Xúc động tranh vẽ những người hùng thầm lặng
Những ngày qua, trên mạng xã hội lan tỏa bộ tranh độc đáo, vẽ lại những khoảnh khắc, hình ảnh của nhiều y bác sĩ, chiến sĩ, thanh niên tình nguyện...giữa tâm dịch Covid-19, khiến người xem xúc động. Tác giả của bộ tranh này là nữ sinh viên Nguyễn Minh Anh (SN 1999, quê TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, hiện là sinh viên lớp 43K06.1, Khoa Kế toán, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng). Minh Anh hiện là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Kinh tế.
Theo Minh Anh, ngay từ những ngày đầu giãn cách xã hội tại Đà Nẵng, khắp các mặt báo, facebook liên tục xuất hiện nhiều hình ảnh xúc động về các y bác sĩ nhận nhiệm vụ trong khu vực phong tỏa, hay những chiến sĩ bộ đội, công an, đoàn viên thanh niên bất chấp thời tiết căng mình làm nhiệm vụ ở các chốt chặn, đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Những hình ảnh cảm động đó đã khiến Minh Anh nảy ra ý tưởng vẽ tặng những người hùng thầm lặng những bức tranh bằng chính nét bút của mình.
Vốn có năng khiếu hội họa từ bé, Minh Anh đã tận dụng những ngày giãn cách xã hội, dùng phần mềm trên điện thoại di động cùng bút cảm ứng rồi thực hiện bộ tranh. Để vẽ một bức tranh, Minh Anh mất khoảng 3 giờ đồng hồ, trung bình mỗi ngày vẽ được 1 - 2 bức. Tính đến nay, Minh Anh đã vẽ được hơn 10 bức.
Bộ tranh của Minh Anh khắc họa hình ảnh các y bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ màu trắng đang đi thẳng vào tâm dịch, các nữ điều dưỡng cùng cắt tóc cho nhau để dễ dàng làm việc, hình ảnh các y bác sĩ tranh thủ ngả lưng trên ghế đá, hay hình ảnh bác sĩ lạc quan, đàn hát để động viên các bệnh nhân, những “núi hàng” xếp kín cả con đường do người dân tiếp tế đến các khu vực cách ly, phong tỏa…
Bức tranh Minh Anh vẽ những người hùng “áo trắng” từ Bệnh viện Bạch Mai vào tâm dịch Đà Nẵng |
Qua bộ tranh, Minh Anh muốn gửi lời tri ân đến những lực lượng ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Đồng thời, nhắn nhủ đến các y bác sĩ, quân đội, công an và những người đang ngày đêm phòng, chống dịch Covid-19 rằng tất cả người dân Việt Nam đều sẽ kề vai sát cánh cùng họ. Hy vọng mọi người sẽ giữ vững tinh thần lạc quan, tiếp tục chiến đấu, đẩy lùi dịch bệnh.
Được biết, ngay khi Đà Nẵng có lệnh phong tỏa vì sự bùng phát của dịch Covid-19, trong khi nhiều người lo lắng bắt xe về quê vì sợ lây nhiễm, thì Minh Anh đã quyết định ở lại và tuân thủ mọi chỉ thị của thành phố. Minh Anh cho rằng, để dịch bệnh sớm được dập tắt thì mỗi người dân phải ý thức với hành động của mình.
Bên cạnh đó, Minh Anh cũng đã đăng ký tham gia đội hình xung kích ứng phó diễn biến mới của Thành đoàn Đà Nẵng và sẽ sẵn sàng “ra trận” khi được yêu cầu.
Cũng như Minh Anh, nhiều bạn trẻ khác cũng mượn hình ảnh thay lời nói để chia sẻ cảm nhận của mình. Tranh của Đinh Nhung (SN 1997, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng) lấy cảm hứng từ bức ảnh y bác sĩ trong khu cách ly giúp nhau cắt đi mái tóc dài để thuận lợi cho công tác chống dịch cường độ cao, áp lực lớn. Lam Thạch (SN 1999, sinh viên Trường ĐH Duy Tân) khắc họa hình ảnh y bác sĩ trong đồ bảo hộ như một “chiến binh” mạnh mẽ đang đương đầu với virus SARS-CoV-2.
Với Vũ Phan Minh Trang (SN 1989, quản lý lớp vẽ Mặt trời bé con, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), cô khắc họa hình ảnh y bác sĩ trong đồ bảo hộ như người mẹ hiền đang ôm ấp, che chở và bảo vệ Đà Nẵng vào tranh. Trong vòng tay dịu dàng ấy, những biểu tượng của thành phố như cầu Rồng, cầu sông Hàn, vòng quay mặt trời Sun Wheel, Trung tâm Hành chính thành phố… bình yên đến lạ.
“Đà Nẵng ơi! Chiến thắng Covid-19 nhé!”
“Cầu vồng kết nối yêu thương” là chủ đề của chiến dịch vẽ tranh do Đoàn trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng vừa phát động. Với mỗi bức tranh, các bạn sinh viên mong muốn gửi gắm một thông điệp đến các y bác sĩ, các chiến sĩ đang ngày đêm cật lực làm việc, chiến đấu với dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe người dân.
Sau hơn một tuần phát động, chiến dịch đã nhận được hàng chục tác phẩm của các bạn sinh viên, cựu sinh viên và của các bạn nhỏ gửi về với những thông điệp đầy ý nghĩa: “Đà Nẵng ơi! Chiến thắng Covid-19 nhé!”, “Cảm ơn những chiến sĩ áo trắng - Cảm ơn những chiến sĩ bộ đội”, “Đội ngũ y bác sĩ, chiến sĩ hãy vững tin, luôn mạnh khỏe để chiến thắng, để đánh bay Covid-19 ra khỏi Việt Nam nhé”, “Tôi đồng lòng, bạn đồng lòng, chắc chắn sẽ vượt qua. Đà Nẵng cố lên”…
Bí thư Đoàn trường ĐH Sư phạm Nguyễn Viết Hải Hiệp cho biết, hiện tại, các bạn sinh viên đang tạm thời nghỉ học do dịch bệnh Covid-19 nên các hoạt động xã hội không tổ chức được nhiều. Thông qua chiến dịch vẽ tranh, Đoàn trường hy vọng sẽ giúp các bạn có được những việc làm, những khoảng thời gian ý nghĩa, góp phần cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh.
“Không quan trọng bạn vẽ đẹp hay không đẹp, quan trọng là mỗi chúng ta đã cùng nhau tiếp thêm động lực cho những y bác sĩ, chiến sĩ ở tuyến đầu để họ có thêm sức mạnh, tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh Covid-19”, anh Hiệp cho biết.
Tranh cổ động do ông Trí vẽ tuyên truyền phòng, chống Covid-19 |
Hơn 100 bức tranh cổ động với hình ảnh vui nhộn dễ hiểu được ông Lê Viết Trí (SN 1961, ngụ tổ 28, phường An Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) vẽ để minh họa cho mọi người cách phòng, chống Covid-19 một cách dễ hiểu và không bị nhàm chán.
Ông Trí là một cán bộ đang công tác trong ngành quân đội. Ông tham gia vẽ tranh cổ động từ năm 1988 và hiểu rằng mỗi người dân thì phải có nghĩa vụ tuân thủ, chấp hành chủ trương của chính quyền, nhất là giai đoạn dịch bệnh phức tạp hiện nay. Và để giúp mọi người hiểu rõ hơn, ông đã vẽ tranh cổ động, biếm họa vì nó có sức mạnh rất lớn, vừa thu hút, lại dễ gây ấn tượng, dễ nhớ đối với nhiều đối tượng.
Những hình ảnh được ông Trí vẽ tay trên laptop với nội dung là những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như: mang khẩu trang, rửa tay, không tụ tập đông người; tuyên truyền cổ vũ những đơn vị, lực lượng tham gia phòng chống dịch như: các hội đoàn thể, lực lượng y bác sĩ, công an, quân đội…
“Là một công dân sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng, nên khi thành phố gặp khó khăn, tôi nghĩ phải làm gì đó để giúp cho thành phố. Tôi không có vật chất, không có chuyên môn y khoa, không còn trẻ tuổi để đi vào tuyến đầu chống dịch nên chỉ biết dùng tài lẻ vẽ tranh của mình để tuyên truyền cho mọi người, nhằm góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp đẩy lùi dịch bệnh”, ông Trí chia sẻ
Để có được một bức tranh, ông Trí mất khoảng 30 phút vẽ. Tuy nhiên, để sáng tạo, xây dựng được đề tài, ông mất khá nhiều thời gian và công sức. Vừa phải tìm hiểu tình hình dịch bệnh, vừa nghiên cứu đặc tính của dịch Covid-19 và cách phòng chống như thế nào? Và, những nội dung ông truyền tải đều được lấy từ thực tế cuộc sống, từ những sự kiện đã và đang diễn ra, những mong muốn và khát vọng của người dân.