Trong năm 2019, ngành Tư pháp tỉnh Hà Giang đã triển khai, thực hiện Kế hoạch và báo cáo tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; báo cáo 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư vè tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL)…
Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực công tác tư pháp đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát hệ thống hoá VBQPPL được bảo đảm hơn, kịp thời thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh; công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước ổn định và đi vào nền nếp, cơ sở vật chất từng bước được cải thiện, hạn chế được tình trạng “sinh không khai, tử không báo”; công tác trợ giúp pháp lý đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, giúp người dân tiếp cận được với các dịch vụ pháp lý miễn phí; công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đã cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho 1.338 trường hợp…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh Hà Giang vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Chẳng hạn như tình trạng tảo hôn và cận huyết vẫn còn và chưa xử lý được dứt điểm tại địa bàn một số huyện như huyện Mèo Vạc; việc đăng ký và quản lý hộ tịch còn nhiều sai sót, việc thực hiện nghiệp vụ hộ tịch còn tuỳ tiện không theo đúng quy định về thủ tục, hồ sơ giấy tờ; công tác theo dõi thi hành pháp luật hiệu quả chưa cao, còn lúng túng trong triển khai thực hiện…
Do đó, trong năm 2020, Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu: tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh về công tác tư pháp phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh; triển khai có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2020 và tổ chức Hội thi “Báo cáo viên pháp luật giỏi” tỉnh Hà Giang lần thứ II năm 2020; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi; đẩy mạnh xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu LLTP…
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận, đưa ra các ý kiến đóng góp, như đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; kết hợp đồng bộ công tác PBGDPL với trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật và hoà giải ở cơ sở; đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công hành chính…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang trong năm 2019. Đồng thời đề nghị tỉnh cần chú trọng xây dựng đội ngũ công chức tư pháp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chú trọng tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền tỉnh, đặc biệt ưu tiên công tác tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định văn bản QPPL tại địa phương để tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp trong điều kiện tỉnh đang kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Hà Giang tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật, quản lý xử lý vi phạm hành chính, nhất là trong các lĩnh vực có nhiều vi phạm, gây bức xúc trong nhân dân. Đồng thời tập trung nguồn lực để hoàn thiện và triển khai hiệu quả cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử bảo đảm áp dụng thống nhất trong toàn quốc; nâng cao chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức; chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, Tư pháp Hà Giang cần tiếp tục làm tốt phương châm “tư pháp hướng về cơ sở, tư pháp vì dân, gần dân”… Ngoài ra, Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn công chức, viên chức tỉnh Hà Giang tiếp tục duy trì mối đoàn kết, nỗ lực cố gắng hơn nữa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tạo được bước tiến bộ rõ rệt trong công tác tư pháp.
Nhân dịp này, thay mặt Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã trao tặng các danh hiệu thi đua cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Một số hình ảnh tại buổi tổng kết: