Không “ấm lòng” là bất bình thường, bởi hội nghị năm nay đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ hỗ trợ để DN thực sự là động lực phát triển của đất nước.
Chỉ riêng việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngay Chỉ thị về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra DN đã là tín hiệu tích cực.
“Hôm nay, người ta nói rất nhiều về thanh tra, kiểm tra chồng chất. Tôi đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Chỉ thị này đã được ký ngay lúc 13h chiều nay, mang số 20 và sẽ được công bố ngay sau đây”, lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được báo chí đưa kèm hình ảnh Thủ tướng tay cầm Chỉ thị số 20.
Mừng lắm. Nhưng bỗng không mấy vui?
Ngày 15/8/1998 (cách đây 19 năm) Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 61/1998/NĐ-CP về công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Điều 2 của Quyết định nêu rõ: “Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nghiệp”. Điều 3 nói rõ: “Việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi có quyết định của thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không được tiến hành trùng lặp, không quá một lần về cùng một nội dung trong một năm đối với một doanh nghiệp (trừ trường hợp bất thường)”. Điều 6 nói rõ: “Doanh nghiệp có quyền từ chối việc thanh tra, kiểm tra trái quy định của pháp luật; có quyền khiếu nại các quyết định, kết luận về thanh tra, kiểm tra”.
Nghị quyết số 61 nói trên nay đã hết hiệu lực pháp luật, bởi công tác thanh tra DN đã được quy định trong nhiều văn bản luật pháp được xây dựng từ đó đến nay, nhất là sau khi có Luật Thanh tra năm 2010, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra.
Vậy là Chỉ thị 20 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại đúng tinh thần đã nói tại Quyết định số 61/1998/NĐ-CP trước đây gần 20 năm. Tại sao DN chúng ta vẫn tiếp tục bị “hành hạ” bất chấp nỗ lực của Chính phủ? Câu trả lời không khó, khi kỷ cương hành chính vẫn là “trên bảo dưới không nghe”, “quan thì xa, bản nha thì gần”.
Thanh tra nhiều nhưng hiệu quả ra sao? Bỗng nhớ, trước khi “người khổng lồ” Vinashin sụp đổ đã từng tiếp 14 đoàn thanh tra. Có thể có kiến nghị chấn chỉnh quản lý sau mỗi cuộc thanh tra nhưng không có ai thực hiện.
Cuộc gặp của Thủ tướng với DN vừa qua đặc biệt có ý nghĩa khi Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XII) vừa bế mạc chưa lâu, ban hành 3 nghị quyết về kinh tế. Điều này có nghĩa mong đợi và kỳ vọng được nhân lên nhiều lần. Trên tinh thần ấy hy vọng, cộng đồng DN không tiếp tục bị “hành lên, hành xuống” bởi thanh tra, kiểm tra.
Thanh tra và chức năng quản lý, góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách chứ không phải để “hành” DN; đặc biệt thanh tra phải có hiệu lực, hiệu quả.