Gương mặt trầm

Ảnh minh họa truyện. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa truyện. (Nguồn: Internet)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bẵng đi sáu, bảy năm trời, giờ làng lại có hai lò nung đỏ lửa. Gốm độc bản, duyên dáng bằng men truyền thống trở thành mặt hàng được ưa chuộng, khách rổn rảng về đặt hàng. Trong chập chờn ý nghĩ, Lâm thấy khuôn mặt Miền giống khuôn mặt cô gái anh vẽ trên chiếc bình gốm màu lam long lanh sáng,

Về đến nhà thì cơn mưa tạnh hẳn, bầu trời hửng chút nắng. Lâm nghe hương quả thu từ ngôi vườn mẹ dội lại, thân thương. Mẹ kho cá bằng nồi niêu đất, thơm ngậy trong tiết trời mát mẻ khiến anh nhớ những bữa cơm thời gian khó. Ngày đó thiếu thốn đủ bề, bố mẹ vẫn gắng gượng cho các con ăn học. Bây giờ đủ lông, đủ cánh, mỗi con chim bay một phương trời, chỉ thi thoảng mới quần tụ về mái nhà dấu yêu in hằn kỷ niệm. Mẹ già quá, mái tóc không biết đã đội bao nắng mưa và đôi tay chăm cho bao mùa quả ngọt. Lâm soi mặt vào giếng khơi, những âm vang của một thời quá vãng nhắc nhớ. Mẹ giục anh rửa mặt rồi ăn cơm. Anh vâng, rồi dọn cơm cùng mẹ. Bố anh, ông Tốn - người nghệ nhân già cả đời đau đáu với gốm truyền thống, sau trận tai biến, giờ trở nên đờ đẫn. Mấy năm nay ông không còn làm gốm, chiếc lò bầu truyền thống cuối cùng phủ màu hoang lạnh. Bà Lan, mẹ Lâm giữ lại lò để làm kỷ niệm.

Anh mời bố ra ăn cơm. Ông Tốn ngồi lặng như tấm bia đá, phải đến khi con trai dìu ra ngồi bàn, ông mới bước. Bà Lan bảo, ông vẫn biết, nhưng vì điều gì đó mà cứ im lặng. Lâm hiểu, bố tiếc nhớ thời hoàng kim của làng. Cái thời mà ấm chén, bát đĩa, bình hoa... có mặt khắp chợ lớn, chợ bé trong và ngoài tỉnh. Gốm tụ về làm một lễ hội của nó, với âm thanh của loài gốm. Giờ, trước làn gió của thị trường làm mai một nghề. Những nghệ nhân giỏi nghề buông tay mặc số phận. Thanh niên, thợ giỏi, người được học hành đi tìm việc khác. Có người đi làm thuê cho các công trình, rồi ngất ngưởng trở thành ông chủ. Công nghiệp về làng. Xóm phía Tây nhận tiền đền bù đất dành tiền sắm ô tô, phởn phơ chạy. Quán bia hơi lổn nhổn mọc lên.

Lâm là người có nghề, nhưng nghe theo tiếng gọi của nhu cầu cá nhân, ôm nỗi cô đơn lên phố làm anh thiết kế đồ gia dụng thuê cho người ta. Anh cảm giác công việc hiện tại chưa thể cho tương lai sáng. Bà mẹ chỉ mong con lấy vợ, nhưng hết lần này đến lần khác, Lâm tìm cách “hoãn binh”. Lấy vợ thì sống ở đâu, làm gì? Anh như con thuyền chẳng biết cập bến nào, bởi trong lòng rất thương bố, thương gốm. Nhiều lúc anh đã định cứ lì ở nhà, làm gốm, túc tắc qua ngày. Nhưng làm ra, hàng không cạnh tranh nổi hàng ngoại và các làng nghề khác, thành ra bị ế, kho đầy ứ. Anh đầu hàng. Điều đó cũng là nguyên nhân khiến bố anh nghĩ suy, sinh bệnh mà thành ra người như bây giờ.

Bữa cơm im ắng quá. Phá vỡ im lặng lại là một câu của bà Lan: “Thế không lấy vợ thì để thành ông cụ non à? Các bạn con nói lên chức ông bà đến nơi”. Ông Tốn lặng lẽ nhai, không phản ứng. Lâm tìm cách xoa dịu mẹ: “Thôi mà mẹ, bao giờ con tìm thấy người phù hợp, con sẽ...”.

Bà Lan giấu một tiếng thở dài. Lâm biết điều đó. Anh có nỗi khổ của mình. Người “phù hợp” với anh là Miền cô gái cùng làng. Miền và anh có bao kỷ niệm yên bình, đẹp đẽ khi hai bên gia đình bảo nhau cố giữ nghề gốm. Hai ông bố ngày nào cũng ngồi uống nước, bàn cách vực nghề. Rồi một ngày, gã đàn ông là bạn của anh trai Miền, đánh xe hơi về. Gã bảo nghề lỗi thời, thuyết phục, kéo cả gia đình lên phố làm việc. Chuyện thuyết phục diễn ra ba, bốn lần. Sau cùng bố Miền nghe theo. Cả nhà Miền theo anh ta. Lò bầu đốt củi bị phá. Nhà đóng cửa bỏ không.

Với ông Tốn đó là một cú sốc. Người bạn già đầy tâm huyết với đôi bàn tay vàng đã buông. Chỉ còn một mình thì tồn tại thế nào. Cú sốc của Lâm chẳng nhẹ hơn cú sốc của bố. Người con gái vẫn cùng anh hái quả mùa thu, soi gương mặt mình bên thành giếng, đã đổi thay. Hôm tạm biệt anh, Miền nói: “Em biết là anh rất… nhưng em phải theo gia đình”. Lâm thẫn thờ xòe tay che mặt. Miền đi, Lâm quay vào ngôi vườn khóc rưng rức. Năm ấy cây trong vườn ít đậu quả…

***

Về thành phố ít ngày thì công ty xảy ra biến cố. Phó giám đốc và giám đốc “lệch pha”, làm gì cũng “ông chẳng, bà chuộc” nên tìm cách phá nhau. Giám đốc bị mất chức do sai phạm, mà sai phạm do cấp dưới gài bẫy. Con người ăn ở với nhau đôi khi tệ bạc quá. Lâm chán, cuối tuần lại về nhà. Đi đến đâu cũng xôn xao chuyện đám đại gia thành phố về mua đất. Khu vườn của gia đình Lâm được ngắm tới. Bố mẹ Lâm không chịu bán dù giá cao ngất ngưởng thế nào. Bọn cò mồi trong làng trực tiếp gặp Lâm, xun xoe bợ đỡ nhằm thuyết phục Lâm. Ừ, chỉ cần gật đầu, gia đình anh sẽ có đống tiền xây biệt thự, một ít gửi ngân hàng, chẳng phải lo lắng gì. Nhưng ai cũng tính như thế thì sao còn những khu vườn đẹp, những nếp nhà xưa cũ lúp xúp dưới bóng cây thân thương. Lâm vẫn nghe ngóng chuyện của Miền và gia đình. Ngày đó, sau khi lên phố, Miền đã lấy gã đàn ông là bạn của anh trai mình. Hôm Miền cưới chồng, bầy chim trong vườn nhà Lâm bay tớn tác, lạc lõng. Mấy năm sau bố mẹ Miền đã bán vườn nhà, chỉ để lại ngôi nhà cũ của tổ tiên để thi thoảng về quê thắp hương. Mà nhiều người bán đất chứ không chỉ gia đình Miền. Không gian làng nghề xưa bị biến dạng, cái lố nhố, lô xô trộn lẫn cái mộc mạc.

Chẳng ai có thể thuyết phục được gia đình Lâm bán vườn. Đám thanh niên làng bắn tin, bảo Lâm học hành bao năm, biết nghề mà vẫn nghèo, lang thang, vất vưởng. Lâm bị chạm lòng tự ái. Máu sôi lên, nhưng về vắt tay lên trán nghĩ, thấy họ nó có phần đúng. Anh đã đánh mất chí hướng, bản lĩnh, chỉ là kẻ cầu bơ cầu bất bỏ làng lên phố làm thuê.

Đêm quê vỗ về từng đợt sóng lòng của Lâm. Mình phải làm gì đó. Lâm nghĩ. Mình không thể sống thế này mãi, rất phụ lòng bố mẹ và lãng phí tuổi trẻ. Hay vẫn làm gốm? Phải làm đa dạng hơn, nhanh nhạy trong tìm kiếm thị trường. Cái độc đáo là của nghề làng là sản phẩm được chuốt bằng tay, hoa văn đắp nổi, men tự nhiên. Màu sắc chủ đạo của gốm làng là lam nhạt. Kỹ thuật pha chế nước men, khả năng điều chỉnh ngọn lửa cho ra nhiều màu sắc đặc trưng. Lâm đã đi nhiều nơi, rõ ràng, những thế mạnh đó là riêng có.

***

Lò gốm lại đỏ lửa sau hơn hai tháng trời Lâm hoàn thiện các sản phẩm mới. Anh cũng gặp một vài nghệ nhân ở làng động viên họ làm sống lại nghề. Anh chỉ nhận được những cái lắc đầu. Người làng bảo: “Hâm rồi”. Thì sao, có vậy mới tìm cách cứu vãn làng nghề. Thật mừng, từ hôm Lâm quay về nặn gốm, ông Tốn tinh anh, hoạt bát, chịu khó nói và đi lại hơn. Nhìn sâu vào mắt bố, Lâm hiểu, mình cần thắp ngọn lửa gốm, cũng là thắp lửa trong mắt ông. Có lúc, ông chăm chú ngồi nhìn Lâm nặn, nhấp nhấp tách trà, rồi cười. Lâm thưa: “Bố khỏe hẳn lên để làm cùng con”. Ông gật. Đôi mắt lóng lánh tươi thêm.

Những tháng năm vật lộn trên phố cho Lâm một vài mối quan hệ thân thiết. Một vài mối quan hệ đó cho thêm vài quan hệ khác. Cái đầu của anh cởi mở, năng động hơn khi tiếp cận các kênh chào, bán hàng hiện đại. Lâm lập trang mạng quảng bá, nhận đơn hàng “on lai” đầu tiên. Anh nghĩ lại lời một nghệ nhân già. Gốm cũng như người con gái. Con gái xinh thì nhiều, nhưng đẹp, cả bên trong lẫn bên ngoài, đẹp từ chiều sâu bên trong đẹp ra thì hiếm. Cộng thêm nước da, ăn mặc tinh tế, độc đáo nữa thì sẽ trở nên nổi trội. Anh thấy cái đó thì làng mình, nhà mình có. Anh xòe đôi bàn tay, giơ lên trước mặt: cái đẹp nảy nở từ đây.

Mẻ gốm đầu tiên bán hết. Nhìn từng sản phẩm được mang đi, anh thấy nó đang tươi cười, mặt hoa da phấn, muốn nói điều gì đó. Lâm thưa với bố mẹ: “Con tin mình đang đi đúng hướng. Bố mẹ ủng hộ cho kế hoạch của con nhé”. Làm sao có thể không ủng hộ, khi bao đêm qua, nước mắt của ông bà cũng là nước mắt gốm chảy vào đêm. Đó là nước mắt của sự tủi phận của đời gốm. Bây giờ lửa trong lò được thắp, gốm trỗi dậy, men lại sáng, niềm vui cũng nhân lên thôi.

***

Một ngày ông Pha, bố của Miền về gặp ông Tốn. Lúc đó Lâm đang làm dưới xưởng. Nghe tiếng ông Pha chào, anh ngẩng lên đáp lời. Giọng ông Pha yếu, mái tóc xác xơ nua già, nó cho thấy chủ nhân đã sống khổ. Không biết hai người đã nói những chuyện gì. Sau cuộc nói chuyện, ông Pha xuống nói với Lâm: “Chú lại về làm phiền bố con cháu. Có gì cưu mang gia đình chú với”. Rồi ông chào, ra về. Mấy hôm sau Lâm thấy Miền về làng, dáng hình tấp tểnh, gương mặt nhớn nhác. Thì ra chuyện đầu tư làm ăn của cả gia đình ở trên phố thất bại. Ông Pha đưa gia đình về nương tựa nếp làng. Nhưng đất đai đã bán gần như hết, chỉ còn nếp nhà. Ông Pha nói khó với nhà hàng xóm cho chuộc lại mảnh đất nhỏ xưa làm lò gốm. Tình làng nghĩa xóm, lại có chút liên quan họ hàng nên người ta để lại cho. Miền xin làm công nhân trong khu công nghiệp, ông Pha lại nhờ bố con Lâm thiết kế lại cho lò gốm, tạo mối lái để sau này giao hàng. Ông Tốn bàn với Lâm: “Thôi thì tình làng. Bố với chú Pha cũng là bạn thâm giao, giờ họ kéo về, muốn làm lại, ta cũng nên lấy đó làm vui vì sẽ có bầu, có bạn”.

Phải ít tháng sau Lâm mới biết ở trên phố, gã đàn ông là chồng Miền vì làm ăn thua lỗ mà lừa cả họ hàng, bố vợ và vợ để lấy tiền, trốn biệt. Bây giờ Miền ôm con trai về co cụm bên bố mẹ, khuôn mặt lúc nào cũng cúi gằm. Tay nặn gốm mà lúc nào lòng dạ cũng nghĩ đến Miền. Bà Lan nhìn con, hiểu chuyện: “Con thương cái Miền chứ gì!”. Lâm lặng người, không nói.

Lò gốm của Lâm được đoàn làm phim về mượn bối cảnh, quay phim. Người ta cũng quay một số cảnh trên con đê làng cong cong, thông thốc gió. Ông chủ hãng quen những tay buôn nức tiếng hứa sẽ tìm cách bán hàng giúp làng. Hôm ấy người làng đến xem diễn viên đông lắm. Mấy người còn được mời làm diễn viên quần chúng. Ông Tốn gần như khỏi hẳn bệnh, lúc trực tiếp nặn bình, lúc đon đả pha nước mời khách. Trong những người đứng xem đóng phim phía xa, Lâm thấy thấp thoáng gương mặt Miền. Ánh mắt cô như lạc đi giữa bao người, nhưng anh vẫn thấy gần gũi với mình. Anh đứng lên, tiến về phía đó, định gọi. Nhưng Miền đã bỏ về. Lâm định đuổi theo nhưng đôi chân cứ đờ đẫn, dính chặt xuống đất.

Bẵng đi sáu, bảy năm trời, giờ làng lại có hai lò nung đỏ lửa. Gốm độc bản, duyên dáng bằng men truyền thống trở thành mặt hàng được ưa chuộng. Xe cộ, khách xa rổn rảng về đặt hàng. Sáng ấy đang đưa hàng lên xe cho khách thì Lâm nghe tiếng mấy bà hò hét: “Kìa, con trai cái Miền bị xe quệt vào…”. Lâm lao đầu chạy nhằm hướng đó. Cũng may, chiếc xe máy chỉ quệt nhẹ, làm thằng bé chảy máu mũi, xước ở bàn tay. Lúc đưa nó vào bệnh viện khám xong đâu đấy, Miền mới tới. Ánh mắt Lâm chạm ánh mắt Miền. Miền ngường ngượng cúi xuống. Lâm vẫn nhận ra đôi mắt đen, long lanh của Miền sau khi trải qua những biến cố cuộc đời. Anh bảo: “Con em không sao rồi. Yên tâm nhé”. Miền nói lời cảm ơn, dõi theo bước chân Lâm đến cuối hành lang. Còn Lâm nghe rõ tiếng tim mình đập rộn. Trong chập chờn ý nghĩ, Lâm thấy khuôn mặt Miền giống khuôn mặt cô gái anh vẽ trên chiếc bình gốm màu lam long lanh sáng, đặt trong gian khách nhà mình.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Tin cùng chuyên mục

Hình minh họa. (Nguồn: Văn Học)

Sông lụa

(PLVN) - Trăng trải thành thảm vàng, bao phủ cả làng mạc, bãi dâu ven con sông quê êm đềm. Say trăng nên sông lênh loáng. Sông đa tình. Sông thả tóc phơi trăng. Mềm mại. Lả lơi.

Đọc thêm

Nghệ thuật tái chế - Hơi thở mới từ những điều cũ

Triển lãm “Chạm một nét hoa” lan tỏa ý nghĩa sử dụng vật liệu tái chế trong hội họa. (Ảnh: VOV1)
(PLVN) - Khi lối sống xanh lên ngôi cũng là lúc nghệ thuật tái chế ngày càng hiện diện rõ nét trong đời sống văn hóa. Từ những tác phẩm đơn lẻ, nghệ thuật tái chế đã dần trở thành một xu hướng có sức lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ tôn vinh vẻ đẹp sáng tạo mà còn “thổi hồn” vào những vật liệu cũ bị lãng quên, mang đến cho chúng một hơi thở mới đầy ý nghĩa.

Điều kỳ diệu

Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)
(PLVN) - Cô gái tóc dài với mùi nước hoa ấn tượng, chọn chỗ ngồi gần cửa sổ, bên trái là chiếc đồng hồ Odo 36.10. Tôi thường đặt bình hoa nhỏ cách điệu, cắm một bông hồng nhung duyên dáng ở đó. Lúc tôi mang cà phê đến, cô gái nở một nụ cười và khen cà phê ngon. Ánh mắt cô đằm thắm hơn khi tôi khen cô thật đẹp. Cô ngắm thế giới của tôi kỹ hơn.

Cho những mùa xuân ở lại

Ảnh minh họa. (Nguồn: H.Ái)
(PLVN) - Ngày nhỏ, tôi tin những nụ, những chồi xanh kia chính là những đứa trẻ ngủ quên, một sáng giật mình thức giấc vì phải đi học giống hệt như mình. Nhưng, thay vì đến trường, lớp học của những non tơ ấy diễn ra ngay trong mảnh vườn, trong khu đồi vắng và bão gió, nắng mưa chính là những bài học đầu đời…

Tôn vinh 80 năm Truyền thống Công an Nhân dân qua Trại sáng tác Văn học nghệ thuật 2025

Quang cảnh lễ khai mạc.
(PLVN) -  Ngày 27/3, Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức khai mạc Trại sáng tác Văn học nghệ thuật chủ đề “80 năm Truyền thống Công an Nhân dân và quê hương Quảng Trị anh hùng” năm 2025, hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống lực lượng Công an Nhân dân (CAND) 19/8 (1945-2025).

Ánh mắt vùng sơn cước

Ánh mắt vùng sơn cước
(PLVN) - Hoa mơ, hoa mận nở rộ mà trời vẫn có gì đó mênh mang. Bản Thia, bản Ngài như trở nên vắng hơn, lọt thỏm giữa núi rừng. Những bước chân của học trò cũng trở nên chậm chạp. Tôi liên tục nhận được cuộc gọi của bác sĩ Thìn và các đồng nghiệp khác hỏi về cô Diệu.

Sự khác biệt không xóa nhòa

Ảnh minh họa. (Nguồn: FB)
(PLVN) - Cái cách cô nhắm nghiền đôi mắt lại để lắng nghe những lời áp đặt của gã khiến mọi người xung quanh những tưởng cô phải là người làm nên những lỗi lầm gì quá đáng lắm mới khiến người đàn ông đối diện giận dữ đến mức vậy.

Khi khí chất đẹp đẽ nhất của hoa được cảm nhận

Khi khí chất đẹp đẽ nhất của hoa được cảm nhận

(PLVN) - Nhất Hoa Nhất Khí, nơi nghệ thuật cắm hoa không chỉ là sự sắp đặt những cành hoa mà còn là câu chuyện về sự sống, về triết lý nhân sinh, sự hài hòa của thiên nhiên, con người. Khi có sự thấu cảm, tác phẩm sẽ khiến người xem thấy được khí chất đẹp đẽ nhất của hoa.

Người chồng 'mù'

Ảnh minh họa. (Nguồn: FB)
(PLVN) - Bạn đã từng ở trong hoàn cảnh, hoặc biết ai đó, âm thầm lên kế hoạch chia tay chồng của mình? Hay một người chồng bỗng một ngày nhận được đơn ly hôn từ vợ và hoàn toàn bất ngờ về điều đó? Bạn có từng chất chứa bao nhiêu là nỗi niềm, bạn cần vô cùng một người để chia sẻ, mà lại chẳng thể nói gì với người đang đắp chăn nằm bên cạnh?

Hoa thơm đầy ngõ

Tranh minh họa. (Nguồn: Văn Học)
(PLVN) - Sáng sớm, ông Phê chào cả nhà, nói đi một lát, về sẽ có quà cho Bi. Đã quá trưa, không thấy ông nội về, thằng Bi phụng phịu với mẹ: “Ông đi đâu mà lâu thế không biết”. Người bố quát con “Mặc ông, ăn nhanh lên mẹ mày còn dọn”.

Nhớ mùa hoa gạo

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
(PLVN) - Mỗi khi quay lại thăm trường cũ tôi lại bồi hồi đứng trước gốc gạo đỏ chói giữa trưa hè. Bao giờ cũng vậy, dù đi xa cách mấy tôi luôn cố gắng quay về vào ngày hoa gạo nở đỏ rực cả một khoảng sân trường chỉ để đắm chìm trong cái sắc đỏ ấy mà hồi tưởng, mà nhớ thương.

Dòng gió bụi

Tranh minh họa. (Nguồn: Văn Học)
(PLVN) -  Đang ngồi tiếp chuyện hai vị khách thì Tỏ đi qua, hất hàm hỏi ông Quà: “Lão thấy ví tôi không? Đưa đây?”.

Viết cho tình yêu

Ảnh minh họa. (Nguồn: H.Ái)
(PLVN) - “Em mãi là hai mươi tuổi/Ta mãi là mùa xanh xưa”... Có lẽ, đó là ước nguyện của chúng ta được nhà thơ Quang Dũng nói hộ bằng hai câu thơ ấy.

Bức tranh

Bức tranh
(PLVN) - Quả là một rừng mây tuyệt mỹ! Ngân thốt lên vui sướng khi vừa đặt đồ nghề xuống. Ngân đã từng nghe nhiều đến nơi này, nhưng mọi lời miêu tả không bằng một vài giây đắm mình trong cảnh sắc tuyệt diệu này. Cô hít hà thật sâu rồi rộn ràng vẽ, như thể đang sợ vẻ đẹp trước mắt sẽ tan biến. Ngân yêu tranh màu nước và những bức vẽ của cô bao giờ cũng đầy hào hứng, rực rỡ, dù tâm trạng cô đang bấn loạn, thậm chí khi tinh thần khủng hoảng.

Đợi chờ ngày hoa nở

Ảnh minh họa. (Nguồn: TL)
(PLVN) - Chẳng biết tự bao giờ, nhân loại lấy sự tồn tại và phát triển của thực vật, mà cụ thể là những bông hoa, chiếc lá để làm “cột mốc xanh” cho những niềm hy vọng, cho những sự hứa hẹn về tương lai.

Người dưng đất lạ

Người dưng đất lạ
(PLVN) - Xứ nào có người thương đều là quê hương, xứ sở, Phú nhớ mang máng từng nghe một câu tương tự như thế trong một bộ phim nào đó đã xem. Nên chi mỗi lần có ai thắc mắc can cớ chi bỏ xứ ra đây, anh thường nói rành rẽ, tại có người tui thương. Thiên hạ thắc mắc tiếp, anh này lạ lùng, “thuyền theo lái, gái theo chồng” mắc mớ chi anh không đem người anh thương vô xứ trong ở với mẹ già. Phú lại cười hiền, biết trả lời mấy cũng dễ chi vừa lòng thiên hạ. Thôi, cười cho xong chuyện.

Triển lãm ảnh "Văn Bàn nghĩa tình"

Triển lãm ảnh "Văn Bàn nghĩa tình"
(PLVN) - Triển lãm ảnh với chủ đề "Văn Bàn nghĩa tình" được tổ chức tại xã Tân An, huyện Văn Bàn -  nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử và tình đoàn kết của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.