Tuyên bố mạnh mẽ trên của ông Phó Chủ tịch và chiếc phù hiệu mới liệu có thể ngăn chặn được taxi không có phù hiệu “taxi Hà Nội” hoạt động ở Thủ đô? Hay ngăn chặn thế nào cho hợp lý, hợp tình hay cứ thừa lệnh mà làm trong khi dư luận cho rằng việc này là vi phạm quyền kinh doanh, quyền tự do đi lại của công dân và mâu thuẫn với một loạt các quy định khác…?
Có “vơ đũa cả nắm”?
Lý giải quan điểm trên, Sở GTVT Hà Nội đưa ra lý do hiện nay ở Hà Nội có khoảng 17.000 xe taxi với hơn 20.000 lái xe của hơn 100 doanh nghiệp. Một nửa doanh nghiệp trong số này chỉ có dưới 50 xe. Số liệu trên cho thấy taxi ở Hà Nội hoạt động rất manh mún, nhỏ lẻ và gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như chất lượng phục vụ khách hàng. Thực tế cho thấy năng lực tài chính, sở hữu, điều hành của nhiều hãng taxi yếu kém, việc giả danh thương hiệu taxi, mua bán thương hiệu… diễn ra không ít.
Do việc bùng phát xe taxi nên hai năm gần đây, Hà Nội không cấp phép mới cho xe taxi hoạt động trên địa bàn. Từ đó, nhiều doanh nghiệp đã đưa xe về các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương… lập chi nhánh rồi lại đưa chính số xe này quay về địa bàn Hà Nội để kinh doanh, gây nên sự phát triển mất cân đối, mạnh ai nấy làm. Những doanh nghiệp này còn tổ chức bến bãi, tổ chức bàn giao ca… ngay tại địa bàn Hà Nội. Đơn cử, bến xe Gia Lâm có hai thương hiệu taxi đăng ký ở tỉnh Bắc Ninh nhưng lại hoạt động thường xuyên ở đây.
Khó khăn trong quản lý những hãng taxi này có lẽ là lý do khiến Hà Nội muốn “mạnh tay” trong việc cấm taxi ngoại tỉnh hoạt động ở Thủ đô. Nhưng Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội Bùi Danh Liên lại không nhất trí hoàn toàn với quan điểm trên và cho rằng, không thể vì một vài doanh nghiệp hoạt động như vậy mà cấm taxi ngoại tỉnh đi lại, vận chuyển trên địa bàn Thủ đô.
“Việc Sở GTVT Hà Nội cho thay đổi phù hiệu là một trong những giải pháp để quản lý taxi Hà Nội, nhưng để quản lý có hiệu quả thì phải có quy định cụ thể cho lực lượng chức năng triển khai đúng quy định của pháp luật”- ông Liên phát biểu.
Lái xe Hà Xuân Thịnh |
Cho dù lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã trấn an rằng: “Không có chuyện cấm các taxi ngoại tỉnh đưa đón khách vào Hà Nội, mà chỉ cấm những taxi không đăng kí được phép hoạt động cố định trên địa bàn Thủ đô” thì thông tin “cấm taxi ngoại tỉnh đón khách ở sảnh khách sạn, bệnh viện” vẫn gây hoang mang cho không ít lái xe.
Anh Nguyễn Quang (một lái xe taxi ở Hưng Yên) cho hay, rất nhiều người ở ngoại tỉnh thường thuê taxi đi khám bệnh hoặc làm việc ở Hà Nội theo kiểu “hai chiều” (đi và về) để tiết kiệm tiền (chiều về thường rẻ bằng 1/3 hoặc 1/2 chiều đi). Nay có quy định “cấm” như trên, taxi sẽ không được nhận chở khách “chiều về” nữa?
Bản thân nhiều lái xe taxi ở Hà Nội cũng rất băn khoăn. Anh Hà Xuân Thịnh (lái xe Hãng Taxi Hoàng Long) cho biết: “Hà Nội triển khai quy định cấm đón khách như trên thì các tỉnh cũng có thể “học tập” theo. Mà tâm lý lái xe taxi thì ai cũng thế thôi, khi chở khách chiều đi thì chúng tôi đều muốn đón được khách chiều về để kiếm thêm chút đỉnh. Nay tỉnh nào cũng cấm thì chúng tôi “hết cửa”?”.
Còn anh Nguyễn Hoàng Minh (lái xe Hãng Taxi Bảo Việt) thì có ý kiến: “Thực tế thì cũng có xe của các tỉnh ngoài về Hà Nội hoạt động thường xuyên. Nhưng đối với Hà Nội thì vài trăm xe này chẳng là cái gì cả. Vả lại, quy định cấm taxi ngoại tỉnh rất khó khả thi bởi làm sao biết được xe nào hoạt động thường xuyên, xe nào không hoạt động thường xuyên. Chẳng lẽ, cứ thấy xe taxi ngoại tỉnh nào có khách chạy trên đường Hà Nội là chặn xuống để hỏi khách xem họ đón taxi ở đâu? Lực lượng chức năng hiện xử lý taxi dù còn chưa xong, huống gì là taxi “chính hãng” từ tỉnh ngoài vào”.
Lái xe Nguyễn Hoàng Minh |
Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn Trung Thành đánh giá: “Hà Nội không thể nói cấm là cấm được. Quy định cấm phải đi liền với chế tài, tức là nếu anh vi phạm quy định cấm này thì bị xử phạt như thế nào. Nhưng hiện thì Nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ không có quy định nào về việc taxi tỉnh ngoài, nếu đón khách ở sảnh khách sạn, bệnh viện của Hà Nội thì bị phạt cả. Vậy thì đưa ra quy định “cấm” làm gì? “Cấm” mà không bị xử phạt thì chỉ dẫn đến việc “nhờn luật” mà thôi. Đó là chưa kể việc cấm này sẽ mâu thuẫn với một loạt các quy định khác về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; điều kiện kinh doanh xe taxi; quy định về điểm đón, trả khách…”
Liên quan đến đề xuất cấm trên, ông Nguyễn Quốc Hùng còn yêu cầu thanh tra giao thông, cảnh sát khu vực giám sát chặt chẽ taxi ngoại tỉnh. Nhưng liệu Hà Nội có đủ lực lượng để “giám sát chặt” theo yêu cầu này? Lái xe taxi ngoại tỉnh có phải là đối tượng vi phạm luật pháp đâu mà cần “giám sát chặt chẽ”. Yêu cầu trên liệu có làm cho người dân thêm kỳ thị và ác cảm hơn với lái xe taxi cũng như taxi ngoại tỉnh? Rồi đây, sẽ có tâm lý taxi ngoại tỉnh không đáng tin bằng taxi Hà Nội?