Thực hiện chủ đề năm “Tăng cường bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội”, thành phố tiếp tục thực hiện tốt các chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 67 của Chính phủ, chính sách về bảo hiểm y tế, hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh…cho người nghèo. Trong đó, chương trình giúp người nghèo “an cư” được thành phố triển khai có hiệu quả từ nhiều năm nay.
![]() |
Hội phụ nữ phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) giúp gia đình chị Phạm Thị Huệ vay vốn nuôi bò, thả cá, nuôi lợn, v.v… phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo. Trong ảnh: Chị Huệ chăm sóc đàn bò sữa. Ảnh: Hải Ngọc |
Cuối năm 2009 đến nay, thành phố dành gần 3 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách cải thiện nhà ở. Gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo ở khu vực nông thôn được hỗ trợ 9 triệu đồng/nhà, ở khu vực đô thị được hỗ trợ 5 triệu đồng/nhà. Ngoài ra, các hộ nghèo còn được giúp đỡ từ các nguồn vốn huy động của quỹ “Vì người nghèo” do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phát động; ngân sách của các quận, huyện, sự ủng hộ của doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đoàn thể, các hội và sự quyên góp của cộng đồng dân cư. Chính quyền, đoàn thể cấp xã huy động nguồn lực để khai thác vật liệu tại chỗ như cát, đá, sỏi, gỗ...để giảm giá thành xây dựng. Các hộ nếu có nhu cầu, được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội với mức tối đa 8 triệu đồng, lãi suất 3%/năm trong thời hạn 10 năm. Mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn vay.
Cùng với thành phố, các cấp, ngành, tổ chức xã hội, đoàn thể và nhân dân tích cực hưởng ứng chương trình giúp người nghèo “an cư”. Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố là một trong những điển hình của chương trình này. Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội phụ nữ vận động gần 1,9 tỷ đồng xây dựng 45 ngôi nhà, sửa chữa 6 nhà cho hội viên, phụ nữ nghèo, đơn thân. Bà Nguyễn Thị Chi, 73 tuổi, ở số 16, ngõ 36, phố Cao Thắng, phường Hạ Lý (quận Hồng Bàng) xúc động: “Trước đây mỗi lần triều cường hay có đợt mưa lớn là nước từ sông lại tràn vào nhà. Con cái ở xa, điều kiện khó khăn, không giúp được bố mẹ nên hai vợ chồng già đành sống trong căn nhà dột nát. Nhờ chương trình “Mái ấm tình thương” của Hội Phụ nữ, gia đình tôi được nhận căn nhà mới. Tôi không biết nói gì hơn là cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ của các cấp hội phụ nữ nói riêng, xã hội nói chung đối với người có hoàn cảnh khó khăn như gia đình tôi…”.
Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố vận động 6 cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ xây mới và sửa chữa nhà tình nghĩa cho 28 gia đình nạn nhân chất độc da cam…Nhiều tổ chức xã hội, đoàn thể khác vận động hàng chục tỷ đồng giúp người nghèo “an cư”.
Phong trào “xoá nhà tranh, nhà tạm” cho người nghèo nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội, khơi dậy tình cảm của các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng dân cư, gia đình, dòng họ cùng chung tay góp sức để giúp đỡ người nghèo. Phong trào này ngày càng phát triển sâu rộng, phát huy nguồn lực tại chỗ hàng trăm tỷ đồng, hàng vạn ngày công lao động hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện an sinh xã hội.
Theo kết quả rà soát của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, trên địa bàn thành phố còn 1555 nhà tranh, nhà tạm thuộc hộ nghèo và 286 nhà thuộc gia đình chính sách, người có công. |
Thanh Giang