Tình huống “khó xử”
Sau khi nói không với những cuộc đấu thầu đấu giá vi phạm trong lĩnh vực y tế tại Long An những năm 2014 – 2015, đến năm 2015 BS Liêm một lần nữa phải đứng trước một tình huống “khó xử”.
BS Liêm kể, năm 2015, Sở Y tế tiến hành cuộc thi tuyển dụng công chức. Hàng trăm thí sinh đăng ký tham gia, trong đó có em dâu của một cán bộ và em gái của tài xế lái xe vị cán bộ này. Trước khi diễn ra cuộc thi, “em gái nuôi” của vị cán bộ “gửi gắm” hai thí sinh này cho ông.
Hội đồng tuyển dụng công chức có 12 người, trong đó BS Liêm là Chủ tịch Hội đồng. “Biết đây là hai thí sinh được gửi gắm, tôi có gặp họ, tuy nhiên cũng chỉ động viên, dặn dò, hướng dẫn họ phải ôn thi ra sao. Tôi nói rõ họ phải tự thân vận động chứ đừng ỉ i là được “bảo kê”. Là Chủ tịch Hội đồng, tôi cũng chỉ có thể hỗ trợ ví dụ chiếu cố “vớt” từ 4,5 lên 5 điểm, chứ không thể biến trắng thành đen. Còn có cả một Hội đồng cùng làm việc, tôi muốn tuyển dụng sai cũng không được”, BS Liêm kể lại.
Ngày thi, em dâu vị cán bộ mắc hàng loạt điểm liệt, “trượt thẳng cẳng”; trong khi em gái của tài xế vị cán bộ sau quãng thời gian học ngày, học đêm đã thi đậu. “Tôi bị “ghi sổ đen” từ lúc này”, BS Liêm nói.
Như PLVN đã phản ánh trong số báo trước, cũng quãng thời gian này BS Liêm chỉ ra hàng loạt sai phạm trong đấu thầu thiết bị y tế của một DN tư nhân được đồn đoán là “sân sau” của vị cán bộ kia; phản đối chủ trương xóa bỏ Khoa Nhi và Khoa Sản tại BV Đa khoa tỉnh để chuyển về một BV tư nhân... BS Liêm nhớ lại: “Lúc này tôi đã thành “cái gai” trong mắt một số người có lợi ích nhóm”.
Bốn ngày sau khi BS Liêm ký báo cáo gửi UBND tỉnh về cuộc đấu thầu hàng chục tỷ tại BV Đức Huệ có sai phạm; sau khi “em gái nuôi” vị cán bộ gọi điện tuyên bố BS Liêm sẽ “mất chức”; ngày 8/11/2016, một lãnh đạo tỉnh mời Ban Giám đốc Sở làm việc, thông báo chuyển công tác BS Liêm, thôi chức Giám đốc, về làm Phó Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ.
“Tôi không đồng ý vì thời điểm đó tôi đang là Giám đốc Sở, kiêm Phó Ban bảo vệ sức khỏe cán bộ, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Ban. Tôi yêu cầu đưa ra lý do chính đáng, tôi sẽ sẵn sàng thôi chức Giám đốc Sở”. Không nêu được lý do, ý định “điều chuyển” bất thành.
Sở Y tế bị đưa vào “tầm ngắm”
Bốn ngày sau đó, ngày 12/11/2016, nhân thời điểm Đoàn công tác số 7 của Quốc hội có cuộc làm việc giám sát tư pháp và phòng chống tham nhũng tại Long An, một lãnh đạo tỉnh trong cuộc làm việc đưa ra ý kiến “có 4 vấn đề liên quan đến Sở Y tế”, rồi đề nghị báo cáo gửi về BCĐ phòng chống tham nhũng Trung ương.
Vụ thứ nhất, như PLVN đã phản ánh trong số báo trước, em trai một cán bộ đến nhà ông Liêm để lại bao thư có 400 triệu đồng. Ngay sáng hôm sau ông Liêm đã nộp cho thủ quỹ Sở, có biên nhận ghi rõ nội dung. BS Liêm đã không nhận, nộp cho ngân sách nhà nước, là căn cứ để cơ quan chức năng tỉnh phát hiện sai phạm một vụ đấu thầu. “Nếu “ỉm” đi, có thể tôi bị truy tội nhận hối lộ. Nếu nộp vào quỹ cơ quan chứ không phải chuyển vào ngân sách, có thể tôi bị truy tội lập quỹ trái phép”, BS Liêm nhớ lại.
Vụ thứ hai, là vấn đề đấu thầu thuốc 2010 – 2011. Theo KLTT của tỉnh năm 2014 thì “sai phạm đấu thầu thuốc tại Sở Y tế gây thiệt hại 24 tỷ từ tiền ngân sách, quỹ bảo hiểm, từ tiền túi bệnh nhân”. BS Liêm không đồng ý: “Trên thực tế, công tác đấu thầu thuốc thời điểm 2010 – 2011 xảy ra rắc rối ở nhiều tỉnh, thành. Nguyên nhân không phải do cán bộ làm sai mà do thời điểm đó chưa có quy định rõ ràng về đấu thầu thuốc”.
Tỉnh cử cán bộ làm việc với Bộ Y tế, Bộ KH&ĐT, BHXH… Rốt cuộc, Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT), Bộ Y tế có Văn bản 8314/BYT-QLD xác định việc đấu thầu không gây thiệt hại. Sau hai năm kiểm tra, hỏi nhiều bộ, ngành, năm 2017, UBND tỉnh ra Quyết định 35 điều chỉnh KLTT năm 2015, bỏ đi nội dung “gây thiệt hại 24 tỷ đồng”, thành “không thiệt hại”.
Vụ thứ ba, liên quan đến một cán bộ cấp dưới của ông Liêm xảy ra tại Sở Y tế từ năm 2014, đến nay vẫn đang xét xử.
Vụ thứ tư, liên quan gói thầu lắp đặt camera trong tòa nhà do Sở Y tế quản lý. Trước đó, cuối tháng 6/2016, tỉnh ra KLTT 3217/KL-UBND, không hề nói đến việc BS Liêm “chiếm đoạt” hoặc “gây thất thoát cho Nhà nước” và khẳng định: “Đến thời điểm kết thúc cuộc thanh tra (tháng 3/2016), gói thầu này chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt quyết toán”. Thế nhưng, một thời gian dài sau này, sau khi như BS Liêm tự nhận là “cái gai trong mắt một số người”, “bất ngờ” sự việc vẫn bị cơ quan tố tụng địa phương lật lại và BS Liêm rơi vào vòng lao lý.
Điều day dứt nhất khi bất ngờ bị cho “nghỉ chính sách”
Tháng 12/2016, cơ quan chức năng tỉnh “họp kiểm điểm rút kinh nghiệm với những vấn đề đã nêu trên tại Sở Y tế”. Cuộc họp diễn ra trong hai ngày, chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm, không có bất cứ hình thức kỷ luật nào đưa ra với Ban Giám đốc Sở Y tế và cá nhân BS Liêm. “Nhưng bất ngờ, ngày 8/12/2016, địa phương có văn bản về công tác cán bộ, trong đó có nội dung tôi không còn là Giám đốc Sở”, BS Liêm kể.
Từ căn cứ này, ngày 29/12/2016, Chủ tịch tỉnh ra Quyết định 5566/QĐ-UBND cho BS Liêm thôi giữ chức vụ Giám đốc Sở từ ngày 15/2/2017. Lý do đưa ra là “chờ nghỉ chính sách”. Mặc dù không là Giám đốc Sở nhưng BS Liêm vẫn được giữ nguyên phụ cấp chức vụ trong vòng sáu tháng.
“Tôi cho rằng đây là Quyết định trái với Điều 4 Quy định 260-QĐ/TW năm 2009 của Bộ Chính trị về cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ. Nhất là sau khi cho thôi giữ chức vụ, tôi không được phân công nhiệm vụ gì cả, không biết về phòng nào? Ngày ngày tôi vẫn đến Sở, ngồi phòng Giám đốc, nhận lương Giám đốc, “ngồi chơi xơi nước” rồi xách cặp về”, ông Liêm nói.
“Một trong những điều tôi day dứt nhất khi bị cho “nghỉ sớm” là sau 30 năm cống hiến cho ngành Y tỉnh, 10 năm làm Giám đốc Sở Y tế nhưng tôi phải nhận quyết định chỉ hơn 10 ngày trước Ngày Thầy thuốc Việt Nam - 27/2”, BS Liêm tâm sự.
Đến ngày 1/12/2017, BS Liêm chính thức về hưu theo chế độ, kết thúc hai nhiệm kỳ Giám đốc Sở Y tế. Ông không ngờ rằng một “cuộc chiến pháp lý” mới đang chờ ông, khi cơ quan tố tụng Long An lật lại một sự việc đã xảy ra vài năm trước đó. Oan nghiệt nhất ở chỗ ông từng là “khắc tinh” của những DN sai phạm thông thầu thì nay lại bị cáo buộc có vi phạm trong một gói thầu “tí hon” ở chính cơ quan ông từng làm lãnh đạo.
Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.