực hiện các giao dịch có liên quan
Cần quy định trách nhiệm pháp lý của hộ tịch viên
Cũng theo đánh giá của UBND TP: đội ngũ làm công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từ TP đến xã, phường đã được kiện toàn, củng cố cơ bản. Đến nay, trong tổng số 577 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố có 861 cán bộ Tư pháp, trong đó 542 công chức Tư pháp hộ tịch xã có trình độ Đại học Luật (chiếm 62,7%); còn lại là trung cấp luật và các cán bộ có trình độ chuyên môn khác; 100% cán bộ được đào tạo được đào tạo bỗi dưỡng chuyên môn ngiệp vụ về đăng ký và quản lý Hộ tịch; một số xã, phường còn có công chức chuyên trách thực hiện công tác đăng ký và giúp UBND cấp xã quản lý hộ tịch; có 554 cán bộ chiếm (64,3%) cán bộ tư pháp đã làm công tác tư pháp hộ tịch từ 05 năm trở lên.
Tuy nhiên, UBND TP cũng cho biết: vẫn còn một bộ phận cán bộ tư pháp hộ tịch chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ; một số cán bộ tư pháp hộ tịch làm việc theo chế độ hợp đồng; số cán bộ chuyên trách thực hiện công tác hộ tịch quá ít và ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ công tác hộ tịch vẫn phải thực hiện 11 nhiệm vụ công tác tư pháp khác chưa kể các nhiệm vụ khác được lãnh đạo UBND giao. Do vậy, việc đầu tư thời gian cho công tác quản lý, đăng ký hộ tịch vẫn còn những hạn chế, nhất là những nhiệm vụ nắm địa bàn, xác minh, kiểm tra và vận động nhân dân đi đăng ký kịp thời các sự kiện hộ tịch phát sinh, tỷ lệ đăng ký hộ tịch quá hạn trên địa bàn thành phố hàng năm vẫn còn cao.
Để bảo đảm ổn định và nâng cao chất lượng công tác hộ tịch ở cơ sở, UBND TP Hà Nội cho rằng, dự thảo Luật Hộ tịch cần quy định chức danh hộ tịch viên. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm hộ tịch viên (cử nhân luật đối với khu vực đô thị, trung cấp luật đối với khu vực nông thôn, trình độ tin học, thời gian tham gia công tác…). Đồng thời, quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm pháp lý, chế tài và chế độ phụ cấp đối với hộ tịch viên.
Nam Hòa