Cầu thủ Nguyễn Quang Hải:
“Thầy Park luôn nhắc nhở chúng tôi về ý chí của người Việt”
Cầu thủ Nguyễn Quang Hải (sinh năm 1997) quê Hà Nội đang thi đấu trong màu áo CLB bóng đá Hà Nội, là tuyển thủ Quốc gia Việt Nam. Từ năm 9 tuổi Hải tham gia tập luyện đội trẻ CLB bóng đá Hà Nội.
Thi đấu trong màu áo câu lạc bộ ở vị trí tiền vệ và tiền đạo, Quang Hải đã thể hiện phong độ xuất sắc giúp đội đạt chức vô địch tại những giải đấu trẻ; cũng như giải đấu chuyên nghiệp, như: Vô địch V-League 2016, 2018 và về thứ 3 V-League 2017. Trong màu áo tuyển quốc gia, Quang Hải đã giành được nhiều thành tích như: Ngôi á quân Giải vô địch bóng đá U19 Đông Nam Á 2014 và 2015; lọt vào bán kết Giải vô địch bóng đá U-19 châu Á 2016...
Trong năm 2018, Quang Hải cùng đội tuyển Việt Nam giành ngôi vị Á quân tại Giải vô địch bóng đá U-23 châu Á 2018, đặc biệt Quang Hải đóng góp 5 bàn thắng. Tại ASIAD 2018, Quang Hải cùng đội tuyển Olympics Việt Nam lọt vào tới bán kết với những trận cầu thuyết phục đi vào lịch sử. Quang Hải cũng có mặt trong đội hình tiêu biểu của giải đấu.
Quang Hải xuất sắc giành danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam 2018; danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất” và cùng đội tuyển quốc gia giành chức vô địch AFF Suzuki Cup 2018. Với những thành tích nổi bật, Quang Hải được nhận Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhì của Nhà nước.
Cầu thủ Nguyễn Quang Hải |
Quang Hải chia sẻ: “Trong các trận đấu phải bước vào hiệp phụ, chúng tôi luôn đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta đã cố gắng 90 phút rồi thì chỉ còn 30 phút nữa mà mình lại bỏ cuộc? Khi ở Thường Châu, do thời tiết lạnh nên mỗi khi ra sân tập, các cầu thủ co hết người vì lạnh. Lúc đó, HLV Park nói nếu mình nghĩ lạnh thì nó sẽ lạnh, còn nếu nghĩ không lạnh thì sẽ thấy bình thường và ra sân với một tâm thế hoàn toàn khác. Chính vì vậy, chúng tôi luôn ra sân với tinh thần mạnh mẽ và thoải mái hơn. Hơn nữa, thực tế trên sân thì có nhiều khó khăn hơn thế và mình phải vượt qua”.
Nói về lý do chưa xuất ngoại như một số cầu thủ: Xuân Trường, Công Phượng, Lâm “Tây”… Quang Hải giải thích: “Thật sự, cầu thủ nào cũng có ước mơ và mong muốn đạt trình độ cao hơn. Quang Hải cũng muốn biết khả năng của mình ở đâu nhưng bây giờ chưa đúng lúc và tôi sẽ chọn thời điểm thích hợp cho mình”.
Cô gái vàng Nguyễn Phương Thảo:
“Trên đấu trường quốc tế là niềm tự hào dân tộc”
Nguyễn Phương Thảo (sinh năm 2000) đã liên tục rinh được giải thưởng cao trong các kỳ thi quốc tế bộ môn Sinh học. Năm 2017, Phương Thảo là sinh viên K63 khoa Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đạt Huy chương Bạc Olympic Sinh học Quốc tế 2017. Năm 2018, Thảo đã vươn lên giành Huy chương vàng Olympic Sinh học Quốc tế 2018 và xếp thứ nhất toàn cuộc thi. Thảo vinh dự là một trong 20 người được đề cử vào giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018”.
Phương Thảo chia sẻ thêm ngay từ nhỏ, Thảo đã có nhiều tò mò về thế giới tự nhiên. Ví dụ: “Tại sao cây có lá màu xanh, cây có lá màu đỏ, tại sao lại là cây thường xanh?”… Điều đặc biệt, bà của Thảo cũng là một người yêu sinh học. Bà thường giúp Thảo trả lời những câu hỏi trên. Bà qua đời vì ung thư là cú sốc rất lớn khiến Thảo có thêm ý chí phấn đấu theo đuổi sinh học.Thảo sẽ theo ngành di truyền học ung thư để giúp những người bị ung thư giảm bớt nỗi đau của họ.
Sau này, Thảo muốn trở thành nhà khoa học nghiên cứu y sinh và đưa ra các hướng mới cho điều trị bệnh ung thư. Thảo đang nghiên cứu về Miễn dịch học ung thư, sử dụng hệ miễn dịch của chính bản thân để điều trị ung thư. Thảo mong rằng nó sẽ phát triển tốt hơn là hóa trị và xạ trị.
Theo Thảo, trong một kỳ thi để được Huy chương Vàng cần nhất là năng lực và có thêm chút may mắn. Trong một cuốn sách Thảo đã từng đọc có một câu rằng: May mắn không đến một cách ngẫu nhiên mà do bạn đã tạo đủ các điều kiện để may mắn đến. Có lẽ những nỗ lực của Thảo đã khiến may mắn mỉm cười. Chia sẻ về bí quyết cân bằng thời gian học tập Thảo cho biết, khi còn học lớp 10, Thảo học gần như không nghỉ ngơi.
Nhưng khi lên lớp 11, Thảo chuyển đến sống tại ký túc xá của trường, các bạn cùng phòng đã giúp Thảo cân bằng thời gian học. Họ có nhiều giây phút thư giãn hơn, cùng nhau đánh đàn, nghe nhạc, hát hò, học cách chăm sóc bản thân… Tinh thần thoải mái thì khi học tập mới đạt được hiệu quả cao nhất.
Cô gái vàng Nguyễn Phương Thảo |
Khát vọng của Thảo là trong thời gian tới sẽ thu hút thêm nhiều sinh viên đến với Sinh học. Có nhiều người quan điểm sinh học là môn học thuộc. Đó là một quan điểm hết sức sai lầm. Hiện tại Thảo đang cùng nhiều bạn trẻ từng tham gia Olympics quốc tế lập trang web dành cho các bạn yêu thích sinh học trên toàn thế giới. Ngoài ra còn thành lập Câu lạc bộ sinh học cho các bạn trong nước. Thảo mong muốn thay đổi cách nhìn của các bạn về môn sinh học và có thêm niềm yêu thích với sinh học.
Hoa hậu H’Hen Niê:
“Tôi là H’Hen Niê - Tôi làm được, bạn cũng có thể làm được”
Không chỉ có câu chuyện về cuộc đời làm nên ấn tượng đặc biệt, trong suốt hành trình khó khăn ở cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2018, Hoa hậu H’Hen Niê còn truyền cảm hứng bằng chính con người mình, chân thành, giản dị với ánh mắt rạng rỡ và nụ cười tỏa nắng.
Đầu năm 2018, việc một cô gái dân tộc Ê Đê đăng quang cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã khiến nhiều người hân hoan xen lẫn bất ngờ, thú vị. Vượt qua những chuẩn mực thông thường của một hoa hậu tóc dài da trắng, duyên dáng và dịu dàng, lịch sử của cuộc thi sắc đẹp Việt vốn coi trọng vẻ đẹp truyền thống đã gọi tên một vẻ đẹp khác- tóc ngắn da nâu. Và cuối năm 2018, với việc vào top 5 của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới, tên tuổi của đại diện Việt Nam cũng đã được đánh giá là làm thay đổi cách nhìn vốn có của một cuộc thi sắc đẹp luôn coi trọng sự quyến rũ và bốc lửa.
Trong suốt thời gian tham gia cuộc thi, cảm xúc mà H’Hen Niê tạo ra với bạn bè quốc tế không khác gì so với ở quê nhà. Ngay từ lời giới thiệu bản thân, cô đã gây xúc cảm mạnh mẽ: “Tôi là H’Hen Niê, tôi là người dân tộc thiểu số và lẽ ra tôi phải kết hôn ở tuổi 14. Nhưng tôi nói không. Tôi chọn theo con đường giáo dục. Từ hư vô, nay tôi có mặt tại đây. Tôi có thể làm được thì bạn cũng có thể làm được”.
H’Hen Niê đã gây xúc động với câu chuyện từng bị bố mẹ bắt nghỉ học khi cô 14 tuổi để lấy chồng như rất nhiều cô gái khác trong buôn làng. Tuy nhiên, cô đã không làm vậy. Cô quyết tâm đi học để nuôi dưỡng ước mơ. Không có tiền, cô vừa học vừa làm giúp việc trông trẻ, gia sư và người giao tờ rơi. Để có tiền học, cô chỉ ăn bữa cơm với giá 10.000 đồng/bữa.
Từ truyền cảm hứng cho người dân buôn làng của mình, H’Hen Niê đã mang nó vươn xa hơn trên khắp thế giới nhờ vào hiệu ứng của cuộc thi và mạng xã hội. Cô không chỉ kể câu chuyện về sắc đẹp mà còn mang đến một câu chuyện đặc biệt về cuộc đời mình. Vượt qua tất cả, H’Hen Niê đã chứng minh những người phụ nữ dân tộc, có xuất phát điểm thấp như cô vẫn có thể vươn tới. Những thông điệp của H’Hen Niê tại cuộc thi vốn không quá mới nhưng điều khác biệt và ấn tượng ở cô chính là cảm giác chân thành chứ không phải là những hào nhoáng. Bởi thế, H’Hen Niê khi về với mẹ là rửa bát, dọn nhà, đi xe công nông với bà con buôn làng và đi xe đạp tới dự sự kiện áo dài gần đây. H’Hen Niê chính là vẻ đẹp cuốn hút và sự khác biệt vô cùng giản dị ấy…
1. H’ Hen Niê (Lĩnh vực: Văn hoá – Nghệ thuật)
2. Nguyễn Đức Thành (Lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học – Sáng tạo)
3. Vòng Bính Long (Lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học – Sáng tạo)
4. Nguyễn Phương Thảo (Lĩnh vực: Học tập)
5. Văn Đinh Hồng Vũ (Lĩnh vực: Kinh doanh – Khởi nghiệp)
6. Trần Văn Thuyết (Lĩnh vực: Lao động sản xuất)
7. Nguyễn Quang Hải (Lĩnh vực: Thể dục thể thao)
8. Nguyễn Văn Thuận (Lĩnh vực: Quốc phòng)
9. Lê Trọng Hiếu (Lĩnh vực: An Ninh trật tự)
10. Lê Đình Hiếu (Lĩnh vực: Hoạt động xã hội)