Nội dung này được quy định tại Điều 5.1.c của Dự thảo. Góp ý Dự thảo này của Bộ TT&TT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây là quy định không khả thi cho các DN. Theo VCCI, khi chưa được cấp phép NK thì các DN sẽ không mạo hiểm gửi hàng từ nước ngoài về và như vậy thì chưa thể có hoá đơn, vận đơn.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ tài liệu này trong thành phần hồ sơ. “Khi NK, DN sẽ phải trình Giấy phép NK cho cơ quan hải quan (CQHQ), và CQHQ sẽ có bản sao hoá đơn, vận đơn, hợp đồng tương ứng. Như vậy, cơ quan quản lý chuyên ngành CNTT có thể kết nối với CQHQ để có được các thông tin này…”- VCCI đề xuất.
Liên quan đến điều kiện NK hàng hoá để nghiên cứu khoa học, VCCI cho rằng, mặc dù dự thảo có nhắc đến việc quy định cụ thể, chi tiết về điều kiện, trình tự, hồ sơ cấp phép và cơ quan xử lý khi NK để nghiên cứu khoa học và thực hiện hoạt động gia công sửa chữa cho thương nhân nước ngoài, nhưng khi đối chiếu với dự thảo thì chưa có quy định về điều kiện NK hàng hoá để nghiên cứu khoa học. Bởi, Điều 4 của Dự thảo mới chỉ nêu nguyên tắc của việc NK hàng hoá chứ chưa nêu các điều kiện để được nhập, không nhập hàng hoá.
Vì vậy, VCCI đề nghị Bộ TT&TT bổ sung thêm quy định về “điều kiện NK hàng hoá thuộc danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấm NK để nghiên cứu khoa học” và lưu ý, các điều kiện này cần được quy định một cách cụ thể, chi tiết, minh bạch, giúp DN và cơ quan quản lý biết được trường hợp nào được nhập, trường hợp nào không được nhập.
Ngoài ra, liên quan đến nguyên tắc hàng hoá phải bảo đảm các quy định về an toàn, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện nay, Điều 4.1 của Dự thảo quy định: “Hàng hóa NK phải bảo đảm các quy định liên quan về an toàn, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia”.
Theo phân tích của VCCI, thông thường, khi NK hàng hoá, CQHQ sẽ phân loại hàng hoá xem thuộc diện phải kiểm tra chất lượng trước khi NK hay không? Trong trường hợp thuộc diện phải kiểm tra chất lượng thì tuỳ mặt hàng, CQHQ sẽ yêu cầu hàng hoá phải được đăng ký kiểm tra, hoặc đã được kiểm tra, hoặc đã có kết quả kiểm tra thì mới được thông quan hoặc đưa ra khỏi điểm tập kết giám sát hải quan.
Theo đó, VCCI băn khoăn: Quy định tại Điều 4.1 là hàng hoá phải được kiểm tra trước khi NK hay không? Nếu có thì kiểm tra theo quy định nào, ai thực hiện kiểm tra, trình tự thủ tục nào?
VCCI phân tích, đây là những hàng hoá được NK không nhằm mục đích tiêu dùng rộng rãi trong nước, chỉ để nghiên cứu khoa học và thực hiện hoạt động gia công sửa chữa cho thương nhân nước ngoài. Do đó, sẽ rất khó để ban hành quy chuẩn kỹ thuật riêng. Nếu áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật của sản phẩm mới, vốn được xây dựng cho các hàng hoá tiêu dùng đại trà, thì có thể sẽ không phù hợp.
Với các lý do đó, VCCI đề nghị Bộ TT&TT sửa đổi quy định theo hướng làm rõ: Hàng hoá chỉ cần có Giấy phép NK được cấp theo quy định của Quyết định này là được thông quan, không cần thực hiện việc kiểm tra chất lượng khi NK.