Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng được triển khai kịp thời, đúng và trúng đối tượng

(PLVN) - Qua 15 ngày triển khai gói 26 nghìn tỷ đồng cho thấy, việc ban hành 12 chính sách hỗ trợ trong Nghị quyết 68 và Quyết định 23 là kịp thời, đúng và trúng về đối tượng; thông thoáng hồ sơ, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian.

Giải trình thêm một số nội dung liên quan đến hỗ trợ phòng chống dịch tại phiên thảo luận sáng 25/7, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên thời gian qua, các chính sách xã hội, an sinh xã hội được triển khai tương đối đồng bộ, có hiệu quả nên đời sống nhân dân, an sinh xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, trong những tháng đầu năm 2021, nhất là đợt dịch bệnh thứ 4 đang diễn biến phức tạp, tạo áp lực lớn đến nền kinh tế, đời sống xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, lên đến 2,52%; nhiều ngành nghề bị suy giảm nặng nề như du lịch, dịch vụ, vận tải...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình tại phiên thảo luận hội trường sáng 25/7.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình tại phiên thảo luận hội trường sáng 25/7.

Đã có 70.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đặc biệt, dịch bệnh đã tấn công vào thành trì rất quan trọng của chúng ta là khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp sử dụng một lượng lớn lao động, nơi có nhiều đóng góp cho kinh tế, thu ngân sách như Bắc Giang, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Long An, Hà Nội…

Một số khu công nghiệp phải dừng hoạt động; các lao động phải dừng làm việc, hay doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, đóng cửa các hoạt động sản xuất, kinh doanh nên ảnh hưởng đến đời sống của hàng chục triệu lao động…

Thực hiện mục tiêu kép, đề cao tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của các địa phương với mục tiêu chăm lo, bảo vệ sức khỏe của người dân, duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh, lao động, chúng ta chấp nhận hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế.

Các doanh nghiệp đã và đang vượt qua nhiều khó khăn chấp nhận thực hiện 3 tại chỗ (sản xuất, ăn ở, cách ly tại chỗ) để bảo đảm sản xuất kinh doanh cũng như an toàn tính mạng.

Trong điều kiện khó khăn đó, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động như giảm giá điện, gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, giảm một số khoản phí, lệ phí hỗ trợ khẩn cấp cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, chúng ta đã hỗ trợ trên 168 nghìn tỷ đồng cho các lực lượng trên.

Riêng gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ, tuy chưa được như mong muốn nhưng do triển khai chưa có tiền lệ, lại làm trong thời gian gấp nhưng đã hỗ trợ gần 39 nghìn tỷ cho 14, 4 triệu người thụ hưởng. Còn với đợt dịch thứ 4, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền và Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.

Qua 15 ngày triển khai gói 26 nghìn tỷ này cho thấy, việc ban hành 12 chính sách hỗ trợ trong Nghị quyết 68 và Quyết định 23 là kịp thời, đúng và trúng về đối tượng; thông thoáng hồ sơ, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian.

Cũng qua 15 ngày triển khai, đã có 63/63 địa phương ban hành kế hoạch, chủ trương và đang triển khai Nghị quyết, nhiều địa phương kết quả cao.

Trong đó, tính đến ngày 24/7, nhóm chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm bệnh nghề nghiệp đã hoàn thành rà soát, hỗ trợ cho 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động với kinh phí 4.300 tỷ đồng cho 11 triệu người lao động được hỗ trợ, kết thúc chính sách thứ nhất. Chúng ta đã hỗ trợ tiền ăn cho người điều trị F0, cách ly F1; giải ngân hỗ trợ người lao động tại các doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh…

Đáng chú ý, chính sách hỗ trợ lao động tự do, dù rất khó triển khai song đến nay được triển khai nhanh có hiệu quả, linh hoạt; hàng trăm nghìn người đã và đang được các địa phương xem xét, đã và đang triển khai hỗ trợ. Chính phủ biểu dương lãnh đạo TP Hồ Chí Minh trong điều kiện giãn cách đã khắc phục khó khăn để thực hiện phòng chống dịch và hỗ trợ cho tất cả hơn 284 nghìn người lao động mất việc làm với 426 tỷ đồng….

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ cập nhật kết quả hàng ngày trên Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như giám sát của các cơ quan theo phân công của Chính phủ.

Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sớm tham mưu tổng kết toàn diện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID để điều chỉnh, bổ sung các chính sách mới cho phù hợp.

Ngoài ra, sẽ quyết tâm thực hiện phương châm càng khó khăn càng phải quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, không hy sinh công bằng xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Đồng thời, thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách cho người có công với cách mạng, nhất là các chính sách theo Nghị định 75 vừa được Chính phủ ký ban hành ngày 24/7, trao quà theo quyết định của Chủ tịch nước...

Không những thế, sẽ hoàn thiện và triển khai ngay các chính sách giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững sau khi Quốc hội ban hành cũng như các chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh con người...

Đọc thêm

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.