“Gõ từng nhà” để phòng, chống cháy nổ

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 59/CĐ-TTg ngày 17/6/2024 chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả và triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy nổ.

Một số nội dung đặc biệt đáng lưu ý, là yêu cầu Bộ Công an rà soát, phân loại, có giải pháp hiệu quả về phòng cháy, chữa cháy với nhà ở cho thuê trọ, đặc biệt là nhà có nhiều tầng, nhiều căn hộ. Bộ Công an sớm trình Thủ tướng ban hành văn bản chỉ đạo về phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng cháy nổ với các cơ sở có nguy cơ cao, nhất là nhà ở có nhiều tầng, căn hộ, cho thuê, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, các phương tiện, thiết bị sử dụng điện... Việc này phải báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/7.

Bộ Công Thương, UBND các địa phương yêu cầu ngành điện phân công cán bộ "đi từng ngõ, gõ từng nhà" kiểm tra, hướng dẫn người dân quản lý, sử dụng điện an toàn, khắc phục tình trạng sử dụng điện không đúng cách, không đúng yêu cầu của nhà sản xuất, góp phần hạn chế cháy nổ do điện gây ra.

Yêu cầu của Thủ tướng được đưa ra ngay sau hai vụ cháy nhà dân liên tiếp xảy ra tại phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) và phường Đa Mai (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), khiến 7 người tử vong.

Thời gian qua, liên tiếp các vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh, cho thuê trọ xảy ra tại Hà Nội và TP HCM, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Vụ cháy mới đây tại phố Định Công Hạ xảy ra trong căn nhà cao 6 tầng, thiết kế kiểu nhà ống, vừa kinh doanh vật liệu xây dựng, làm kho hàng (tầng 1 - 3), vừa để ở. Chưa đầy một tháng trước đó, vụ cháy trong ngõ sâu phố Trung Kính, quận Cầu Giấy cũng xảy ra tại khu nhà vừa kinh doanh cho thuê trọ, sửa chữa xe điện, vừa để gia chủ ở, khiến 14 người tử vong. Tại TP HCM, vụ cháy nhà trong hẻm đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 10) đã làm 4 người tử vong hồi tháng 2/2024. Căn nhà này đồng thời làm kho bán hàng online, chứa nhiều vật dụng dễ cháy.

Theo thống kê của Công an Hà Nội, địa bàn có khoảng 31.200 nhà trọ và hơn 39.200 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao. Tại TP HCM, gần 60.500 cơ sở nhà trọ, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nguy cơ cháy nổ cao. 92% trong số đó thuộc loại hình nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, theo báo cáo rà soát của Công an TP.

Sự cố cháy nổ tại nhà ở kết hợp kinh doanh thường gây thiệt hại lớn về người bởi hàng hóa lấn chiếm lối thoát nạn hoặc để gần đường dây điện và các thiết bị sinh nhiệt. Nhiều nhà ở không có sự bảo trì, cải tạo, hệ thống điện đã xuống cấp, không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Có ý kiến cho rằng cần cấm nhà ở cho thuê trọ đông người kết hợp kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản biện, cho rằng không nên cấm một cách cực đoan vì chủ nhà kinh doanh hay cho thuê phòng là quyền lợi hợp pháp giúp họ gia tăng thu nhập, bảo đảm sinh kế. Chưa kể, nhà trọ góp phần quan trọng trong giải quyết chỗ ở cho phần đông công nhân, lao động, người nhập cư khi nguồn cung nhà ở xã hội tại các TP lớn còn hạn chế. Vì vậy, chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng "đi từng ngõ, gõ từng nhà", là rất đúng đắn trong giai đoạn hiện nay.

Đọc thêm

Chung tay vì mục tiêu BHYT toàn dân

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Lễ Mít tinh kỷ niệm 15 năm ngày BHYT Việt Nam.
(PLVN) - Với chủ đề “Sử dụng hiệu quả quỹ BHYT và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở”, ngày BHYT Việt Nam năm 2024 là dịp cao điểm truyền thông nhằm gia tăng nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT. Từ đó, ngày càng thu hút người dân tham gia BHYT, tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân.

Nghị quyết 01/2024 của Hội đồng thẩm phán: Tháo gỡ nhiều vướng mắc về ly hôn

Việc hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng khi người mang thai hộ đang mang thai, sinh con sẽ giúp quyền lợi của đứa trẻ sinh ra được bảo đảm. (Ảnh minh họa, Nguồn: PLVN)
(PLVN) - Hiện nay, không hiếm các gia đình vì nhiều lý do không thể sinh được con nên đã nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong một thời gian dài quyền ly hôn trong mối tương quan với các quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vẫn chưa được xem xét, điều chỉnh, làm nảy sinh nhiều bất cập.

Gian nan tái chế phế liệu nhựa

Tái chế nhựa mang đến nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu không được xử lý đúng cách. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hiệp hội Nhựa Việt Nam)
(PLVN) - Công nghệ lạc hậu, lực lượng lao động trình độ thấp, không được quy hoạch và không có chính sách bảo vệ môi trường tốt,… là những lý do khiến làng nghề tái chế phế liệu nhựa gây ô nhiễm.

Hà Tĩnh: Tìm hướng xử lý trại lợn gây ô nhiễm

Hồ chứa chất thải bên trong trại lợn. (Ảnh: Hữu Anh)
(PLVN) - Ngày 28/6, lãnh đạo huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và phòng chức năng cùng chính quyền xã Kỳ Tây đã có buổi đối thoại với người dân thôn Đông Xuân lắng nghe ý kiến, tìm hướng xử lý liên quan đến phản ánh trại lợn của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Hoàng Phát gây ô nhiễm môi trường.