Hôm 31/10, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang ký ban hành Quyết định số 2131/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.
Dinh Vương cổ kính là điểm tham quan nổi tiếng tại Đồng Văn - Hà Giang từng vướng tranh chấp về việc thu phí. Ảnh: Ngọc Hồi. |
Theo quyết định của tỉnh Hà Giang, đối tượng thu phí là khách du lịch đến Công viên địa chất bao gồm tất cả các loại hình du lịch như thăm thân, công vụ, kết hợp kinh doanh, nghiên cứu học tập, tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng, khám phá, thể thao, tôn giáo, lễ hội.
Cụ thể, khách du lịch đến Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn thuộc địa bàn 4 huyện Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc và Quản Bạ sẽ áp dụng mức thu 30.000 đồng/ người/ đêm lưu trú đối với người lớn.
Đối với khách du lịch là cựu chiến binh, người khuyết tật nặng và trẻ em từ đủ 6 tuổi đến 15 tuổi được giảm 50% phí tham quan. Các đối tượng gồm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi (trên 70 tuổi) và trẻ em dưới 6 tuổi được miễn thu phí.
Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn vùng Công viên địa chất sẽ trực tiếp thu phí khách du lịch. Đơn vị quản lý thu phí là UBND các huyện, xã, thị trấn nằm trong vùng Công viên địa chất.
Trong đó, cấp huyện có trách nhiệm in ấn, phát hành vé, tổ chức quản lý thu phí, cấp phát vé cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú; các xã, thị trấn có trách nhiệm tổ chức quản lý thu phí, cấp phát vé.
Theo khảo sát, lượng khách du lịch tới Cao nguyên đá Đồng Văn chiếm 60 - 65% lượng khách đến với Hà Giang. Lượng du khách dự kiến sẽ tăng trưởng 10% mỗi năm với tầm nhìn 20 - 30 năm. Ước tính, năm 2024 lượng khách đến CVĐC có thể thu phí là hơn 1,7 triệu người, dự kiến sẽ thu được khoảng 48 tỷ đồng.
Số tiền thu được từ du khách sẽ chi cho đơn vị tổ chức quản lý thu phí 20%, chi cho cơ sở lưu trú 20%, còn lại 60% được nộp vào ngân sách Nhà nước để bố trí chi cho các nhiệm vụ bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị của CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn gồm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới, chi các hoạt động quảng bá du lịch, dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường.
Trước đó, vào hôm 19/10, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã ký trình Đề án số 27/SVHTTDL-ĐA thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.
Thống kê cho thấy, trong khu vực CVĐC Đồng Văn hiện nay có 3 điểm tham quan đang tiến hành thu phí gồm hang Hùng Khúy thuộc huyện Quản Bạ, Di tích nhà Vương và Cột cờ Lũng cú thuộc huyện Đồng Văn. Tổng số phí thu được trong 5 năm từ 2017 - 2021 của 3 điểm tham quan nói trên đạt hơn 29 tỷ đồng.
Mới đây, vào tối 28/10 tỉnh Hà Giang đã tổ chức khai mạc lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ IX và đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III.
Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc thuộc tỉnh Hà Giang có tổng diện tích tự nhiên là 2.356km2, với trên 70% diện tích đá vôi lộ diện.
Ngày 3/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành công viên địa chất UNESCO đầu tiên của Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á. Năm 2014 và năm 2019, UNESCO tái công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO giai đoạn 2015 - 2018 và giai đoạn 2019 - 2022.