Hải Phòng là 1 trong 6 tỉnh, thành phố ven biển phía Bắc thực hiện dự án rừng ngập mặn phòng ngừa thảm họa (RNM-PNTH) của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ. Sau hơn 10 năm triển khai, rừng đã lên xanh nhưng trách nhiệm bảo vệ và mở rộng RNM cần sự quan tâm của các ngành, địa phương... và trách nhiệm không chỉ của Hội Chữ thập đỏ…
Ở thời điểm triển khai dự án (năm 1997), Hội Chữ thập đỏ thành phố gặp không ít khó khăn do nhận thức của người dân còn thấp. Nguyên do trước đó một số chương trình trồng RNM thực hiện không hiệu quả, chưa tạo được niềm tin trong nhân dân. Với quyết tâm thực hiện dự án có hiệu quả, Hội Chữ thập đỏ thành phố phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết từ khâu xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức đến chuẩn bị nhân lực trồng rừng, tập huấn kỹ thuật chọn cây giống, trồng chia lô thửa giao từng hộ gắn với trách nhiệm trông coi, bảo vệ đến khi nghiệm thu và những năm sau…
Từ năm 1997 đến nay Hội Chữ thập đỏ Hải Phòng đã trồng 1500ha rừng ngập mặn. Rừng phát triển xanh tốt với 3 loại cây trang, bần và mắm, thực sự là thành luỹ che chắn bảo vệ đê biển. |
Chứng kiến cánh rừng ngập mặn ở khu vực đê biển xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy), Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hiền tự hào: “Hơn chục năm vất vả trồng, chăm sóc, bảo vệ, đến nay, 450 ha cây trang, bần đã lên xanh. Cây trang cao 3 - 4m, cây bần cao 6 - 8m, có nơi cao tới 10m, chiều rộng của rừng tính từ chân đê hàng mấy km đã triệt tiêu sóng biển của những cơn bão cấp 10 giật trên cấp 11 kết hợp với triều cường. Còn nhớ đợt “7 ngày 3 bão” năm 2005, nếu không có rừng ngập mặn không biết chuyện gì sẽ xảy ra…
Theo Chủ tịch Hội chữ thập đỏ thành phố Nguyễn Ngạc, ngân sách Nhà nước dành để nâng cấp tu bổ đê hằng năm cũng giảm thiểu đáng kể khi đê biển có RNM che chắn bảo vệ. Chi cục phòng, chống lụt bão, bảo vệ đê điều Hải Phòng đã có con số so sánh: nơi không có RNM, kinh phí tu bổ đê (đê đất) bảo đảm chịu được bão cấp 9 thuỷ triều trung bình hằng năm ở mức bình quân trên 5 triệu đồng/m dài, nếu có RNM phát triển ở mức độ nhất định, kinh phí đó giảm còn 1,2 triệu đồng/m dài đê, việc kè đá sườn đê đơn giản hơn nhiều.
Bộ rễ cây bần bám chắc và lan rộng khoảng 50m, có tác dụng chắn sóng, giữ đất tốt. |
Không chỉ bảo vệ đê biển, RNM mang lại nguồn lợi lớn cho người dân. Từng đàn chim nước về trú ngụ, sinh sôi đông đúc, chim di trú và nhiều loại hải sản có giá trị cao xuất hiện trở lại. Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hiền cho biết thêm: “Mỗi năm, rừng ngập mặn cho nguồn lợi hải sản trị giá khoảng 4-5 tỷ đồng. Vào mùa cây ngập mặn ra hoa, nhiều đoàn xe của các công ty nuôi ong mang về đây hàng ngàn tổ ong. Nhận thức rõ vai trò của rừng ngập mặn, người dân có ý thức rất cao trong việc bảo vệ rừng.
Để giữ “thành lũy xanh” mãi xanh, cần có cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách đối với RNM rõ ràng. Chủ thể quản lý RNM chỉ nên ở 1 cơ quan cho từng cấp, các đối tác liên quan có trách nhiệm giám sát thực hiện nghĩa vụ đối với cơ quan quản lý. Bãi ngập triều cần được nghiên cứu quy hoạch khoa học cụ thể phù hợp đặc điểm từng địa phương, khu vực nhưng đồng bộ và thống nhất trong tổng thể, chấm dứt sự chồng chéo giữa phát triển nuôi trồng thuỷ sản ven bờ với phát triển RNM. Hiện đã có những công trình nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản thân thiện môi trường, phù hợp sinh thái RNM, do đó chính quyền địa phương nên có chính sách khuyến khích người dân áp dụng, từ đó phát hiện mô hình tốt nhất để xác định chủ rừng. Phục hồi và phát triển RNM phải trở thành công việc thường xuyên, nhằm không ngừng mở rộng diện tích đối với thành phần sinh thái ngập nước đặc biệt này, nhất là trong điều kiện khí hậu trái đất đang thay đổi bất lợi do con người hiện nay.
Thanh Giang