Suối Cảo chảy qua các xã Bạch Ngọc, Ngọc Minh cung cấp nguồn nước sinh hoạt chính và cấp nước phục vụ sản xuất cho toàn bộ diện tích nông nghiệp của người dân nơi đây. Nhưng bây giờ dòng suối đã bị ô nhiễm bởi nước và bùn thải từ những nhà máy tuyển quặng, đặc biệt mỗi khi trời mưa lớn dòng nước thải này trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây.
Người dân địa phương cho biết, mỗi khi mưa lũ, bùn đất do các công ty khai thác, tuyển quặng này xả ra sẽ tràn vào đồng ruộng, làm thiệt hại hoa màu, ô nhiễm đất đai, môi trường khiến cuộc sống của người dân ngày càng trở nên khó khăn hơn.
PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận sự việc. Theo đó mỏ đá Khuôn Then nằm tại thôn Tân Bình, xã Ngọc Minh do Công ty Tây Giang khai thác. Vị trí các mỏ quặng đang khai thác cách đường lớn khoảng 5km tại đầu nguồn con suối Cảo. Để thuận tiện cho việc sản xuất, Công ty Tây Giang ngang nhiên chặn dòng suối làm bể lắng khiến một đoạn suối dài gần 2km chỉ toàn bùn đất. “Bể lắng” này được đắp tạm bợ bằng đất, không có tường bao che chắn.
Công ty Tây Giang ngang nhiên chặn dòng suối làm bể lắng khiến một đoạn suối dài gần 2km chỉ toàn bùn đất. “Bể lắng” này được đắp tạm bợ bằng đất, không có tường bao che chắn |
Quá trình xác minh đơn thư của bạn đọc, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã làm việc với chính quyền xã Ngọc Minh và xã Bạch Ngọc (huyện Vị Xuyên) nơi người dân phản ánh doanh nghiệp xả thải "bức tử" môi trường.
Tại xã Ngọc Minh, Chủ tịch UBND xã Lý Xuân Bình cho biết, xã không có hồ sơ của các doanh nghiệp đang khai thác tại mỏ quặng trên địa bàn. Trước phản ánh của người dân, xã đã yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hà Giang cung cấp nhưng hiện vẫn chưa nhận được phản hồi.
Tại xã Bạch Ngọc là xã bị ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động xả thải của các công ty khai thác khoáng sản, do phần lớn suối Cảo đi qua 4 thôn lớn của xã, Chủ tịch UBND xã cho biết Nguyễn Thế Phong thừa nhận: "Chuyện doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường là có thật. Tuy nhiên, khi PV yêu cầu cung cấp biên bản làm việc với doanh nghiệp và công văn chỉ đạo của UBND huyện Vị Xuyên và Sở Tài nguyên Môi trường thì ông Phong từ chối và nói là văn bản đang được lưu trữ ở Công an xã".
Suối Cảo giờ đây trở thành suối bùn do doanh nghiệp khai khoáng xả thải bùn, đất ra lòng suối |
Theo lời vị Chủ tịch xã Bạch Ngọc, PV tiếp tục tới phòng tiếp dân của Công an xã này thì gặp một người tên là Cường - tự xưng là cán bộ Công an huyện Vị Xuyên phụ trách địa bàn. Khi PV đặt vấn đề được cung cấp những tài liệu làm việc của chính quyền với những doanh nghiệp đang bị tố xả thải gây ô nhiễm môi trường, lâp tức ông Cường từ chối cung cấp với lý do đây là tài liệu mật và lãnh đạo nên không đồng ý cung cấp. Sau đó người này từ chối tiếp phóng viên.
Tình trạng doanh nghiệp khai thác khoáng sản ngang nhiên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của hàng trăm hộ dân các xã nơi đây diễn ra nhiều năm nay. Người dân đã "kêu cứu" đến chính quyền nhưng không hiểu vì lý do gì mà các chính quyền các xã cũng như các cơ quan chức năng lại không có bất kỳ một động thái gì để bảo vệ cuộc sống của người dân. Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Phải chăng có thế lực ngầm "bảo kê" nên các công ty trên mới có thể ngang nhiên xả gây ô nhiễm môi trường một thời gian dài mà không hề bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý?
PV Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục trở lại vụ việc.