Một câu hỏi đã được đặt ra nhiều năm qua trong công tác bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc, đó là làm sao để gìn giữ những kiến trúc di sản, có nên đánh đổi di sản cho sự phát triển kinh tế? Những người tâm huyết thì luôn cho rằng, đánh mất di sản là đánh mất cái hồn của đô thị.
Số liệu giật mình
Tại một hội thảo về di sản diễn ra cách đây không lâu tại TP HCM, các đại biểu tham dự đã giật mình khi được nghe thống kê về việc 18 di sản văn hóa kiến trúc lâu đời tại TP đã “bỗng dưng biến mất”.
Đó là địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son và ụ tàu, cầu Ba Cẳng duy nhất Đông Nam Á trên kênh Hàng Bàng (quận 6), tháp quan sát phòng cháy chữa cháy đầu tiên của TP ở khuôn viên Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất, công viên Chi Lăng, quán cà phê Givral, thương xá Tax, nhà đèn Chợ Quán, cầu Nhị Thiên Đường, vòng xoay Quách Thị Trang cùng tượng Trần Nguyên Hãn…
18 di tích ấy, có cái cực kì quen thuộc với người dân TP, cũng có cái ngỡ như khá xa lạ, vì đã bị lãng quên khá lâu. Có những di tích mà sự biến mất để lại bao nuối tiếc như thương xá Tax, cafe Givral, vòng xoay Quách Thị Trang, nhưng cũng có cái biến mất lúc nào chả ai hay biết. Đó là sự lụi tàn của di sản ngay trong lòng TP.
Không chỉ có những di sản được xếp hạng bị “mất tích”. TP HCM là một trong những TP còn lưu giữ nhiều biệt thự cổ thời Pháp thuộc nhất nước. Chính những kiến trúc cổ điển này đã tạo nên một vẻ đẹp riêng và đầy thơ mộng cho thành phố phương Nam sôi động này. Thế nhưng, thống kê mới nhất của TP HCM cho thấy, hiện TP có hơn 1.300 ngôi biệt thự cổ và gần 600, tức gần 1/2 trong số ấy đã không còn… “cổ” nữa.
Nghĩa là nó đã bị biến mất hoặc biến dạng. Được sửa sang hiện đại hóa hoặc đập bỏ xây mới thành nhà phố, thành công trình để khai thác kinh doanh. Trong khi đó, về mặt hồ sơ giấy tờ, vẫn ghi nguồn gốc là biệt thự “cổ”. Và như thế, nếu không tiến hành kiểm tra thực tế thì có vẻ như chúng ta còn kha khá biệt thự cổ, dù trên thực tế thì chẳng còn bao nhiêu. Số còn lại, phần thì đang xuống cấp, xập xệ theo năm tháng, phần thì cũng đang bị nhăm nhe dỡ bỏ vì nhiều mục đích lợi ích khác.
Cầu ba cẳng độc nhất Đông Nam Á đã bị “hô biến” âm thầm. |
Có một dạo người ta khóc thương Thương xá Tax, người ta tưởng nhớ đến những thủy đài được xây thời Pháp thuộc bị dỡ bỏ để dọn chỗ cho những thứ hiện đại và lợi ích hơn. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở một thoáng cảm xúc buồn, tiếc nuối, rồi kiến trúc di sản cũng nhanh chóng bị lãng quên trong nhịp sống đô thị.
Những cư dân của TP vội vã cũng như một số cán bộ có thẩm quyền, chỉ bày tỏ niềm thương tiếc cho những cái đã qua, đã mất. Nhưng với những thứ đang có trong tay, chẳng mấy ai chịu quan tâm, gìn giữ.
Hãy nhìn hiện trạng nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển hiện nay xuống cấp, điêu tàn thế nào; rồi hình dáng xập xệ của khu nhà cổ 4 mặt tọa lạc ngay vị trí đắc địa quận 1: Trần Hưng Đạo, Kí Con, Yersin, Lê Thị Hồng Gấm để thấy rằng, chuyện di sản đã và đang mất dần mất mòn là một thực tế có thể thấy bằng mắt thường, khi mà người ta vẫn thờ ơ với di sản.
Xin đừng lựa chọn lợi ích trước mắt
Mười năm qua, TP HCM chi 500 tỷ đồng cho bảo vệ di sản. Trong khi đó, TP có 172 di tích đã được xếp hạng (trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt), 56 di tích quốc gia (2 di tích khảo cổ học, 30 di tích kiến trúc nghệ thuật, 24 di tích lịch sử), 114 di tích cấp thành phố (66 di tích kiến trúc nghệ thuật, 48 di tích lịch sử) và 100 công trình, địa điểm thuộc Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh TP giai đoạn 2016 - 2020, chưa kể đến hàng loạt di sản trước năm 1975 không có trong danh mục. Số tiền bảo tồn ấy, có thể nói là quá ít ỏi so với số lượng và hiện trạng di sản cần bảo tồn.
Sự thờ ơ và lợi ích vật chất, đó chính là hai nguyên nhân lớn dẫn đến ngày tàn của nhiều di sản kiến trúc. Nhiều năm qua, người ta đã luôn đặt di sản lên bàn cân mà đầu kia là sự phát triển về mặt vật chất. Lẽ dĩ nhiên, những di sản luôn ở phía nhẹ cân hơn, luôn bị lựa chọn phải “hy sinh cho sự phát triển”.
TP giờ đây đang trong quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa, rất cần có không gian cho sự chuyển mình. Trong khi, từ vùng ngoại biên đến vùng lõi trung tâm còn tồn tại một số di sản văn hóa “án ngữ”. Tình trạng “tấc đất, tấc vàng” biến chuyện bảo tồn di sản trở nên gian nan hơn bao giờ hết.
Một biệt thự kiến trúc cổ thuộc sở hữu tư nhân tại TP HCM hiện còn gìn giữ được. |
Tất nhiên, có một lối ra khác cho di sản, mà có lẽ những người có tâm với di sản, có tầm nhìn về văn hóa đều có thể nhận ra được. Đó là bài học “bảo tồn sống” di sản đã thành công ở rất nhiều quốc gia và thậm chí thành công tại nhiều địa phương trong nước. Biến những con phố cũ kĩ người dân đang sinh sống thành phố cổ xinh đẹp, thơ mộng.
Biến những ngôi nhà xưa nghèo nàn dọc con kênh trăm tuổi thành một khu “trên bến, dưới thuyền” vừa buôn bán nhỏ vừa hút du khách. Biến những ngôi nhà xưa của những bậc nổi tiếng thành phố thành mô hình nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, nhà Công tử Bạc Liêu, vừa sống động lại đem nguồn thu… Quan trọng là có để tâm làm, có chịu đầu tư để di sản sống lại, hay là chọn cách dễ dàng và lợi ích trước mắt.
Một đô thị thực ra cũng là một sinh thể sống động, với phần xác và phần hồn. Con người, nếu không có tâm hồn, có linh hồn thì sẽ giống như một cỗ máy được điều khiển. Một TP cũng vậy, nếu chỉ có những tòa nhà chọc trời, những công trình hiện đại mà hoàn toàn xóa bỏ đi quá khứ thì sẽ trở thành một thành phố trơ cứng, vô hồn.
Những di sản cổ xưa đem lại cho thành phố chiều sâu thăm thẳm, đem lại vẻ đẹp nên thơ, sự sâu lắng níu chân người đến, kẻ đi. Người ta không thể rũ bỏ quá khứ nhân danh sự phát triển, cũng không thể đi về tương lai nếu không có sự nâng bước từ quá khứ.
Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu, nhà nghiên cứu văn hóa, Giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM:
“Tôi cho rằng, hoàn toàn không nên đánh đổi di tích cho sự phát triển kinh tế. Những di tích dù có được công nhận hay không, quy mô cấp tỉnh hay cấp quốc gia thì không phải chỉ là cái vỏ, cái xác, mà hàm chứa linh hồn, lịch sử. Nó không phải là điều quên lãng của quá khứ.
Cách để cho di sản không bị lãng quên, không bị lạc lõng trong một không gian đô thị chính là bảo tồn sống, bảo tồn động. Nghĩa là làm cho di sản tiếp tục sống cuộc đời của nó. Tiếp tục đem lại những lợi ích về vật chất, tinh thần cho cư dân sống quanh đó. Với cách bảo tồn ấy, di sản sẽ không bị gán là trì níu sự phát triển của không gian đô thị mà đồng hành cùng sự phát triển đó.
Như Hội An, 200 năm, từ đầu thế kỉ 19 đến cuối thế kỉ 20, Hội An là một khu phố cổ điêu tàn, một di sản chết. Nhưng kể từ khi Nhà nước và tỉnh Quảng Nam làm hồ sơ đưa vào xem xét di sản UNESCO, tổ chức những hội thảo cùng hoạt động xúc tiến, quảng bá, quản lý một cách hiệu quả… kết quả là Hội An đã sống lại.
Tất nhiên, không hoàn toàn nghĩa đen là một hình hài như xưa, một cảng thị trên bến, dưới thuyền, tấp nập thương nhân Hoa, Nhật, Bồ Đào Nha… mà sống lại như là một thành quả văn hóa của thời quá khứ nhưng vẫn tiếp tục nuôi sống cư dân Hội An ngày nay và đem lại một nguồn thu rất lớn cho tỉnh Quảng Nam, thăng hạng du lịch Việt trên trường quốc tế.
Những di tích lịch sử không thể được coi như những vật chất tầm thường khác, không thể được quy ra thành từng viên gạch, tảng đá vô tri, vô giác. Mỗi một di tích là một chứng nhân của lịch sử, có thể là bi thương, cũng có thể hào hùng của TP, của đất nước, của vùng đất Nam Bộ.
Chúng ta thường truyền thông những giá trị lịch sử đa phần toàn bằng lời lẽ, nhưng không có những di tích lịch sử, văn hóa kèm theo làm minh chứng sống động thì những bài học ấy rất khó hấp thu.
Người ta tiêu tốn rất nhiều ngân sách để thành lập và bảo trì nhiều bảo tàng trên địa bàn TP. Nhưng những hiện vật đưa vào bảo tàng đã bị bứng khỏi cội rễ của nó rồi. Những di tích lịch sử, văn hóa chính là bảo tàng sống động nếu được giữ nguyên thay vì đập bỏ, đem vài thứ còn sót lại đi trưng bày…”.