GS. TS Hoàng Chí Bảo: Pho sử sống về Bác Hồ

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh, GS. TS Hoàng Chí Bảo đã được xưởng phim Quân đội làm phim tài liệu: “Chân dung người kể chuyện Bác Hồ”.
Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh, GS. TS Hoàng Chí Bảo đã được xưởng phim Quân đội làm phim tài liệu: “Chân dung người kể chuyện Bác Hồ”.
(PLVN) - Trên 50 năm nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, GS.TS Hoàng Chí Bảo dường như đã trở thành một pho sử sống về Bác Hồ. Ông đã có hàng trăm bài báo, rất nhiều tác phẩm sách viết về Bác. 

Trong đó, những tác phẩm “Tìm hiểu phương pháp Hồ Chí Minh; Văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh và 5 bảo vật quốc gia”… đã được bình chọn là những cuốn sách hay của Việt Nam. Ngoài ra, GS Hoàng Chí Bảo cũng vinh dự được lãnh đạo khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, một số đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài như Đức, Pháp, Séc, Lào, Thái Lan mời nói chuyện về Bác Hồ cho cán bộ, đảng viên nghe và học tập…

Ngày đầu đứng lên bục kể chuyện Bác Hồ, tôi mới ngoài 20 tuổi

Dù đã qua tuổi “xưa nay hiếm” từ lâu, nhưng lịch làm việc của GS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, luôn dày đặc. Chúng tôi gặp GS vào cuối chiều, khi ngoài cửa vẫn còn nhiều khách chờ.

Hỏi ông về cơ duyên nào đưa ông tới con đường gắn bó cả cuộc đời nghiên cứu sâu sắc về Bác Hồ? Ông nói, ông vốn là người Hà Nội, lớn lên ở miền trung du, rồi làm thầy giáo dạy Văn. Ngay khi tiếp xúc với cuốn “Nhật ký trong tù”, ông đã vô cùng xúc động về một vị lãnh tụ giản dị, vị Cha già yêu nước, thương dân của dân tộc! 

Ông kể: Tuổi 20 tôi đã giảng “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho học sinh trung học. Và rồi, theo nghề nghiên cứu lý luận chính trị, triết học và Hồ Chí Minh học (khoa học nghiên cứu về Hồ Chí Minh), cùng với việc giảng dạy lý luận như mạch nối, liên tục ngày nối ngày cho tôi cảm xúc về Bác, hiểu sâu thêm triết lý sống vì dân, vì nước của Người.

Nhưng bước ngoặt quan trọng đầu tiên để tôi thấu hiểu về Bác, ấy là lúc 9 giờ sáng ngày 9/9/1969 tôi cùng bao người dân dự Lễ truy điệu Bác tại Quảng trường Ba Đình, nghe 5 lời thề trong Điếu văn do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc âm rung tận đáy lòng tôi, cảm giác ấy khiến tôi thầm hứa: Phải học, phải nghiên cứu để thấu hiểu hơn nữa về Bác Hồ kính yêu của dân tộc!

Thế rồi, những năm học tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Phân hiệu V (lúc đó trường đặt ở Khoái Châu, Hưng Yên) và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (Liên Xô), mỗi khi gặp khó khăn, tôi thường nghĩ về sự dấn thân của Bác, càng tập trung đọc, nghiên cứu, suy ngẫm để thấu hiểu những luận điểm của Bác về con người, về xã hội...

Tôi nghiên cứu Bác không chỉ từ lý luận, mà còn bằng tình cảm, bằng lòng thành kính của người con, người cháu nặng lòng tri ân với Bác. Suốt 30 năm qua tôi đi nói chuyện về Bác; về tư tưởng; đạo đức; phong cách của Bác suốt từ Bắc chí Nam và với cộng đồng người Việt đang sinh sống làm việc ở một số quốc gia, ấn tượng của tôi với đối tượng nghe tôi giảng, nghe tôi nói cũng khó để kể hết.

Nhưng điều tôi ngẫm ngợi và theo suốt trong tôi, ấy là những cuộc nói chuyện với thanh niên, sinh viên các trường đại học, với cả các cháu học sinh trung học, tiểu học ở một số nơi tôi đến. Tôi truyền cảm hứng tình yêu thương, kính trọng của tôi về Bác tới họ. Và đo trong ánh mắt, trong những lời thổ lộ của họ, nhận ra tình cảm hết sức hồn nhiên, trong sáng, một lòng kính yêu, học theo Bác, theo Đảng.

Một đối tượng lay động tâm can tôi, đó là những người mù, khiếm thị. Nghe tôi nói chuyện về Bác, kể những mẩu chuyện bình dị đời thường của Bác, tôi thấy lắm người bật khóc. Giọt nước mắt lăn dài từ mắt người khiếm thị thật sự ám ảnh tôi ghê gớm. Họ không nhìn thấy tôi bằng mắt, nhưng chúng tôi lại nhận rõ nhau bằng trái tim. Trái tim đồng điệu, vô cùng kính yêu Bác Hồ, thiết tha học và noi gương Bác.

Không ít hội viên Hội Người mù thiết tha được đứng trong đội ngũ của Đảng. Nguyện vọng và tấm lòng chân thành ấy của họ làm tôi vô cùng xúc động. Nhìn họ, tôi nhớ ngày Bác đi thăm thương, bệnh binh ở Thuận Thành - Bắc Ninh. Những thương, bệnh binh hỏng mắt đều vô cùng mừng rỡ, hạnh phúc khi được Bác thăm hỏi. Và rồi, đột nhiên có một bệnh nhân nói to: “Bác Hồ khóc các đồng chí ạ”. Ấy là bởi, một giọt nước mắt của Bác đã rơi trên cánh tay người thương binh…

Sự giản dị là tột cùng của sự sâu sắc và vĩ đại!

Học Bác, GS. Hoàng Chí Bảo thấm nhuần về đạo đức cách mạng, về lòng trung thực. Và với người làm nghiên cứu như ông, lòng trung thực luôn là phẩm chất hàng đầu trong việc đi tìm chân lý. Cùng với đó, là đức hy sinh cao cả, cao thượng của Bác.

Với ông, học Bác bao nhiêu cũng không đủ, đó là khả năng kiềm chế khi nóng giận, có phê bình cũng không xúc phạm ai. Cả đời Bác thực hành đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Bác coi đó là 5 đức để làm người. Thiếu một đức không thành người. Đạo đức của Bác là lời nói luôn đi đôi với việc làm. 

GS. Hoàng Chí Bảo tâm sự, học đạo đức của Bác không phải nói điều cao xa mà thực hành từ đức tính giản dị nhất. Sự giản dị, tinh tế chỉ có được bởi trí tuệ và tâm hồn vĩ đại mênh mông của Bác. Càng tiếp cận, nghiên cứu về Bác, ông càng thấm thía về điều này. Sự giản dị là tột cùng của sự sâu sắc và vĩ đại - đó cũng là bản lĩnh Hồ Chí Minh.

Học Bác, trước tiên là chân thành. Bác nói: “Chân thành, thành thực là cách tốt nhất để đến với nhau”. Lời nói phải tự trái tim của mình thì mới truyền được đến trái tim của người khác. Và chỉ có sự chân thành mới tiếp nhận được cảm xúc của người khác. Chính vì sự chân thành, thành thực Bác mới có thể cởi mở khi tiếp xúc với mọi lớp người. Cách ứng xử này vừa thể hiện đạo đức, lại cho thấy cả phong cách của Bác.

Dù ở cương vị nào, làm việc gì ở Bác cũng toát lên đức khiêm tốn đến vĩ đại. Cả cuộc đời Bác dâng hiến cho dân, cho nước mà đến lúc tặng huân chương cho Bác, Bác từ chối. Bác nói, Bác chưa xứng đáng để nhận huân chương. Bác là Chủ tịch nước nhưng gửi thư cho nhân dân, cho đồng bào, nhất là cụ Phùng Lục ở Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội) mà Bác xưng “cháu”.

Nguyên thủ Quốc gia, lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc, thương dân, yêu dân như vậy, viết thư chúc thọ cụ già 90 tuổi mà Bác có thể khiêm tốn xưng là “cháu” thì chúng ta mới càng có thể hiểu vì sao mà Bác dạy chúng ta phải kính trọng, lễ phép với nhân dân. 

Trong tác phẩm Đời sống mới năm 1947, Bác đã viết: Mình hơn người chớ có kiêu căng, người hơn mình chớ có nịnh hót. Thấy của người chớ có tham lam… Lời của Bác đã tự nhiên như kinh Phật.

Sinh thời, Bác là một người tiết kiệm đến mức khắc khổ để nêu gương. Cuộc sống thường ngày của Bác, từ bữa ăn, quần áo mặc, đến đôi dép cao su, bây giờ đã trở thành huyền thoại. Chính vì những phẩm chất cao quý đó mà Bác có bản lĩnh đứng ngoài vòng danh lợi. Cả đời không màng danh lợi, chỉ vì dân, vì nước.

Thậm chí, khi đến đâu Người cũng thường không ăn, ngủ lại ở nhà khách và từ chối mọi cuộc chiêu đãi dù to hay nhỏ vì theo Người: “Đi công tác thì cốt công việc, nên tránh phiền hà cho địa phương và lãng phí tiền của của nhân dân”.

Do đó, nếu đi trong ngày thì Bác nhắc bộ phận giúp việc chuẩn bị cơm và thức ăn mang theo. Nếu đi từ 2 ngày trở lên thì chuẩn bị gạo, thức ăn và có người đi để nấu. Cơm và thức ăn mang theo cũng rất đơn giản, thậm chí có khi là cơm nắm hoặc xôi với một hoặc hai món mặn hợp với khẩu vị của Bác…

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, khi ông làm cuốn sách Phương pháp Hồ Chí Minh, cuốn sách ông tâm đắc nhất là phương pháp ở tầm tư tưởng, lý luận, thể hiện sự nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn trong các lĩnh vực hoạt động của Người. “Phương pháp Hồ Chí Minh không chỉ là khoa học mà còn là nghệ thuật. 

Ở đó, trí tuệ đi liền với đạo đức, thuyết phục, cảm hóa con người bằng sự chân thành và giản dị, bằng tình cảm đầy lòng nhân ái, vị tha, thấm đượm sâu sắc chất nhân văn của tính người và tình người. Thực tế, khi ứng xử với tất cả mọi người, từ những người nông dân đang lao động trên đồng ruộng cho đến người thương binh, bệnh binh đang nằm trên giường bệnh, từ bạn bè, đồng chí, anh em cho đến các cháu thiếu niên, nhi đồng hay với những người “đối lập” với mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng thể hiện thái độ tự nhiên, chân tình, cởi mở, vừa chủ động, linh hoạt cũng vừa ân cần, gần gũi làm cho bất kỳ ai dù chỉ được gặp Người một lần cũng cảm nhận rõ không khí ấm cúng, tình cảm, chan hòa mà gần gũi. 

Chẳng hạn, với các đoàn cán bộ miền Nam ra thăm Bác, Bác luôn dặn dò các bộ, ban, ngành, dù chiến tranh còn ác liệt, nhưng phải làm sao để các cháu gái còn có cơ hội sinh con, được làm đúng thiên chức người vợ, người mẹ… Hay những năm cuối đời, khi Bác đã yếu nhiều, Bác quyết tâm cai thuốc lá. Bộ Chính trị và anh em trong cơ quan vì thương Bác mà ai cũng quyết tâm bỏ thuốc. Bác biết được, bỏ thuốc lá bứt rứt, khó chịu như thế nào.

Một ngày, Bác nhờ đồng chí thư kí Vũ Kỳ lấy tiền của Bác mua cho Bác bao thuốc. Bác phải nói, Bác mua cho mọi người, chứ Bác không hút thì đồng chí Vũ Kỳ mới bớt lo. Rồi tới cuộc họp, Bác chia cho mỗi đồng chí một điếu thuốc lá và nói: Bác cần phải cai thuốc, chứ các chú cứ hút thuốc đi, không phải theo Bác…

Lý giải về tên Bác, GS Hoàng Chí Bảo cho biết: Ngay từ tên Bác lấy trong những năm đầu ra đi tìm đường cứu nước - Nguyễn Ái Quốc và những năm cuối đời Bác lấy tên Nguyễn Ái Dân đã là một mạch liền xuyên suốt con đường Cách mạng của Bác. “Ái Quốc - Ái Dân”, “Phục vụ nhân dân là phục tùng một chân lý cao nhất”, “Cái gì đúng cho dân, tốt cho dân cái đó là chân lý”! Cho nên với tôi, mà đâu chỉ riêng tôi, muốn học Bác, noi gương Bác thì phải thấu hiểu, thấu cảm. Đó là tri thức, là tình yêu, là tâm hồn cho ta lớn khôn.

Bởi thế, đến với Bác như một cơ duyên, GS Hoàng Chí Bảo nguyện suốt đời nghiên cứu và truyền cảm hứng về Bác, cố gắng để các thế hệ học trò mang hình ảnh Bác trong tim, dù Bác đã đi xa hơn 50 năm. Hiện ông đã đào tạo đội ngũ kế cận những nhà khoa học trẻ, có năng khiếu, có tâm, có đức để lan tỏa lòng kính yêu Bác, như ông đã theo đuổi bằng tất cả trái tim, suốt cuộc đời mình… 

Đọc thêm

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hưởng tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN
​
(PLVN) - Nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021), 110 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021), sáng nay, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thành kính dâng hương tưởng nhớ, tri ân vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Trồng cây kỷ niệm nhân ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trồng cây kỷ niệm nhân ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
(PLVN) - Sáng nay (19/5), Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức lễ trồng cây kỷ niệm nhân 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 2021), tại công trình “Xây dựng mới Trung tâm xét nghiệm Y khoa TP HCM” cụm y tế xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM.

Nhiều triển lãm kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang TPHCM tham quan triển lãm tại đường Đồng Khởi. Ảnh: hcmcpv.org.vn
(PLVN) - Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến hết ngày 11/6/2021, TP tổ chức trưng bày các triển lãm theo chủ đề để kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021) và kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021).

Sức sống bất diệt của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc

Chủ tịch Hồ chí Minh-người khởi xướng, xây dựng và hết lòng chăm lo khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: báo Đảng Cộng sản Việt Nam
(PLVN) - Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc và việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc của Người là cống hiến đặc sắc, có giá trị lý luận và giá trị thực tiễn hết sức quan trọng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - thần tượng của những người làm báo

Chủ tịch Hồ Chí Minh - thần tượng của những người làm báo
(PLVN) - Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận xét: “Sự ứng xử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong giao tiếp ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại”. Điều này được thể hiện rõ qua cách Người giao tiếp với truyền thông trong nước và quốc tế. 

Đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu

Ảnh tư liệu
(PLVN) - Tại phiên họp ngày 7/5/2021, Bộ Chính trị kết luận sau khi nghe Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khoá XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" (Chỉ thị 05) và ý kiến của các cơ quan liên quan.

Trưng bày hình ảnh, tư liệu chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

 Đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: QĐND
(PLVN) - Qua nội dung trưng bày “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta. 

Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW: Nhiều chuyển biến tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW: Nhiều chuyển biến tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
(PLVN) -  Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sơ kết công tác xây dựng Đảng quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2021. 

75 năm bức thư chúc mừng Giáng sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tình cảm còn mãi trong tâm hồn mỗi giáo dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu tôn giáo trong Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1960 (Nguồn ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Tài liệu ảnh giai đoạn 1954 - 1985).
(PLVN) - Ngày 25/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bức thư chúc mừng đồng bào Cơ đốc giáo nhân ngày Giáng sinh. 75 năm đã trôi qua từ bức thư đó, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh về khoan dung tôn giáo vẫn sáng ngời, để từ đó sự thống nhất, đoàn kết gắn bó bền chặt giữa tôn giáo với dân tộc ngày càng sâu đậm, tạo thành nguồn sức mạnh to lớn, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc.