Nhà nhà làm tuyên truyền
Cái khó của Hà Giang trong công tác tuyên truyền pháp luật có lẽ không nói ai cũng biết. Một tỉnh vùng cao núi đá, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn…PBGDPL những năm 2005 về trước phải ‘chật vật” vì vì ngành nào biết ngành đó.
Nhưng, Chỉ thị 21 của Tỉnh ủy đã như “luồng gió mới” làm thay đổi nhận thức của các ngành. Từ đây, cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành đều coi đây là nhiệm vụ chính trị của mình. Từ thay đổi nhận thức, lực lượng làm công tác tuyên truyền cũng được kiện toàn bổ sung đáng kể.
Đến nay, ngoài Hội đồng PBGDPL ở cấp tỉnh, 11 huyện, thành phố của Hà Giang đã lập Hội đồng phối hợp. Mỗi hội đồng có từ 17 đến 25 thành viên, do Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. Thành viên là lãnh đạo các ngành.
Đặc biệt 100% xã phường, thị trấn ở Hà Giang đã thành lập Ban chỉ đạo PBGDPL. Cấp tỉnh hiện có 78 báo cáo viên pháp luật, ở huyện con số này là 357 người. Ngoài ra, Hà Giang còn có lực lượng đông đảo gồm hơn 4500 tuyên truyền viên là các cán bộ các ban, ngành, đoàn thể, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, trưởng bản và các giáo viên dạy môn giáo dục công dân trong các trường học.
Cùng với lực lượng nói trên, hơn 2 ngàn tổ hòa giải được xây dựng ở toàn bộ 195 xã, phường cũng là lực lượng nòng cốt chuyển tải chủ trương pháp luật của Đảng, nhà nước đến từng người dân.
Hạn chế di cư tự do, truyền đạo trái phép
Với phương châm mưa dầm, thấm lâu, tuyên truyền phải đi trước một bước, Hà Giang luôn tìm tòi, nỗ lực để làm mới các hình thức PBPL. Cùng với các phương thức truyền thống như tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, cấp phát tờ rơi, tờ gấp…Hà Giang còn tổ chức các “tổ truyền tin”, tuyên truyền lưu động tại các phiên chợ vùng cao, tổ chức các cuộc thi bằng hình thức sân khấu hóa thu hút hàng vạn người, đặc biệt là đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa tham gia.
Đến nay, toàn tỉnh Hà Giang cũng đã xây dựng được 300 câu lạc bộ tìm hiểu pháp luật và lồng ghép PBPL trong nông dân, phụ nữ, thanh niên và câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách, mỗi câu lạc bộ có từ 30 đến 50 hội viên, tổ chức sinh hoạt mỗi tháng một lần. Các câu lạc bộ là nơi thu hút không chỉ thu hút hội viên, mà từ đây thông qua các hội viên pháp luật đến với cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức.
Đề cao phương châm hướng về cơ sở, hoạt động PBPL ở Hà Giang luôn dành sự ưu tiên cho các vùng đồng bào thiểu số, những nơi nhận thức của người dân về pháp luật còn hạn chế, hoặc những vùng “nhạy cảm” về an ninh trật tự. Với hàng trăm chuyến trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở, đến nay người dân hơn 100 xã thuộc 11 huyện, thành của Hà Giang đã được trợ giúp pháp lý miễn phí. Đặc biệt, trợ giúp pháp lý lưu động được kết hợp với việc đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh miễn phí…thông qua công tác này người dân thêm hiểu và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Sau 6 năm thực hiện Chỉ thị 21, Tỉnh ủy Hà Giang đánh giá: “PBGDPL đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ nhân dân” và đặc biệt “ việc di cư tự do, truyền đạo trái phép, khiếu kiện đông người, vượt cấp…không diễn biến phức tạp, góp phần thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương”.
Cán bộ xã đang thiếu chuyên môn về luật Đây là vấn đề được Tỉnh ủy Hà Giang thừa nhận mặc dù thời gian qua trình độ cán bộ nói chung, cấp xã nói riêng đã được nâng lên. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chủ yếu kiêm nhiệm, phần lớn thời gian dành cho công tác chuyên môn nên ảnh hưởng đến nhiệm vụ PBGDPL. Đặc biệt, cũng theo Tỉnh ủy Hà Giang, trình độ của đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở còn yếu, lại thường xuyên có sự thay đổi. |
An Bình