Theo điểm b khoản 2 Điều 47 Luật THADS quy định: “Trường hợp có nhiều người được THA thì việc thanh toán tiền THA được thực hiện như sau: Số tiền THA thu theo quyết định cưỡng chế THA được thanh toán cho những người được THA tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó; số tiền còn lại được thanh toán cho những người được THA theo các quyết định THA khác tính đến thời điểm thanh toán”.
Còn khoản 1 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: Trường hợp thanh toán tiền THA theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật THADS thì chấp hành viên xác định số tiền được thanh toán của những người được THA đã yêu cầu THA tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế THA.
Trường hợp bản án, quyết định đang do cơ quan THADS tổ chức thi hành xác định nhiều người được THA nhưng chỉ một hoặc một số người yêu cầu THA mà tài sản của người phải THA không đủ để thi hành nghĩa vụ tài sản theo bản án, quyết định thì cơ quan THADS thanh toán cho người đã yêu cầu THA theo tỉ lệ mà họ được nhận, số tiền còn lại gửi vào ngân hàng theo loại tiền gửi kỳ hạn 1 tháng. Đồng thời thông báo và ấn định thời hạn không quá 1 tháng cho những người được THA chưa yêu cầu về quyền yêu cầu THA, trừ trường hợp đã hết thời hiệu.
Hết thời hạn thông báo mà cơ quan THADS không nhận được yêu cầu THA thì số tiền đã gửi và tiền lãi được thanh toán tiếp cho những người đã có yêu cầu THA tính đến thời điểm hết thời hạn thông báo; số tiền còn lại, nếu có, được thanh toán cho những người được THA theo các quyết định THA khác tính đến thời điểm thanh toán hoặc trả lại cho người phải THA.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 1/8/2016 quy định: Trường hợp thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật THADS và khoản 1 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ thì cơ quan THADS xác định rõ những bản án, quyết định đang trực tiếp tổ chức thi hành có trước thời điểm có quyết định cưỡng chế THA mà có nhiều người được THA để xác định người đã yêu cầu THA, người chưa yêu cầu THA. Số tiền được thanh toán của người đã yêu cầu THA và của người chưa yêu cầu THA theo các bản án, quyết định đó.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tiền, cơ quan THADS chi trả cho người đã yêu cầu THA số tiền theo tỷ lệ mà họ được nhận, đồng thời thông báo cho những người được THA chưa yêu cầu thi hành bản án, quyết định đó về quyền yêu cầu THA. Việc thông báo được thực hiện theo địa chỉ có tại bản án, quyết định qua dịch vụ bưu chính bằng thư bảo đảm.
Trong thời hạn đã ấn định mà tiếp tục nhận được yêu cầu THA thì cơ quan THADS ra quyết định THA theo quy định và chi trả cho họ số tiền đã gửi, tiền lãi theo tỷ lệ đã được xác định, số tiền của những người không yêu cầu THA còn lại được thanh toán tiếp cho những người đã có yêu cầu thi hành bản án, quyết định đó tính đến thời điểm hết thời hạn thông báo. Số tiền còn lại được thanh toán cho những người được THA theo các quyết định THA khác tính đến thời điểm thanh toán.
Khi áp dụng các quy định trên, cơ quan THADS gặp nhiều khó khăn, vì có nhiều cách hiểu khác nhau: Số tiền THA thu theo quyết định cưỡng chế THA được thanh toán cho những người được THA tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó, vậy “người được THA” ở đây được hiểu là người được THA đã có yêu cầu THA hay bao gồm cả những người chưa có yêu cầu THA? Của bản án, quyết định do cùng một cơ quan THADS tổ chức thi hành hay cả những bản án, quyết định của các cơ quan THADS khác thi hành?
Việc thông báo cho những người được THA chưa yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 49 Nghị định số 62/NĐ-CP được hiểu là thông báo cho những người được THA giới hạn trong một bản án, quyết định đã có quyết định THA (kể cả chỉ mới ra quyết định chủ động THA) hay phải thực hiện việc thông báo cho tất cả những người được THA trong những bản án, quyết định mà cơ quan THADS đó đang trực tiếp tổ chức thi hành? Bởi trên thực tế, trong nhiều trường hợp, cơ quan THADS tổ chức thi hành cùng lúc nhiều bản án, quyết định với nhiều người được THA khác nhau. Điều này dẫn đến xung đột trong việc thanh toán tiền khi số tiền thu được không đủ thanh toán cho các nghĩa vụ THA của người đó.
Ngoài ra, Điều 47 Luật THADS về thứ tự thanh toán tiền THA chưa quy định cụ thể về thứ tự thanh toán tiền thuế mà người có tài sản bị kê biên, xử lý để đảm bảo THA phải chịu. Trong đó bao gồm các khoản phí, lệ phí còn nợ trước khi kê biên và các khoản phí, lệ phí phát sinh trong quá trình xử lý tài sản (ví dụ thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ; các loại thuế khác phải đóng do khi chuyển nhượng tài sản dẫn đến thay đổi về chủ sở hữu, mục đích sử dụng tài sản...). Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung Điều 47 Luật THADS để quy định rõ vấn đề này.