“Không xứng đáng với tư cách một người cán bộ”
Thành ủy Hạ Long sau đó đã có công văn gửi Đảng ủy phường Bãi Cháy, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra TP yêu cầu xác minh làm rõ trách nhiệm của cá nhân có liên quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra TP kiểm tra xử lý vi phạm theo đúng quy định của Đảng với đảng viên và đề xuất hình thức xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, báo cáo Thường trực Thành ủy trước ngày 25/4.
Trước thắc mắc hành vi chị Chinh cầm dao ở đoạn cuối clip có chứng tỏ điều gì mà bà Hiền ngay trong clip cho rằng chị Chinh “tấn công lực lượng công vụ”, lệnh cho cấp dưới “con dao này là tang chứng?”, LS Nam nói:
“Hành vi cầm dao của người bán hàng rong trong clip chưa phản ánh đầy đủ khoảnh khắc đó. Vì trong clip, thời điểm ban đầu, chị Chinh không cầm dao, sau đó cầm dao lúc nào, làm gì thì không thể hiện rõ, nên không thể phản ánh được người bán hàng rong có chống người thi hành công vụ hay không? Tuy nhiên, theo tôi không nên quá đà khi cho rằng chị Chinh “chống người thi hành công vụ”.
Tại sao nhiều nơi như TP HCM, những người bán hàng rong gần như không còn hoạt động khi có lệnh giãn cách xã hội? Theo tôi, trước hết do ý thức của người dân trong việc chấp hành chủ trương. Mặc dù nhu cầu mưu sinh ở đâu cũng đều có, nhiều người khó khăn vì bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có biện pháp đưa ra gói cứu trợ, mặc dù việc lập danh sách, giải ngân phải có thời gian. Phải xác định khó khăn là cả xã hội, chứ không riêng gì ai. Ý thức là quan trọng nhất”.
Trả lời báo chí, ông Đoàn Hồng Nam, Chủ tịch UBND phường Bãi Cháy, cho biết người phụ nữ bán rong trong clip là chị Vũ Thị Chinh, 31 tuổi, trú phường Minh Thành, TX Quảng Yên. Nữ cán bộ phường trong clip là bà Lê Thị Hiền, Phó Chủ tịch phường Bãi Cháy, cũng chính là người đã dùng điện thoại quay lại cảnh “xử lý” chị Chinh.
Chiều 19/4, Bí thư và Chủ tịch phường đã đến gia đình chị Chinh xin lỗi. “Chị Chinh đã chấp nhận và thừa nhận sai phạm của mình khi bán hàng rong, vi phạm quy định về trật tự đô thị”, ông Nam nói. Nói cách khác, phường chỉ xin lỗi về chuyện Phó Chủ tịch Hiền đã có lời nói sai.
Sau khi dư luận “dậy sóng”, còn có nhiều thắc mắc khác về sự việc: Theo quy định pháp luật, trong sự việc này bà Hiền sai ở điểm gì, chị Chinh có vi phạm Chỉ thị 16 của Thủ tướng hay không?
Theo LS Phạm Hoài Nam (Đoàn LS TP HCM): “Trước hết, với Phó Chủ tịch phường có những phát ngôn không đúng chuẩn mực, có những quy chụp vội vã với người bán rau, không phù hợp với vị trí một lãnh đạo khi xử lý người vi phạm, không chỉ sai luật, sai đạo đức công vụ, mà dư luận cũng không ai chấp nhận. Với sự chỉ đạo nhanh chóng từ Thành ủy Hạ Long, những sai phạm này đang được xem xét xử lý, kỷ luật theo đúng quy định”.
Quy trình xử lý do bà Hiền thực hiện cũng sai. Theo luật, phải lập biên bản với vi phạm hành chính, yêu cầu người vi phạm phải chấp hành. Khi nào người vi phạm không chấp hành thì mới tiến đến cưỡng chế hành chính như trấn áp, tạm giữ để xử lý.
Cùng quan điểm, LS Trần Văn Thanh (Đoàn LS tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) nói: “Những lời nói của Phó Chủ tịch phường trong clip là không xứng đáng với tư cách một người cán bộ khi đang thực thi pháp luật. Phó Chủ tịch phường không thể dùng một hành vi sai trái để xử lý một hành vi sai trái khác”.
“Vừa thương vừa giận” người bán rau
Tuy nhiên, dư luận cũng cần công tâm, không thể vì phẫn nộ với thái độ và phát ngôn của Phó Chủ tịch phường mà bỏ qua dấu hiệu vi phạm của chị Chinh. Theo LS Nam, người bán hàng rong không chỉ vi phạm quy định trật tự đô thị, mà còn vi phạm việc phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Sự việc gây phẫn nộ dư luận vì Phó Chủ tịch phường mạt sát chị bán hàng rong. |
Trước ý kiến chị Chinh không vi phạm Chỉ thị 16 về cách ly xã hội vì đang bán rau là nhu yếu phẩm, LS Nam phản bác: “Chỉ thị 16 không quy định cụ thể trường hợp nào thì không được phép buôn bán. Tùy vào từng địa phương mà nơi đó sẽ cho phép những nơi nào được phép hoạt động buôn bán như siêu thị, chợ truyền thống… nhằm đáp ứng nhu cầu.
Những nơi cung cấp nhu yếu phẩm là nơi được phép hoạt động, có sự kiểm soát và kiểm tra về dịch bệnh. Như vậy, chị Chinh không chỉ có dấu hiệu vi phạm trật tự đô thị, mà còn dấu hiệu vi phạm quy định phòng chống dịch”.
Về phía LS Thanh: “Theo tôi, việc chị Chinh có vi phạm Chỉ thị 16 hay không thì cần xem lại. Nhưng khi Chính phủ đã có những khuyến cáo thì tốt nhất hàng rong nên tạm dừng cho đến khi hết dịch hoặc chuyển vào chợ mà bán. Nhu yếu phẩm thì trong thời gian này chính quyền đã có chỉ định những nơi được phép mua bán”.
Chị Chinh bị khống chế đưa về phường. |
“Một điều chắc chắn, chị Chinh đã vi phạm trật tự đô thị, phương tiện không biển số, không giấy tờ, chở hàng cồng kềnh. Cơ quan chức năng được quyền xử lý những vi phạm trên”, LS Thanh nói.
“Thực tế, người bán hàng rong có phải vi phạm lần đầu hay không? Chị Chinh thừa nhận đã nhiều lần vi phạm, bị nhắc nhở, mới nhất là ngày 14/4, người này bị xử lý và tịch thu xe với sai phạm tương tự. Như vậy, người bán hàng rong đang tái phạm, buộc các cơ quan chức năng xử lý. Nhưng xử lý thế nào cho đúng luật, chứ không phải phản cảm như Phó Chủ tịch phường trong clip”, LS Thanh nói.
“Chúng ta cần tách bạch hành vi sai trái của các bên. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, hành vi nào sai cũng đều bị xử lý. Tất nhiên, mình phải thông cảm cho những người bán hàng rong, người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Người ta thường nói xử lý sao cho “hợp lý, hợp tình” là như vậy”.
“Cô ơi tha cho cháu đi, con cháu thì bé, không có tiền nong, cô đừng lấy của cháu nữa”. |
“Đây là bài học cho các cán bộ cơ sở, lực lượng trật tự đô thị. Thi hành công vụ như vậy, không chỉ cán bộ cũng sai, bị xử lý, bị dư luận lên án, mà nguy hiểm không kém là tạo tiền đề cho nạn “nhờn luật”. Dư luận cũng vậy, nên rạch ròi ai sai, sai như thế nào? Không thể lấy lý do Phó Chủ tịch sai mà lại bỏ qua việc sai của người bán hàng rong. Đừng để sau này người thực thi pháp luật sẽ “chùn tay”, còn người vi phạm thì “nhờn luật””.
Chị Chinh kể, hai năm nay, gia đình thuê gần một mẫu ruộng để trồng hoa màu. Cứ 15h hàng ngày, sau khi xếp rau, củ, quả đầy xe máy, chị chở ra vỉa hè gần Trường Tiểu học Bãi Cháy (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) đứng bán, đến khoảng gần 19h hết hàng thì về.
Ngày 11/4, một người của lực lượng trật tự đến nhắc nhở và yêu cầu chị vào chợ bán hàng. Ngày 14/4, cũng tại địa điểm này, lực lượng chức năng tới nhắc nhở và nói nếu tái phạm sẽ lập biên bản.
Ngày 16/4, do thấy việc đứng một chỗ bán không chạy hàng, chị Chinh đi bán rong, tới từng nhà khách quen. Khi chị đang bán cho một người dân thì lực lượng chức năng tới thu giữ phương tiện và toàn bộ hàng hoá đưa về trụ sở UBND phường Bãi Cháy.
“Đi đến trụ sở phường để xin nộp phạt, tôi tưởng ký nộp xong sẽ được lấy xe và hàng mang về luôn, nhưng phía phường nói 1 tuần sau mới lấy được. Thấy vậy, tôi không ký biên bản vi phạm mà về luôn”, chị Chinh nói.
“Sau đó, tôi về nhà tìm mua lại một chiếc xe máy cũ, không có giấy tờ để đi bán rau tiếp”, lời chị Chinh.
Chị Chinh cho hay, ngày 18/4, khi mới bán được vài mớ rau, nhiều người khuyên chị nên đi về vì lực lượng chức năng sẽ đến tịch thu. Chị chuẩn bị về thì xe máy trục trặc không đi được, sau đó xe thùng của lực lượng chức năng ập tới rồi thu giữ phương tiện và hàng hóa, đồng thời đưa chị Chinh lên thùng ô tô để về trụ sở.
Lý giải việc cầm dao khi giằng co với lực lượng chức năng, chị Chinh cho rằng không có ý hành hung ai, chỉ vì quá bực nên xảy ra hành động trên.
“Đấy là con dao cùn tôi dùng để cắt gốc rau, tôi không chống đối hay định chém ai”, chị Chinh trần tình.
Về trụ sở, chị viết bản tường trình sự việc, rồi đi về mà không ký vào biên bản vi phạm. Nhớ lại lúc bị nữ Phó Chủ tịch phường Bãi Cháy gọi là “mày”, “điên”, chị khóc cả đêm.
Cũng theo chị Chinh, chiều 19/4, lãnh đạo của UBND phường Bãi Cháy tới nhà chị để xin lỗi, động viên.
“Mấy ngày nay nhiều người muốn ủng hộ tôi tiền nhưng tôi không nhận. Tôi chỉ muốn tiếp tục đi bán rau, vì không còn nghề nào khác. Mong phường tạo điều kiện để tôi có một chỗ ngồi bán rau kiến tiền nuôi hai con ăn học”, chị Chinh bộc bạch.