Trong không khí ấm áp, thân mật của buổi lễ mừng Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu 99 tuổi, nhiều nhà khoa học, người thân, gia đình đã chúc thọ và ôn lại những kỷ niệm cùng Giáo sư.
Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa Dân tộc Việt Nam khẳng định: “Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu là một học giả, nhà văn hóa học và triết học có một không hai đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp văn hóa, khoa học xã hội và nhân văn của nước nhà”.
Với những hiểu biết sâu sắc về GS Vũ Khiêu, GS Hoàng Chương nhấn mạnh: GS. Vũ Khiêu là một học giả uyên bác về văn hóa Đông-Tây, một nhà văn hóa, nhà triết học mang tâm hồn nghệ sĩ.
GS Vũ Khiêu tại lễ khánh thọ 99 tuổi |
Cho đến nay, nhiều thế hệ nhà khoa học có uy tín của đất nước đã được chính Giáo sư Vũ Khiêu giảng dạy và truyền thụ kiến thức. Hiện nay, dù đã cận tuổi bách niên, nhưng ông vẫn miệt mài lao động, cống hiến cho đất nước với tư cách là cố vấn và là chủ biên hàng chục đầu sách, công trình nghiên cứu lớn.
Giáo sư Vũ Khiêu, tên thật là Đặng Vũ Khiêu, sinh ngày 19/9/1916 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định- quê hương của nguyên Tổng bí thư Trường Chinh. Giáo sư Vũ Khiêu tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1945 và là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), hiện là cố vấn cho Tạp chí Văn hiến in và điện tử.
Với trí tuệ của mình, Giáo sư Vũ Khiêu đã cho ra đời hàng trăm bộ sách đồ sộ, bề thế, những công trình khoa học, các tác phẩm, bài viết, bài giảng về nhiều lĩnh vực: Triết học, giáo dục, kinh tế, tôn giáo, văn hóa, lịch sử, đạo đức, mỹ học, tư tưởng Hồ Chí Minh… Các tác phẩm của ông sát với thực tiễn cuộc sống, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân và với mọi lứa tuổi. Số lượng tác phẩm, công trình của Giáo sư đã viết, đã chủ biên, biên tập, cố vấn… cho đến nay khuyên học giả trong nước và nước ngoài phải kính nể.
Gần một thế kỷ không rời xa trang sách và cây bút, hàng ngày ông vẫn miệt mài lao động không mệt mỏi ( từ 12-14h mỗi ngày). Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh: Ở ông là cả một nguồn trí tuệ dồi dào, vô tận, một kho báu quý giá cho nền khoa học xã hội nước nhà. Không chỉ là sự kỳ diệu của một trí tuệ hiếm biệt, Giáo sư Vũ Khiêu còn là hiện thân, biểu tượng của tài năng sáng tạo và sức lực cống hiến. Thời gian và bệnh tật đã phải cúi đầu bất lực trước ông.
Đọc tác phẩm của ông, trong dân tộc thấy thời đại, trong văn hóa thấy tư tưởng, trong văn thấy triết, trong lịch sử thấy bài học nhân văn, thấy cả một người nghệ sĩ, một người anh hùng bình dị trong cuộc sống đời thường, trung thực, nặng tình với gia đình, bè bạn, với quê hương đất nước, một ngòi bút sắc sảo, thâm nho, trọng tình nghĩa, ghét thói xa hoa, phô trương, tham nhũng, lãng phí. Chủ nghĩa tháp ngà là kẻ thù đối với ông.
Hiện nay, với sức làm việc 10 tiếng một ngày và những hoạt động của một người gần trăm tuổi như ông cho thấy một sự ưu thời mẫn thế và tấm lòng của một nhà trí thức toàn diện, toàn tài, không màng danh lợi, tâm huyết sâu nặng với đời, yêu nước thương dân trọn vẹn: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu/Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (Lo trước thiên hạ/Hưởng phúc sau thiên hạ).
GS. Vũ Khiêu xúc động bày tỏ: Tôi chỉ biết hứa với bè bạn và mọi người là còn sống năm tháng nào thì làm việc hết năm tháng đó. Sắp tới đây, một số cuốn sách của tôi như cuốn Đẹp sẽ ra mắt tái bản tròn 50 năm tuổi... Cuối năm nay tôi sẽ chuyển cho Hà Nội bộ sách Thăng Long dày 2334 trang. Và tôi hứa tới năm 103 tuổi sẽ tặng Hà Nội một bộ sách tương tự như vậy nữa…
Có một điều kì diệu nữa, ở tuổi 99, GS Vũ Khiêu vẫn đi tới các miền đất nước để viết lên những bài văn tế oai hùng mà tinh tế, sâu lắng, thấm đẫm hơi thở cuộc sống…
Miên Thảo