Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Giang (GRDP) đạt 5.943,9 tỷ đồng, tăng 0,43% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 7% của cả năm 2020. Đặc biệt là ngành du lịch, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, khách du lịch đến Hà Giang trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt trên 258.000 lượt, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2019. Công suất phòng nghỉ bình quân của khối lưu trú chỉ đạt 5 – 10%, kéo theo sự giảm sụt doanh thu của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch.
Dự báo những tháng cuối năm, tỉnh Hà Giang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp, cá nhân ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, gặp khó khăn về tài chính làm giảm số thu nộp ngân sách; hoạt động xuất, nhập khẩu gặp khó khăn do việc áp dụng các biện pháp kiểm soát người và phương tiện xuất, nhập cảnh dẫn đến tốc độ thông quan hàng hóa bị kéo dài;
Giá trị sản xuất công nghiệp bị giảm so với kế hoạch do một số nhà máy vẫn đang dừng hoạt động, một số doanh nghiệp hoạt động nhưng đang gặp khó khăn trong sản xuất và số lượng hàng tồn kho lớn như ván ép, gỗ bóc, chè.
Ngoài ra, thời tiết hiện đang vào mùa mưa bão, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra mưa đá, gió lốc, sạt lở đất và tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp.
Theo tính toán, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% trong năm nay, trong điều kiện 6 tháng đầu năm 2020 ước tăng 0,48% thì 6 tháng cuối năm cần đạt mức tăng 11,82%. Cụ thể: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản cần tăng 5,91%; công nghiệp – xây dựng cơ bản tăng 18,09%; dịch vụ tăng 13,34%; thuế và trợ cấp sản phẩm tăng 8,91%.
Trước những khó khăn, thách thức rất lớn, tỉnh Hà Giang vẫn quyết tâm duy trì thực hiện thắng lợi toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2020, trong đó nỗ lực đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7%.
Theo đó, UBND tỉnh Hà Giang đã xây dựng kịch bản, phương án phát triển kinh tế, xã hội những tháng cuối năm, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cho từng chỉ tiêu, lĩnh vực. Cụ thể, đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp tập trung thực hiện tốt các giải pháp thâm canh, chỉ đạo khung thời vụ khép kín, tăng cường sử dụng giống mới năng suất cao, xây dựng phương án cải tạo đất nhằm đảm bảo tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 40 vạn tấn; tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Đối với sản xuất công nghiệp, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành liên quan tập trung nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; tích cực phối hợp giải quyết khâu nguyên liệu đầu vào, hàng tồn kho đảm bảo hoạt động của các doanh nghiệp.
Đôn đốc chủ đầu tư các dự án thủy điện đẩy nhanh tiến độ thi công, phối hợp tháo gỡ khó khăn về bồi thường giải phóng mặt bằng. Phấn đấu đến quý IV có thêm 4 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp trên 60 tỷ đồng. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp đã cam kết đầu tư vào tỉnh triển khai các dự án trọng điểm đúng tiến độ.
Song song với đó, tỉnh Hà Giang luôn chú trọng tăng cường hoạt động quảng bá và hợp tác phát triển du lịch theo hướng bền vững. Đây sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn và là nền tảng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang.
Với tinh thần nỗ lực vượt khó, chủ động đón thời cơ cùng những giải pháp đồng bộ được các ngành chức năng triển khai quyết liệt, Hà Giang tin tưởng nền kinh tế sẽ phục hồi và tăng trưởng, góp phần nâng cao đời sống cho người dân./.