Ba hộ dân có nhà đất ở địa chỉ trên là Lê Thị Phương (72 tuổi), Trần Thành Long (46 tuổi) và Hoa Văn Hạo cho hay rất bức xúc trước phương án giải quyết của chính quyền địa phương với diện tích đất trên.
Bà Phương cho biết, tổ 2B trước đây là khu dân cư lụp xụp, nhà cửa các hộ dân được xây dựng thiếu tính thẩm mỹ. Từ lâu, Hạ Long có quy hoạch mở một con đường rộng 9m qua giữa khu dân cư. Năm 2018, con đường này bắt đầu được mở theo quy hoạch. Nhà các hộ dân xung quanh đường cũng được đập bỏ, quy hoạch lại. “Chủ trương mở đường, đập nhà hai bên để quy hoạch lại cho đẹp, được chúng tôi rất ủng hộ”, bà Phương nói.
Bà Phương phản đối việc đất sau khi bị thu hồi vẫn còn nhưng địa phương không cho sử dụng |
Tuy nhiên, điều bất thường là sau khi làm đường, đập nhà san lấp mặt bằng hai bên đường, người mất đất không được tái định cư tại chỗ, dù còn nhiều diện tích đất. Diện tích này lại được phân lô hoặc làm tạm bãi gửi xe cho một chợ tư nhân gần đó. “Chúng tôi đồng ý đập nhà cửa đi, san lấp quy hoạch lại khu dân cư để khu phố đẹp hơn. Nhưng sau khi san lấp lại, đất chúng tôi phải được phân lại chứ không thể bị “đuổi” đi như bây giờ”, ông Long nói.
Người dân cho rằng, đáng ra sau khi quy hoạch, san nền, đất người dân còn dư bao nhiêu thì được tái định cư tại chỗ. Hơn nữa, với một số nhà diện tích còn quá nhỏ, họ sẵn sàng mua thêm với giá phù hợp. “Nhưng nay muốn mua lại diện tích trên chính mảnh đất của mình cũng không mua được”, ông Long nói.
Theo tìm hiểu, TP Hạ Long thực hiện dự án trên theo “Quy hoạch điều chỉnh cục bộ lô đất A1, A2…”. Ngày 18/4/2018, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hạ Long phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với một số hộ dân có diện tích đất trên.
Theo ba hộ dân trên, ngay sau khi nhận được phương án bồi thường, họ đã không đồng ý. Mỗi m2 đất họ chỉ được bồi thường hơn 10 triệu đồng, trong khi thực tế giá đất thị trường cao hơn rất nhiều. Ngoài ra, ở một số dự án khác cùng khu vực TP Hạ Long, mức bồi thường cũng cao hơn không kém. Đặc biệt, như trên đã nói, sau khi san lấp quy hoạch, diện tích đất còn lại rất nhiều nhưng các hộ dân không được tái định cư tại chỗ; để rồi địa phương phân thành lô, “tạm thời để trống”.
Các hộ dân đã khiếu nại đến UBND TP Hạ Long, và cho rằng không được giải quyết hợp tình, hợp lý. Bà Phương cho biết, nhà bà có tổng diện tích khoảng 133m2, sử dụng mấy chục năm nay. Sau khi mở đường, diện tích nhà bà vẫn còn nguyên vẹn, không vướng quy hoạch đường. Thế nhưng Hạ Long đã thu hồi đất, chỉ được bồi thường hơn 86m2. Hơn 46m2 còn lại, theo quy định vẫn được bồi thường, nhưng bà chưa nhận được phương án bồi thường.
Bà Phương cũng không được tái định cư tại chỗ dù sau khi mở đường, đất của bà còn lại không ít. Lý do chính quyền Hạ Long đưa ra là bà đã được tái định cư ở dự án khác thuộc địa bàn phường Hùng Thắng.
Trường hợp ông Long, ông Hạo cũng tương tự. Gia đình ông Long hiện có 4 nhân khẩu, phải sống nhờ nhà ông nội. Gia đình ông Hạo thì đang thuê nhà. Ông Hạo có diện tích bị thu hồi khoảng 99m2, ông Long gần 60m2. Hiện nguyện vọng của ba hộ trên là được tái định cư tại chỗ do phần diện tích đất còn lại sau thu hồi vẫn đủ diện tích để ở.
Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở: “Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở cái định cư”.
Điểm a Khoản 1 Điều 79 Luật Đất đai 2013 quy định Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở: “Trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở; trường hợp không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở thì Nhà nước bồi thường bằng tiền”.