Lo bị phạt, không dám ra đường
Theo thống kê từ cơ sở dữ liệu kiểm định, trong tháng 3 và 4/2023, Hà Nội có lần lượt 91.647 và 100.928 xe ô tô đến hạn kiểm định nhưng trên địa bàn chỉ còn 6/31 trung tâm đăng kiểm còn hoạt động. Còn tại TP HCM, có lần lượt 58.548 và 99.315 xe ô tô đến hạn đăng kiểm trong tháng 3 và 4 nhưng công suất kiểm định tại thành phố ước tính tối đa cũng chỉ đạt là 28.600 xe/tháng. Như vậy, chỉ tính riêng hai thành phố này, số lượng xe chưa thể đăng kiểm ngày càng tăng lên rất lớn. Điều này xảy ra do tình trạng ùn tắc đăng kiểm kéo dài bởi không đủ nhân lực phục vụ người dân trong ngày, cộng với tình trạng các trung tâm đăng kiểm liên tục bị tạm dừng hoạt động.
Tại Hà Nội, có thể chứng kiến hàng xe ô tô dài xếp hàng từ sáng đến chiều trước cổng trung tâm đăng kiểm còn hoạt động để chờ được kiểm định xe trước ngày hết hạn, vừa tốn thời gian, công sức, vừa gây ra tâm lý mệt mỏi, chán nản, lo lắng cho các chủ xe. Còn theo nhận định của ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc ùn tắc đăng kiểm còn khiến nhiều lái xe, chủ xe tải, xe container vận chuyển hàng hoá hết hạn đăng kiểm không dám lưu thông ra đường vì mức phạt cao, dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình vận chuyển nguyên vật liệu cần cho sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ, sản lượng của các doanh nghiệp vận tải, sản xuất kinh doanh, kéo theo nhiều hệ luỵ khác.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người điều khiển ô tô (kể cả xe rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc) có giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện quá hạn dưới một tháng sẽ bị phạt 2 - 3 triệu đồng và trên một tháng từ 4 - 6 triệu đồng. Ngoài ra, mức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Bên cạnh đó, chủ phương tiện biết xe hết hạn kiểm định nhưng vẫn giao xe cho người khác hoặc sử dụng tham gia giao thông cũng sẽ bị xử phạt. Nếu chủ phương tiện là cá nhân, xe quá hạn đăng kiểm dưới một tháng mức phạt 4 - 6 triệu đồng và trên một tháng là 6 - 8 triệu đồng. Nếu chủ phương tiện là tổ chức, trường hợp xe quá hạn đăng kiểm dưới một tháng mức phạt 8 - 12 triệu đồng và trên một tháng là từ 12 - 16 triệu đồng. Bởi số tiền phạt tương đối cao, nhiều chủ xe ở thời điểm hiện tại khi hết hạn đăng kiểm chỉ có thể lựa chọn không sử dụng ô tô hoặc thuê xe cứu hộ đưa xe đi đăng kiểm, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật rồi mới được lưu thông trên đường.
Kiến nghị chính sách đặc thù để “gỡ khó”
Từ thực tế trên, các cơ quan chức năng đã tích cực áp dụng, phối hợp nhiều giải pháp để tháo gỡ, khắc phục tình trạng ùn tắc đăng kiểm. Trả lời báo chí, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) Nguyễn Chiến Thắng cho hay, ngay khi có chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Công an, vào tối 10/3, Cục ĐKVN và Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đã lên nội dung kế hoạch chi tiết, bố trí lực lượng về các trạm đăng kiểm.
Cục cũng đang phối hợp với Cục CSGT xử lý vấn đề kỹ thuật, kết nối phần mềm, cơ sở dữ liệu đăng kiểm của hai bên, đánh giá các đơn vị đăng kiểm của ngành Công an để đưa các đơn vị có chức năng, đủ điều kiện đăng kiểm tham gia hỗ trợ Cục ĐKVN. Đây là giải pháp trước mắt để thực hiện mục tiêu trong tháng 3/2023 cơ bản chấm dứt ùn tắc đăng kiểm xe.
Mặt khác, Cục ĐKVN cũng đã lập thống kê, cập nhật số lượng trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động trên cả nước mỗi ngày để cung cấp cho người dân. Cục khuyến cáo người dân tra cứu thông tin thật kỹ, hàng ngày trước khi đưa xe đi kiểm định để chủ động hơn và tránh mất thời gian. Chủ xe có thể gọi đến số điện thoại đường dây nóng của các trung tâm đăng kiểm trước để nắm được tình hình và chỉ nên đưa xe sắp đến hạn kiểm định đi đăng kiểm, nhằm giảm áp lực cho các trung tâm đăng kiểm.
Cục ĐKVN khuyến khích người dân đưa xe sang các tỉnh lân cận để kiểm định hoặc tiện đường về quê, đi công tác, du lịch có thể vào bất kỳ trung tâm đăng kiểm nào trên đường để kiểm định xe. Mặt khác, người dân nên chủ động kiểm tra tình trạng “phạt nguội”, chủ động xử lý trước khi tới trung tâm đăng kiểm, tránh trường hợp chủ xe mang xe đến thì bị từ chối kiểm định do chưa thực hiện việc nộp phạt vi phạm hành chính.
Về chính sách, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, đáp ứng khả năng cung cấp dịch vụ công phục vụ nhân dân. Bộ GTVT đã nêu rõ tính cấp bách cần thiết sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TT-BGTVT về kiểm định xe cơ giới, theo trình tự, thủ tục rút gọn để người dân, doanh nghiệp sớm được áp dụng quy định miễn kiểm định lần đầu đối với xe ô tô mới. Thời gian dự kiến ban hành trong tháng 3/2023. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Chính phủ, Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới cũng sẽ sớm được sửa đổi theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật trên, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn hiện nay.
Một trong những kiến nghị được người dân quan tâm nhiều nhất hiện nay là cho phép các phương tiện quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định. Các phương tiện này không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải. Cùng với đó là đề xuất bãi bỏ Điều 26 quy định số lượng xe cơ giới được kiểm định của đơn vị đăng kiểm; thay vào đó không giới hạn công suất mà theo thực tế tình trạng phương tiện vào kiểm định và thời gian làm việc có thể kéo dài để phát huy hết năng lực của trung tâm đăng kiểm, nhằm phục vụ người dân.