Cụ thể, Hà Nội thường xuyên cập nhật, công bố công khai các TTHC, đặc biệt là các TTHC về điều kiện đầu tư kinh doanh trên cổng thông tin điện tử, tại trụ sở cơ quan nhà nước, hiệp hội, địa điểm sinh hoạt cộng đồng doanh nghiệp bảo đảm thuận tiện cho việc tìm hiểu, tra cứu, cập nhật thông tin đối với doanh nghiệp. Đồng thời, rà soát, niêm yết công khai TTHC tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC; thực hiện giải quyết TTHC tại đơn vị; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; đánh giá tác động của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định về TTHC…
Thành phố cũng tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tập trung, đồng bộ, gắn kết với cải cách hành chính, chuẩn hóa các TTHC theo tiêu chuẩn ISO… Ngoài ra, tiến hành triển khai đo chỉ số hài lòng về sự phục vụ của 20 đơn vị sở, ngành, 30 đơn vị quận, huyện, thị xã và chỉ số hài lòng ở một số lĩnh vực trọng điểm như giáo dục, y tế, cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường.
Đặc biệt, theo thống kê gần nhất, Hà Nội đã thực hiện TTHC mức độ 4 với 18 TTHC và mức độ 3 với 735 TTHC. Toàn thành phố đạt tỷ lệ 83% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nâng chỉ tiêu hoàn thành việc triển khai 100% TTHC đủ điều kiện cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phục vụ người dân, doanh nghiệp trong năm 2019.
Trong cơ chế một cửa, một cửa liên thông, với nhiều mô hình, sáng kiến, cách làm hay được nhân rộng nên kết quả thực hiện TTHC đạt 99,86% đúng hạn, trước hạn. Chẳng hạn, Cục Thuế thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; kiểm tra chống thất thu thuế và chấn chỉnh công tác quản lý thuế khoán đối với các hộ kinh doanh trên địa bàn. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận và tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ miễn phí thủ tục hồ sơ chuyển đổi thành lập doanh nghiệp cho các hộ kinh doanh. UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương của Chính phủ khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, các lợi ích khi chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Từ thực tiễn, Hà Nội cũng nhận thấy một số quyết định công bố TTHC do các bộ, ban, ngành Trung ương công bố còn chưa đầy đủ và kịp thời dẫn đến việc giải quyết TTHC của các đơn vị gặp nhiều khó khăn. Khả năng nhập dữ liệu trực tuyến của một bộ phận người dân còn hạn chế nên kết quả thực hiện TTHC bằng hình thức trực tuyến còn nhiều bất cập. Một bộ phận tổ chức, cá nhân khi đi làm TTHC chưa chủ động tìm hiểu kỹ quy định nên cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải mất nhiều thời gian giải thích dẫn đén hiệu quả chưa cao. Ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp còn chưa được chú trọng, còn có tình trạng người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận trốn tránh việc thực hiện TTHC
Vì thế, thay mặt UBND thành phố, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn đề xuất các bộ, ban, ngành tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC theo chỉ đạo của Chính phủ, kịp thời công bố đầy đủ các TTHC, nhất là các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho tổ chức và công dân. Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa kết nối dữ liệu giữa các hệ thống phần mềm để cán bộ thực thi giảm thao tác, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC.