Hủ tục xa xưa
Theo ghi chép, tục thuê vợ xuất hiện từ thời nhà Hán, được gọi là “Điển hôn”. Nếu không may xuất thân trong gia đình nghèo khó, cho dù không thể đủ tiền để cưới vợ, những người đàn ông cũng sẽ cố gắng vay mượn khắp nơi, dồn tiền để đi thuê vợ. Đối tượng được thuê là những người phụ nữ có cùng cảnh ngộ, nghèo đói, lưu lạc, buộc phải làm nghề nhạy cảm này. Đặc biệt, vợ thuê không bắt buộc phải còn trong trắng, họ có thể là những cô gái chưa chồng, hoặc bà góa, đơn thân nuôi con.
Thậm chí, đang có chồng, có con cũng được. Trường hợp đang có chồng, người vợ thuê phải được nhà chồng đồng ý. Thực tế, những trường hợp này đều là do nhà chồng thiếu tiền, quyết định đem vợ cầm cố, cho thuê để kiếm thêm.
Sau khi hai bên đạt được thỏa thuận, sẽ ký kết khế ước đầy đủ. Trong khoảng thời gian nhất định được ghi rõ trong khế ước, thỏa thuận, những người vợ thuê phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm như một người vợ thực sự. Họ phải sinh con, dưỡng cái cho người thuê mình, chăm sóc, lo liệu cho gia đình người thuê, mãi đến khi khế ước hết hiệu lực, kết thúc thỏa thuận, họ mới được về nhà.
Được biết, mặc dù tục thuê vợ chỉ thông qua một tờ khế ước, thế nhưng cũng rất chú ý để nghi thức. Đều phải qua mối mai, đính ước, đưa sính lễ, đón vợ về nhà. Trung bình, mỗi một khế ước thuê vợ có thời gian từ 3-5 năm. Trong khoảng thời gian này, người vợ thuê không được phép về nhà. Cho dù họ đã có con riêng, cũng không được phép về nhà chăm sóc, trông nom con riêng của mình.
Tập tục thuê vợ xuất hiện từ thời Hán, thế nhưng kéo dài đến thời nhà Nguyên, nhà Thanh bắt đầu trở nên vô cùng phổ biến hơn. Vào thời nhà Nguyên, vì gia cảnh túng thiếu, một số người đàn ông sẽ đưa vợ mình vào tiệm cầm đồ và cầm cố như một món hàng. Người phụ nữ đó sẽ rời khỏi tiệm cầm đồ nếu có người đưa ra mức giá phù hợp.
Khi cô về gia đình của người mới, cô sẽ đảm nhận mọi trách nhiệm của một người con dâu trong nhà như giặt giũ, nấu nướng, quét nhà, gánh nước, đồng thời còn thực hiện nghĩa vụ nối dõi tông đường. Mặc dù chỉ là một cuộc hôn nhân tạm thời nhưng cũng rất chú trọng vào các nghi lễ. Họ không được phép gặp gỡ và chung sống với người chồng ban đầu của mình. Một khi hợp đồng được thiết lập thì không thể bị phá bỏ.
Tuy nhiên, sau khi sinh con, gia đình kia sẽ đưa người phụ nữ trở lại tiệm cầm đồ. Cô ấy sẽ tiếp tục ở đó, chờ một gia đình khác đến đưa đi. Cứ như thế, một vòng lặp xuất hiện không có điểm dừng. Những người phụ nữ ấy không chỉ không có quyền tự do cá nhân mà đến đứa bé mà họ đứt ruột đẻ ra cũng không còn là con của họ nữa.
Mặc dù triều đình nhà Nguyên đã hạ lệnh cấm chế độ hôn nhân này nhưng nó vẫn diễn ra.
Đến cuối thời nhà Thanh, chế độ “Điển hôn” vẫn không hoàn toàn bị xóa bỏ. Ở khu vực Giang Tô và Chiết Giang, người dân gọi “Điển hôn” là “Điển thủy diện”, người dân Liêu Ninh gọi là “Đáp hỏa” còn người Cam Túc gọi đó là “Tựu thê”.
Chế độ hôn nhân này không những thiếu tôn trọng phụ nữ mà còn hủy đi nhân tính. Nó thể hiện sự bất lực của những kẻ nghèo hèn cũng là bi kịch của người phụ nữ thời cổ đại. Khắp mọi nơi, đàn ông nghèo khó sẽ lựa chọn đi thuê vợ chứ không chịu lấy. Điều này khiến rất nhiều phụ nữ đau đớn, không vừa lòng, thế nhưng tại thời phong kiến, địa vị xã hội của phụ nữ rất thấp, sau khi kết hôn bị coi là sở hữu thuộc nhà chồng, họ không có cách nào phản kháng, đành cam chịu sống cho qua ngày đoạn tháng.
Biến tướng trong thời hiện đại
Thời hiện đại, ở các vùng nông thôn nghèo tại Trung Quốc có thể nói kiếm tiền “mua” vợ trở thành động lực duy nhất của cánh đàn ông. Mua bán hôn nhân tiềm ẩn rủi ro bị lừa đảo rất cao, nhưng vì muốn có vợ, rất nhiều đàn ông vẫn chấp nhận mạo hiểm.
Tiểu Hoa là một cô gái quê ở Vân Nam (Trung Quốc), vài năm trước được cha mẹ gả đến thôn Giang Biên, nói là “gả” nhưng kỳ thật chẳng khác “bán” là bao. Năm ấy, cha Tiểu Hoa bệnh nặng, cần một khoản tiền lớn để chữa trị, chỉ có lấy chồng, thu về khoản sính lễ mới có thể chữa bệnh cho cha. Ngày đưa dâu, người nhà không tổ chức nghi thức gì, chỉ tiễn Tiểu Hoa ra bến xe, Tiểu Hoa cứ như vậy mà đến thôn Giang Biên.
Đến nhà chồng rồi Tiểu Hoa mới biết nhà chồng cũng nghèo rớt mồng tơi, tiền sính lễ đều là đi vay mượn tứ phương, cũng may cha mẹ chồng đối xử với Tiểu Hoa rất tốt. Sau này cô mới biết cuộc hôn nhân của mình là do người khác môi giới, vì để cưới được cô, phía nhà trai đã phải bỏ ra không ít tiền “cảm ơn”.
Hay là trường hợp của cô Thường, cô cùng chồng đều là người Hà Nam (Trung Quốc), sau khi kết hôn họ có với nhau 1 bé trai và 1 bé gái. Năm 1999, chồng cô Thường gặp tai nạn lao động qua đời. Tuy nhiên, cô Thường không đủ năng lực nuôi con. Được sự đồng ý của gia đình, cô đã đồng ý làm vợ tạm thời của ông Văn là người cùng địa phương, với điều kiện ông Văn phải chu cấp cho 2 đứa con của cô Thường.
Một trường hợp khác là ông Cao đã gần 50 tuổi nhưng chưa lấy được vợ, hàng xóm của ông Cao là ông Ngô hơn 40 tuổi, thích đánh bạc, thường xuyên vay nợ rất nhiều tiền. Một lần do quá túng thiếu, ông Ngô đã cho ông Cao thuê vợ của mình trong vòng 10 ngày với mức giá 50 tệ (khoảng 177.000 đồng)/ngày.
Chưa dừng lại tại đây, mua bán hôn nhân còn mở rộng ra cả phạm vi quốc tế. Theo đó, nhiều đàn ông Trung Quốc không lấy được vợ đã sang Thái Lan thuê “vợ tạm” như một cách “chữa cháy” khi gánh nặng lập gia đình đè lên vai.
Thuê vợ rất phổ biến ở Thái Lan, nó được chia thành ngắn hạn và dài hạn, trong đó ngắn hạn là 1 ngày đến 1 tuần, dài hạn là 1 tháng, thậm chí cả đời. Giá cả không được xem quá đắt, khoảng 300-1.000 tệ/ngày, tùy theo trình độ học vấn và ngoại hình của cô “vợ”. Nếu là hợp đồng thuê dài hạn thì có thể rẻ hơn rất nhiều, trung bình chỉ từ 100-200 tệ/ngày.
Dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, giá cả sẽ được công khai rõ ràng. Trong giai đoạn chung sống, người thuê phải chịu mọi chi phí như ăn ở, vui chơi, giải trí, kể cả chi phí tiêu xài của “vợ tạm”... Công việc của một cô “vợ thuê” bao gồm làm vợ và hướng dẫn viên du lịch. Để được nhận tiền thù lao, các cô gái sẽ phải nấu nướng, dọn dẹp và thực hiện nhiều công việc khác. Phục vụ “nhu cầu sinh hoạt tình dục” của người “chồng hờ” cũng là một trong những nhiệm vụ không thể thiếu của các cô gái.
Nếu cảm mến cô vợ hờ, người “chồng” sẽ quay trở lại Thái Lan mỗi năm và sống cùng cô gái đó khoảng vài tháng. Một số cô còn may mắn được trở thành vợ thực sự và kết hôn với người thuê họ. Tuy nhiên, hầu hết những mối quan hệ như vậy chỉ dừng lại khi thỏa thuận thuê vợ kết thúc và các cô gái tiếp tục trở lại tìm kiếm những hợp đồng làm vợ thuê mới.
Rất nhiều cô gái đến với nghề làm vợ thuê đều có xuất thân từ gia đình nghèo khó. Họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc dấn thân vào công việc ấy. Họ cố gắng học tiếng Anh, học cách quyến rũ đối phương và hẹn hò với nhiều người đàn ông cùng một lúc.
Tuy nhiên, dịch vụ “thuê vợ” cũng có không ít mặt hạn chế. Chẳng hạn, một số du khách nước ngoài sau khi bị “vợ tạm” tống tiền, họ rơi vào tình cảnh trắng tay và không có tiền mua vé máy bay về nước. Thậm chí, có người bất đắc dĩ trở thành kẻ vô gia cư, ăn xin dọc các con phố vào ban ngày và phải ngủ nhờ trong công viên vào ban đêm. Họ có kết cục như vậy cũng do bị “vợ tạm” bỏ rơi, bị lừa hết tiền...