Gửi lòng vào thơ sau những 'vết lăn trầm'

Gửi lòng vào thơ sau những 'vết lăn trầm'
(PLVN) - Thi đàn xuất hiện thêm cái tên với một giọng thơ khá ấn tượng, trầm buồn, ám ảnh và duyên dáng. Lạ là những con chữ này đến từ một con người mà nghề nghiệp và nơi làm việc nghe có vẻ rất ít chất thơ. 

Đó là Tiến sĩ Kinh tế Trương Mỹ Nhân, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Điều tôi trân quý và muốn viết về chị là vì tấm lòng của chị dành cho những phụ nữ trầm cảm và trẻ em tự kỷ. Chị làm thơ, bán thơ, được bao nhiêu tiền thì dành hết để làm quỹ hỗ trợ cho những đối tượng này…

Như vết thương đau ngủ buồn

Tôi lấy ý này trong tình khúc “Vết lăn trầm” của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn để so sánh về những tháng ngày đi qua nỗi buồn của chị. Chị nói với tôi: “Nhìn những người phụ nữ trầm cảm cô độc chiến đấu để tìm lại chính mình, tìm lại hạnh phúc, mình thương lắm. Phải những ai đã trải qua mới thấu hiểu những nỗi khổ, sự cô độc mà những người phụ nữ mắc chứng rối loạn trầm cảm, lo âu phải gánh chịu...”. Đây cũng là lý giải vì sao ngoài hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học chị dồn tâm sức cho các hoạt động thiện nguyện dành cho phụ nữ trầm cảm và trẻ em tự kỷ.

Chị hiểu về trầm cảm như một chuyên gia tâm lý, chị từng chia sẻ rằng: “Trầm cảm, lo âu sẽ phá hỏng mọi thứ xung quanh, cả gia đình, bạn bè cũng sẽ lần lượt bỏ bạn đi. Với người bình thường, họ dựa vào chính mình để hạnh phúc. Nhưng người trầm cảm thì họ không biết dựa vào đâu, họ không tin chính họ đâu, họ thậm chí chán ghét bản thân, đày đọa bản thân. 

Bạn có tin mỗi người ít nhất cũng mắc chứng trầm cảm một lần trong đời không? Căn bệnh của xã hội hiện đại, cứ cuốn, cứ buộc người ta phải lao lên, phải đấu tranh để sinh tồn. Nếu con số trầm cảm, tự kỷ cứ tiếp tục tăng lên như thế, chúng ta lấy đâu ra nguồn nhân lực chất lượng để xây dựng gia đình, đất nước bây giờ và trong tương lai?

 

Với người trầm cảm, trẻ tự kỷ, không phải cho họ tiền để đi chữa bệnh như người ta đau tim, cho họ ngôi nhà để ở như những người còn nghèo khó là đủ, mà họ cần tình yêu thương của những người xung quanh. Họ cần lắm sự chia sẻ của gia đình, bạn bè. Họ cần không gian và cần được hòa nhập cộng đồng. Điều đó nếu chỉ phó thác cho gia đình thì khó khăn lắm…”.

Cũng vì hiểu họ đến cạn lòng, nên chị đã chủ động tìm đến với những phụ nữ trầm cảm như một sự sẻ chia, một chỗ dựa tinh thần cho họ. Khi trao đổi về việc xây dựng một xã hội tốt đẹp nhằm phát triển bền vững, chị cũng cố gắng gửi gắm những thông điệp về phụ nữ trầm cảm và trẻ em tự kỷ để nhân lên những đồng cảm từ mọi người. Và chị không đơn độc trên con đường tìm lại niềm vui, sự tự tin cho những người trầm cảm…

 

Thơ và trà hai người bạn tâm giao

Nói đến Trương Mỹ Nhân mà không nhắc đến thơ của chị là một thiếu sót. Không ngoa nếu tôi bảo chị vin vào thơ để đứng dậy từ những u hoài.Vậy nên, thơ là nơi để chị gửi gắm lòng mình, giải toả nỗi buồn để bình tâm mà đi đến niềm vui bé mọn. Gọi là niềm vui bé mọn vì tôi vẫn nhìn thấy chị cười, vẫn thấy trong ánh mắt có những niềm vui, nhưng vui chưa đến độ lấp lánh như chưa từng đi hết nỗi buồn. Tiến sĩ Trương Mỹ Nhân đã xuất bản 2 tập thơ có cái tên là lạ, đó là Mắt của mùa và Người buồn rót nước pha trà thành thơ. 

Không khen sao được khi chị có những câu thơ tài hoa thế này: 

“Em sợ chính mình

Những gai góc của thanh âm

Cựa quậy làm đau điều em che giấu…” 

(Nơi ấy mùa thu chưa)

Hay: 

“ Ta gói nỗi buồn lặng

Trong giọt nước mắt rơi

Để mỉm cười, ừ nhỉ

Có gì không tàn phai…”

 (Tàn phai)

Và:

“Em đừng ngược đãi bản thân

Đề tin những điều không có thực

Con đường dẫn vào địa ngục

Đôi khi mang mặt nạ tình yêu…” 

(Hoài Vọng)

Khi tôi đọc hết cả tập thơ của chị, không phải bài nào cũng hay, nhưng rõ ràng có nhiều bài hay và có những câu thơ rất hồn vía. Đối với người làm thơ như vậy đã là quá đủ. 

 

Thơ của chị có hai thái cực rõ ràng, một kiểu thơ như sự dỗ dành bản thân, những khao khát rất đàn bà, và có cả những niềm mang gương mặt của nỗi buồn như tiếng thở dài trút ra để vui trong đời thực. Trương Mỹ Nhân là vậy.

“Chân bước qua những ngày tháng phong sương

Đàn bà bốn mươi không còn ngóng tuổi

Mặc cả với mình những điều khao khát

Ước hẹn chưa qua, hạnh phúc chưa từng” 

(Tháng Mười một, 

người nắm tay em đi)

Hay:

Gió heo may, thèm một bờ vai ấm

Nắm chặt tay mình, nhớ nắng gió từ anh 

(Nhớ biển)

Với chị, mọi sự trên thế giới này đều vô thường nên niềm vui nhỏ nhoi và  an nhiên khác ngoài thơ của chị chính là tình yêu dành cho Trà, mà như chị viết, “thả hết bình yên vào chén trong”…

 

Về duyên cớ đến với trà, chị tâm sự: “ Mấy năm trước, trong một dịp sang Phúc Kiến (Trung Quốc), tôi say mê với cách pha trà của họ, cái hương vị thanh mát ấy thật khó quên. Nhưng phải đến khi quen một người bạn đã có nhiều năm uống trà, tôi mới quyết tâm đi sâu tìm hiểu. Tôi tìm đọc rất nhiều sách viết về trà, cả thơ về trà nữa. Tôi thử các công thức uống trà khác nhau. Mỗi khi pha trà, tôi cảm nhận bản thân mình cũng thay đổi, điềm tĩnh hơn, buông xả hơn, yêu mình hơn (điều mà trước đây thật khó). Cứ thế, trà ngấm vào mình lúc nào chẳng biết. Tôi đâm ra nghiện trà từ bao giờ chẳng hay…”.

Từ tình yêu dành cho trà và sẵn có cảm xúc, chữ nghĩa, chị làm thơ về trà như thể viết cho một người bạn tri kỷ của mình:

“Thả nhúm trà cong, pha nước trong

Pha đời hữu hạn tới vô cùng

Vị trà chậm rãi đong đầy chén

Nhấp ngụm trà nồng, pha tháng năm…” 

(Pha trà)

Hay trong bài Vịnh trà ngày mưa gió có những câu thơ thế này:

“Bao giờ chân mỏi đời xuôi ngược

Người về quán nhỏ với mắt cay

Ta pha dăm nụ trà vừa nở

Đổi lấy bình yên một giấc đầy…”.

Bình yên đối với chị là tĩnh lặng và cầu kỳ pha ấm trà, hít hà hương trà và chiêu từng ngụm nhỏ, để sau những vị đắng là dư vị ngọt ngào đọng lại. Và thú hơn là những sáng tinh sương trong thanh khiết của đất trời, pha trà, uống trà và ngắm những nụ hồng e ấp nở.

Vĩ thanh

Khi tôi viết những dòng này, chị lại có thêm một tin vui, đó là bài thơ “Tự hào trường Đảng tôi yêu” của chị được nhạc sĩ Vũ Quốc Nam phổ nhạc, tập thể cán bộ giảng viên Viện Kinh tế, nơi chị làm việc trình diễn và đạt giải A trong cuộc thi văn nghệ kỷ niệm 70 năm Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Chị là con gái Hà Tĩnh, quê hương của những người “đa tình” và những nhà thơ nổi tiếng, nên dù là dân kinh tế nhưng những mỹ cảm thi ca như một mạch nguồn tự nhiên chảy trong cảm xúc của chị. Thơ và trà như những miền sống mới để chị vin vào đó mà xuyên qua giông bão đời mình. 

Về những ấp ủ của mình, TS Trương Mỹ Nhân chia sẻ: “Hiện tại mình đang ấp ủ tổ chức một đêm nhạc mang tên “Nhân”, để hát những bài thơ của mình đã được phổ nhạc. Mình mong muốn tổ chức đêm nhạc này dành cho những người phụ nữ bị trầm cảm”. Tôi tin rằng chị sẽ còn nhiều thi phẩm hay hơn nữa để có những tứ thơ, vần thơ neo đậu mãi trong lòng bạn đọc. Và những ấp ủ tốt đẹp kia sẽ sớm cất cánh thành lời ca để vỗ về, an ủi những người phụ nữ đang sống trong u uất bão giông…

Tin cùng chuyên mục

Liên hoan phim sẽ trình chiếu 117 bộ phim của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ (ảnh Thùy Dương)

117 bộ phim trình chiếu Liên hoan phim quốc tế Hà Nội

(PLVN) - Với khẩu hiệu: “Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh”, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2024 hứa hẹn là sự kiện quan trọng không chỉ của điện ảnh mà còn góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội, đất nước Việt Nam đến bạn bè trong nước và quốc tế. Liên hoan phim sẽ trình chiếu 117 bộ phim của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đọc thêm

'Tiếng hát Hà Nội 2024' lan tỏa thanh âm của tình yêu Hà Nội

Cuộc thi còn tạo điều kiện phát triển cho những tài năng âm nhạc trẻ. (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Cuộc thi “Tiếng hát Hà Nội năm 2024” sẽ tạo cơ hội cho các nghệ sĩ sáng tạo, thể hiện những tác phẩm âm nhạc truyền thống và đương đại với chủ đề về ca ngợi Tổ Quốc, Đảng, Bác Hồ, tình yêu với Thủ đô, quê hương – đất nước góp phần thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển nghệ thuật.

MC Cát Tường đề nghị xử lý một số trang tin lấy tên mình 'giật tít câu view' để lừa tiền

Diễn viên - MC Cát Tường
(PLVN) - MC Cát Tường và nhà sản xuất “Bạn muốn hẹn hò” mời luật sư và Thừa phát lại lập vi bằng một số trang tin điện tử, fanpage, facebook, youtube… có hành vi “giật tít câu view”, làm sai lệch thông tin, gây hoang mang dư luận liên quan vụ MC cảnh báo có kẻ gian sử dụng hình ảnh của mình để lừa đảo số tiền lớn.

'Thư gửi mẹ' - sản phẩm truyền thông thực hiện bình đẳng giới lọt vào top 7 đề cử cho Giải thưởng Silvana S Film

'Thư gửi mẹ' - sản phẩm truyền thông thực hiện bình đẳng giới lọt vào top 7 đề cử cho Giải thưởng Silvana S Film
(PLVN) - Giải thưởng Silvana S Film là giải thưởng tôn vinh những bộ phim tài liệu xuất sắc về môi trường và giới trẻ, thuộc khuôn khổ chương trình LENScape: Documentary Shorts from Southeast Asia. Năm nay, Việt Nam tham gia Giải thưởng Silvana S Film với bộ phim tài liệu ngắn “Thư gửi mẹ” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đồng sản xuất với đạo diễn Hà Lệ Diễm.

Vẻ đẹp từ những thước phim

Vẻ đẹp từ những thước phim
(PLVN) - Thời gian đã phủ lớp bụi lên những thước phim cổ, tấm ảnh cũ, tuy nhiên giá trị của chúng không mất đi. Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại hối hả, sôi động với nhiều âm thanh, màu sắc đa dạng trên truyền hình, nhưng nhiều người trẻ vẫn dành tình cảm cho các bức ảnh cũ, thước phim xưa.

Đắm say với “Tình ta Hà Tĩnh”

Cảnh đẹp Hà Tĩnh được nhạc sĩ Ngọc Lê Ninh đưa vào trong ca khúc "Tình ta Hà Tĩnh) (ảnh trong MV).
(PLVN) -  Sau 12 năm ấp ủ, nhà khoa học, nhà thơ, nhạc sỹ Ngọc Lê Ninh cho ra đời ca khúc mang tên “Tình ta Hà Tĩnh”. Với âm hưởng dân ca xứ Nghệ, ca khúc tôn vinh đời sống văn hóa, chính trị, phong tục tập quán, các địa danh nổi tiếng, các đặc sản biển rừng, văn hóa phi vật thể (Ví Dặm, Ca trù Cổ Đạm)... và một tình yêu nồng nàn với mảnh đất nơi đây.

Trao giải Cuộc thi 'Tiếng vang lịch sử: Diễn giải Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua hội họa'

Các tác phẩm hội họa đạt giải thưởng cao (ảnh P.V)
(PLVN) - Cuộc thi “Tiếng vang lịch sử: Diễn giải Văn Miếu-Quốc Tử Giám qua hội họa” là “sân chơi” lành mạnh nơi các bạn trẻ cùng nhau sáng tạo, cùng nhau tranh tài, thể hiện cảm xúc, quan điểm của mình qua các tác phẩm hội họa về các công trình kiến trúc, hiện vật, tượng thờ,… tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam 2024 lần đầu tiên được tổ chức

Cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam 2024 lần đầu tiên được tổ chức. (Ảnh: Thùy Dương)
(PLVN) - Với mục đích tìm kiếm người đẹp có đủ “sắc, tâm, tài” để quảng bá hình ảnh của tà áo dài Việt Nam, cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam 2024 lần đầu được tổ chức nhằm phát huy vai trò, năng lực của phụ nữ Việt Nam trong tiến trình hội nhập phát triển, quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Liên hoan các ban nhạc toàn quốc năm 2024

BTC thông tin về Liên hoan các Ban nhạc toàn quốc năm 2024. (Ảnh: Thùy Dương)
(PLVN) - Liên hoan các ban nhạc toàn quốc năm 2024 là dịp để các nghệ sĩ đến từ mọi miền cả nước quy tụ gặp gỡ, giao lưu học hỏi, chia sẻ và trao đổi những kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật, nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, tiếp tục tạo ra những sản phẩm nghệ thuật có chất lượng phục vụ xã hội.