Trường nghề có thời gian thực hành chiếm đến 70% chương trình học. Tuy nhiên, thời gian đầu khi chuyển sang học trực tuyến vì dịch bệnh COVID-19, những tiết thực hành gần như "đóng băng".
Sinh viên Nguyễn Đình Thắng (20 tuổi, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II) bày tỏ lo lắng: "Ngành của tôi chuyên về kỹ thuật, nếu học online thì không thể nắm chắc kỹ thuật như học trực tiếp".
Trong thế khó, nhiều trường đã có nhiều ý tưởng giúp sinh viên tránh "lụt nghề".
Tiến sĩ Bùi Văn Hưng, Phó hiệu trưởng của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cho biết, ngay từ đầu mùa dịch, nhà trường đã chủ động giảng dạy trực tuyến. Nhiều thầy cô hiện say mê với "sân chơi công nghệ số", ứng dụng, phát triển, cũng như tự khám phá được nhiều công cụ hỗ trợ cho bài giảng thêm sinh động và phong phú.
Bên cạnh đó, nhà trường dành nguồn kinh phí lên tới vài tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng như xây dựng phòng studio và các trang thiết bị hỗ trợ giáo viên thực hiện các bài giảng trực tuyến; đồng thời, tìm kiếm kinh phí từ các tổ chức phi Chính phủ để đưa 5 cán bộ giáo viên đi Phần Lan học tập và chuyển giao công nghệ đào tạo.
Với một số môn kỹ thuật khó tiếp cận bằng cách học online, nhà trường đã chuẩn bị nhiều phương án bổ sung. Như môn hàn điện, nhà trường đầu tư thiết bị máy hàn ảo, khi sử dụng thiết bị đó trên máy tính thì nó mô phỏng gần như 85 - 90% cách hàn thực tế.
Giảng viên còn quay các clip minh họa sinh viên thực hành trực tiếp tại trường để khi đưa vào giáo trình dạy trực tuyến thì sinh viên có thể nắm được động tác cơ bản, không có nhiều khoảng cách so với thực tế.
Để dạy thực hành cho sinh viên trong thời gian nghỉ học do dịch COVID-19, Trường Cao đẳng Viễn Đông TP HCM đã nhập mô hình đào tạo, thực hành các ngành đào tạo chăm sóc sức khỏe cộng đồng từ Cộng hòa Liên bang Đức. Cụ thể, với môn giải phẫu sinh lý của ngành điều dưỡng, các mô hình cơ thể người được số hóa theo mã QR. Sinh viên có thể lên mạng và thao tác với những mô hình này không khác gì ngoài thực tế.
Tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cho biết, trường cũng sử dụng một số phần mềm mô phỏng để sinh viên có thể tự học, tự thực hành, hỗ trợ cho việc thực hành ở xưởng.
Với Trường CĐ Công thương TP HCM, thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo cho biết, trường đang lên kế hoạch trong tương lai sẽ sắm một số thiết bị thực tế ảo cho các nghề như hàn, công nghệ ô tô vì đây là xu thế tất yếu mà các trường CĐ cần hướng tới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cho rằng việc thực hành trên một chiếc ô tô đời mới vô cùng đắt tiền và công nghệ thay đổi chóng mặt sẽ khiến các trường khó thường xuyên đáp ứng, tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, cho biết, trường chọn giải pháp sử dụng phần mềm mô phỏng cho một số môn thực hành của nghề công nghệ ô tô.
“Chúng tôi mua những phần mềm mô phỏng các công nghệ tiên tiến của nước ngoài để sinh viên có thể thực hành ngay trên máy tính, những thao tác như lắp ráp, sửa chữa ô tô… Nếu mua một chiếc ô tô hiện đại thì chỉ trong thời gian ngắn, công nghệ của nó đã thay đổi, trường cũng không đủ kinh phí để thường xuyên mua mới. Quan trọng là với các phần mềm mô phỏng hay thiết bị thực tế ảo, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, việc thực hành của sinh viên trường nghề sẽ vẫn được bảo đảm”, tiến sĩ Lộc nói.