Góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Thanh tra lao động là người hưởng lợi (!?)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLVN) - Dưới góc độ kinh tế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) (sửa đổi) có thể gây ra những bất lợi cho nền kinh tế. Theo đó, các quy định trong dự thảo có thể kìm hãm sự tăng trưởng sản xuất, giảm kim ngạch xuất khẩu và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động. 

Nhiều “rào cản”

Rất nhiều quy định đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung để bảo vệ quyền lợi cho người lao động (NLĐ), tuy nhiên, tại Hội thảo “Dự thảo BLLĐ: Những tác động bất lợi tới nền kinh tế” do CIEM tổ chức sáng 18/9, rất nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại dự thảo này nếu được thông qua sẽ trở thành “rào cản” hoặc “ngáng chân” sự tăng trưởng sản xuất, giảm kim ngạch xuất khẩu thì chính đời sống của NLĐ sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên và trước hết.  Bên cạnh đó, khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam suy giảm so với các DN cùng ngành nghề của các nước khác, thì khi đó “người yếu thế” lại chính là các DN Việt Nam.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (LĐ) đã liệt kê có đến 7 vấn đề lớn cần được xem xét sửa đổi, bổ sung trong dự thảo, đó là thời gian làm thêm và cách tính tiền lương làm theo giờ; Tiền lương; Thời giờ làm việc bình thường; Hợp đồng LĐ; Kỷ luật LĐ; Đình công; Tổ chức đại diện người LĐ tại cơ sở. 

Trong số các quy định mới của Dự thảo, có thể kể đến một số quy định tiêu biểu mà nếu được áp dụng sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế nói chung cũng như lợi ích của NLĐ và DN nói riêng là: không thay đổi về trần làm thêm giờ, trả lương lũy tiến làm thêm giờ, cắt giảm thời giờ làm việc tiêu chuẩn. 

Một ví dụ cụ thể đối với Tập đoàn Samsung tại Việt Nam. DN này quản lý hàng trăm nghìn lao động, nhưng với xu hướng giảm giờ làm việc bình thường, giới hạn thời gian làm thêm và tăng lương lũy tiến giờ làm thêm có thể khiến một tháng Samsung mất thêm 2 triệu USD và một năm mất hơn 20 triệu USD, gây thiệt hại lớn cho DN cũng như bất ổn cho hoạt động sản xuất.

Khi áp lực quá lớn từ những quy định đó, DN sẽ có khả năng chuyển nhà máy sang quốc gia khác khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia giảm đi, kéo theo các chuỗi DN cung ứng cho Samsung tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn, không còn khả năng để duy trì hoạt động. 

Đánh giá Dự thảo BLLĐ (sửa đổi) dưới góc độ lợi quốc gia, nhiều Hiệp hội DN (VCCI, VASEP, VITAS, LEFASO, JCCI, VEIA, Amcham) cho rằng lợi ích quốc gia sẽ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở cả trong và ngoài phạm vi lãnh thổ khi thông qua Dự thảo BLLĐ này.

Cụ thể, bên ngoài thì Chính phủ phải đối phó với việc giảm kim ngạch xuất khẩu do “năng lực cạnh tranh yếu kém” của các DN Việt Nam (DN phải gánh thêm những gánh nặng về chi phí nhân công, tăng bảo hiểm xã hội, tăng chi phí và cơ chế hỗ trợ cho nhiều tổ chức đại diện LĐ tại cơ sở khi BLLĐ mới được ban hành theo Dự thảo tháng 8/2019…).

Bên trong thì các cơ quan nhà nước phải nỗ lực xử lý vấn đề thất nghiệp gia tăng, chi phí bảo hiểm thất nghiệp tăng và việc cắt giảm LĐ hàng loạt do nhiều DN (đặc biệt là các DN Việt Nam vốn thiếu nguồn lực về tài chính) không thể trụ nổi trong bối cảnh chịu những tác động của các quy định trong Dự thảo BLLĐ mới.

Tư duy làm luật không được kìm hãm sự phát triển

“Khi đọc dự thảo này tôi không thấy bóng dáng chính sách, BLLĐ này có tư duy tương đối bảo thủ, là bước lùi của BLLĐ năm 2012!” - TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của chương trình Giảng dạy kinh tế Fullbright  phát biểu.

Ông cho rằng dự thảo tạo ra sự xung đột giữa một bên người sử dụng lao động  (NSDLĐ) và một bên là NLĐ mà không nhìn dưới góc độ tổng thể nền kinh tế. “Dự thảo có làm cho môi trường kinh doanh (MTKD) tốt hơn không, có làm cho đời sống của NLĐ tốt hơn, có làm tăng năng suất LĐ lên không hay chỉ là mâu thuẫn đối kháng?”- Vị chuyên gia này đặt ra một loạt câu hỏi và cho rằng dự thảo đã can thiệp quá sâu vào quan hệ LĐ, đi ngược lại chủ trương của BLLĐ 2012, chưa kể làm tăng thêm chi phí tuân thủ.

“Dường như các nhà làm luật sợ NLĐ kiệt sức, sợ NSDLĐ bóc lột NLĐ mà không tôn trọng quyền tự chủ của họ. Nếu có bình chọn thì Dự thảo này đạt giải quán quân ” – TS Vũ Thành Tự Anh khẳng định. 

Đồng tình với việc Dự thảo quá đi sâu và quan hệ LĐ, TS Nguyễn Đình Cung đặt vấn đề: “Tại sao không làm luật khích lệ khát vọng mà chỉ nghĩ đến sự xung đột?”. Ông cũng cho rằng cần phải phân tích Dự luật này dưới góc độ nền kinh tế, các tư duy làm luật không được kìm hãm sự phát triển, không làm MTKD xấu đi.

“MTKD phải đảm bảo chi phí thấp, rủi ro thấp. Người ta làm bộ luật này không đáp ứng được 2 tiêu chí đó. Người hưởng lợi nhiều nhất là thanh tra LĐ vì kiểu gì cũng vi phạm, còn đối tượng liên quan (NSDLĐ và NLĐ), dù chúng ta bảo vệ, họ cũng không được hưởng lợi…”- ông Cung quả quyết.

Đọc thêm

Quy định mới nhất về việc tổ chức học thêm, dạy thêm

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tư 29/2024 quy định rõ, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Không giải thích rõ ràng cho bên mua về quyền lợi bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Theo quy định tại  Nghị định số 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vừa được Chính phủ ban hành, hành vi không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng.