Theo báo cáo của UBND TP HCM, tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án đường vành đai 3 khoảng 9,3 triệu m3, trong đó riêng năm 2024 là 6,5 triệu m3 (riêng TP HCM là 4,7 triệu m3).
Tuy nhiên, các nhà thầu thi công dự án đường vành đai 3 TP HCM đang gặp khó khăn trong tìm kiếm các nguồn cát đắp nền đường, do các tỉnh ưu tiên cung cấp cát cho các dự án của địa phương và cao tốc Bắc - Nam.
Tổ công tác bảo đảm vật liệu xây dựng phục vụ dự án đường vành đai 3 của TP HCM đã làm việc với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh.
Trước mắt, TP HCM kiến nghị các địa phương điều chuyển, chia sẻ một phần khối lượng cát đắp nền tại các mỏ đang khai thác phục vụ các dự án cao tốc khác sang cho dự án đường vành đai 3; rút ngắn thủ tục gia hạn/cấp lại giấy phép khai thác một số mỏ cát.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, dự án đường vành đai 3 là dự án quan trọng, chiến lược trong kết nối TP HCM với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ; có đủ nguồn cát đắp nền thì tiến độ của cả dự án đường vành đai 3 mới theo đúng kế hoạch đề ra.
Theo tiến độ dự án đường vành đai 3, UBND TP HCM đề xuất khối lượng cát đắp nền cụ thể: Trong tháng 4 là 450 nghìn m3, tháng 5 là 330 nghìn m3, tháng 6 - 8 là 2,3 triệu m3, tháng 9 - 12 là 3,4 triệu m3.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng khẳng định Tiền Giang sẽ đáp ứng cho dự án đường vành đai 3 TP HCM khoảng 6,3 triệu m3 (trong năm 2024 là 3,8 triệu m3).
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, dự kiến trong năm 2024, tỉnh sẽ cho phép khai thác 6 mỏ với khoảng 14,9 triệu m3 và có thể cung cấp nhiều hơn cho TP HCM so với cam kết 850 nghìn m3.
"Chúng tôi mong muốn các Bộ, ngành trực tiếp hỗ trợ để địa phương gia hạn/cấp lại, cấp mới giấy phép khai thác cát nhanh chóng, đầy đủ, chặt chẽ", ông Tam nói.
Đại diện UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp cũng báo cáo về phương án điều chuyển khoảng 400 nghìn m3 cát khai thác phục vụ các dự án cao tốc Bắc - Nam cho dự án đường vành đai 3 của TP HCM.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đã giải đáp, làm rõ một số vấn đề mà các địa phương còn băn khoăn liên quan đến quy trình, thủ tục gia hạn/cấp lại giấy phép khai thác cát, cập nhật số liệu trữ lượng, chất lượng, đánh giá tác động môi trường, quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao báo cáo cụ thể, chi tiết của UBND TP HCM về nhu cầu sử dụng cát đắp nền theo các mốc tiến độ của dự án đường vành đai 3.
Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT, TN&MT, các địa phương khẩn trương rà soát về khả năng cung ứng cát theo mốc tiến độ các dự án cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai 3 TP HCM, theo từng tháng, từng quý; từ đó đề xuất phương án nâng công suất khai thác, bổ sung các mỏ mới để đáp ứng được yêu cầu tiến độ.
"Các địa phương cần chủ động xử lý vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý, không để chậm trễ trong gia hạn/cấp lại giấy phép khai thác, tạo thuận lợi cho hoạt động khai thác cát của doanh nghiệp", Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng yêu cầu lập tổ công tác liên ngành, do lãnh đạo Bộ TN&MT làm tổ trưởng, phối hợp với các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng… để vận dụng các cơ chế gia hạn/cấp lại giấy phép, nâng công suất khai thác mỏ cát phục vụ dự án đường vành đai 3 TP HCM theo cơ chế đặc thù đã được Quốc hội cho phép, "lựa chọn, áp dụng đúng chính sách, bảo đảm an toàn môi trường, chất lượng cát khai thác"…
Bên cạnh đó, các Ban quản lý dự án, nhà thầu cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai 3 TP HCM cần chủ động tham gia hỗ trợ phương tiện kỹ thuật, máy móc, con người để khẩn trương nâng công suất hoặc sớm đưa vào khai thác các mỏ mới, đúng quy định.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ: GTVT, Xây dựng, TN&MT, Công Thương… theo lĩnh vực quản lý phải sớm công bố kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp; hướng dẫn các địa phương chuẩn bị quy trình thủ tục về cấp phép, định mức, đơn giá khai thác cát biển; hoàn thiện quy định sử dụng nguồn vật liệu từ các dự án nạo vét luồng lạch để làm vật liệu san lấp; xây dựng phương án nhập khẩu vật liệu xây dựng;…