'Gỡ vướng' việc xử lý phương tiện vi phạm quá hạn tạm giữ cách nào?

Một bãi xe vi phạm tại TP HCM.
Một bãi xe vi phạm tại TP HCM.
(PLVN) - Do chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về việc xử lý với tang vật, phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính đã quá hạn tạm giữ; nên lượng phương tiện này tồn đọng ngày càng nhiều. Tìm hướng giải quyết vấn đề này, mới đây Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình.

Tồn đọng gần 137 nghìn phương tiện chưa xử lý được

Theo Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, từ năm 2013 đến tháng 9/2019, công an các đơn vị, địa phương đã tạm giữ 4.298.097 phương tiện giao thông đường bộ, trong đó 248.938 ô tô; 3.959.404 xe máy, chiếm 92,1%... 

Thực tế hệ thống trang thiết bị, nhà tạm giữ phương tiện, kho bãi chưa đáp ứng yêu cầu tạm giữ, bảo quản. Hầu hết các đơn vị đều tận dụng trụ sở cơ quan giữ phương tiện vi phạm, hoặc sử dụng nơi tạm giữ chung của nhiều đơn vị, không có kho chứa chuyên dụng riêng biệt, nhiều trường hợp phải thuê kho, bãi làm nơi tạm giữ; có 32/63 địa phương còn đơn vị phải thuê địa điểm tạm giữ phương tiện.

Việc gia tăng số lượng phương tiện quá hạn tạm giữ mà chưa xử lý được dẫn đến tình trạng quá tải, tại nhiều địa phương nơi tạm giữ phương tiện xuống cấp, không đảm bảo các điều kiện an toàn, dễ dẫn đến tình trạng cháy nổ…

Tướng Ngọc cho biết, tính đến tháng 9/2019, tại công an các đơn vị, địa phương còn tồn đọng 136.989 phương tiện quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được, gồm 772 ô tô; 134.073 xe máy, chiếm 98%; và 2.144 phương tiện khác, chiếm 1,6%.

Việc gia tăng số lượng này và tạm giữ quá lâu dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện hỏng hóc, cũ nát, không sử dụng được. Trong 136.989 phương tiện tồn đọng, có 37.006 phương tiện đã hư hỏng.

Liên quan đến những khó khăn về mặt pháp lý, ông Ngọc cho biết, do thủ tục tịch thu, bán đấu giá mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều khâu như: Xác minh chủ sở hữu phương tiện, giám định, thông báo niêm yết, tra cứu hồ sơ để xác định phương tiện đó có nằm trong cơ sở vật chứng hay không, định giá, ra quyết định tịch thu, lập phương án xử lý tài sản với từng phương tiện...

“Chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về việc xử lý với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc không xác định được người vi phạm. Chưa có quy định về thời điểm bắt đầu thông báo là sau khi quá hạn bao nhiêu lâu? Thời gian giữa 2 lần thông báo? Cũng như chưa có hướng dẫn về việc xác định thế nào là lý do chính đáng?”, Tướng Ngọc nói.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 46 thì các hành vi bị áp dụng biện pháp tạm giữ xe là các hành vi mà tài xế dễ vi phạm như: Không có giấy đăng ký xe, vi phạm nồng độ cồn, chưa đủ độ tuổi quy định… nên số xe bị tạm giữ rất lớn.

Kiến nghị về giải pháp trong thời gian tới, Tướng Ngọc cho rằng cần rà soát, sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC).

Theo đó, sửa đổi khoản 1 Điều 74 theo hướng với phương tiện quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt 10 ngày, nếu người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt thì cơ quan có thẩm quyền thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; quá thời hạn 30 ngày mà chủ phương tiện không đến nhận, không có lý do chính đáng thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá phương tiện. Với trường hợp đủ điều kiện thì cần nhanh chóng trả lại cho người vi phạm hoặc chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp.

Cấp phó được giao thêm quyền xử phạt

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Bộ Tư pháp đã được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp các bộ, ngành hữu quan xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC, trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9 và trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. 

Bộ Tư pháp đã tiến hành việc rà soát Luật XLVPHC, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tạm giữ, tịch thu  tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nói chung và phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng. 

Cụ thể, sẽ bổ sung quy định về việc giao quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm XLVPHC cho cấp phó. Cấp phó được giao quyền xử phạt có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức thực hiện việc giải trình, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm XLVPHC, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt như cấp trưởng, trừ biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì được thực hiện theo quy định tại Điều 123 Luật XLVPHC. 

Cùng với đó là bãi bỏ quy định về việc tạm giữ để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại Điều 60 Luật XLVPHC, vì đây cũng là một trong những trường hợp tạm giữ đã được quy định tại Điều 125 của Luật XLVPHC, đồng thời, bổ sung trường hợp tạm giữ: “Để định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt” vào điểm a khoản 1 Điều 125 Luật XLVPHC.

Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung các quy định tại Điều 82 Luật XLVPHC theo hướng viện dẫn pháp luật quản lý, tài sản công để xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan điều kiện áp dụng, trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp ngăn chặn và bảo đảm XLVPHC, trong đó có biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Cũng theo Thứ trưởng Oanh, Bộ Tư pháp được phân công chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, xây dựng Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về XLVPHC song song với việc soạn thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về XLVPHC.

“Mặc dù thời gian qua Bộ Tư pháp đã rất nỗ lực, chủ động, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan trong việc nghiên cứu, xây dựng Đề án và nhiều lần có Báo cáo Thủ tướng về vấn đề này, nhưng nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về XLVPHC vẫn chưa hoàn thành do nhiều lý do khách quan. Đến nay, Bộ Tư pháp vẫn đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về XLVPHC theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam”, Thứ trưởng Oanh thông tin.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương: Cẩn thận để tránh hợp thức xe gian thành xe hợp pháp

“Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân tham gia giao thông là rất quan trọng. Tuy nhiên, tình trạng quản lý, tạm giữ, thanh lý các phương tiện giao thông vận tải đường bộ vi phạm hành chính đang có nhiều bất cập, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ trở thành nơi tiêu thụ xe gian. 

Trên thực tế, đang có nhiều trường hợp lợi dụng việc này để hợp pháp hóa xe lậu để trục lợi cá nhân. Đang là xe bất hợp pháp nhưng cố tình để bị bắt rồi dùng nhiều cách biến phương tiện đó trở thành xe hợp pháp là vấn đề cần phải xem xét lại.

Do đó, cần phải bổ sung những quy định về mặt pháp lý nhằm nâng cao chất lượng xử lý các phương tiện vi phạm theo hướng nhanh gọn, hiệu quả, tránh tình trạng quá tải tại các bãi giữ xe, gây khó khăn trong công tác xử lý cũng như lãng phí tài sản của nhân”. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang: Cần đơn giản hóa thủ tục đăng trên phương tiện đại chúng

“Thực tế, nếu các phương tiện bị cơ quan chức năng tịch thu do vi phạm thì đối với những chiếc xe đẹp thì sau vài ngày chủ xe sẽ đến nhận. Còn ùn lại toàn là những xe không có giấy tờ đăng ký, xe được “độ”, “chế”, đục lại số khung, số máy…

Theo quy định, cơ quan chức năng phải yêu cầu họ chứng minh xe hợp pháp mới cho nhận lại xe, khi họ không chứng minh được thì phải giữ lại xe và tìm chủ sở hữu. Sau 1 tháng tạm giữ phải ra quyết định tịch thu nhưng địa phương không thực hiện được khiến lại ùn lần 2. Nếu không xử lý nhanh thì Nhà nước phải bỏ ngân sách ra để trả tiền lưu bãi.

Đơn cử như 1 phương tiện tiền kho bãi là 16 nghìn/ngày, tạm giữ 30 ngày, đến khi bán đấu giá chỉ được 500-700 nghìn/ xe. Như vậy, Nhà nước phải bỏ thêm ngân sách ra trong quá trình lưu kho bãi. Vì vậy, xe cũ nát phải có phương án rút ngắn thời hạn và đơn giản hóa thủ tục đăng trên phương tiện đại chúng”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp): Xem lại phạm vi điều chỉnh của luật

“Tôi đã từng làm Bí thư của một huyện nên thấy rằng việc tạm giữ một phương tiện cực khó vì nhiều nơi không có kho tạm giữ. Tôi thấy rằng, các phương tiện tạm giữ hiện tại mà kéo dài thì bán cũng không ai mua.

Do đó, việc bán đấu giá là bất khả thi do người mua cũng không sử dụng được nên không mua. Đây là sự lãng phí xã hội rất lớn. Sắp tới nếu sửa Luật XLVPHC cần xem lại phạm vi điều chỉnh của luật về việc giữ phương tiện. Để làm sao khi giữ lưu kho các phương tiện, đặc biệt xe gắn máy ít đi, bớt đi”.

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam)

“Thực tế hiện có nhiều phương tiện giao thông tự chế, các địa phương rất khó và lúng túng trong xử lý. Như xe công nông, thời gian rất dài, người dân thường có câu: “Ra đường sợ nhất công nông…”. Do đó, đối với các loại phương tiện tự chế, thay đổi kết cấu thì một là chúng ta tịch thu luôn, hoặc nếu để tồn tại thì cần có hành lang pháp lý đối với các phương tiện này để phù hợp với thực tiễn. 

Đối với các phương tiện có giá trị thấp, không có giá trị lưu hành thì cần rút ngắn thời gian thanh lý bằng biện pháp tiêu hủy hoặc bán phế liệu”.

Đọc thêm

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.