Quỹ bình ổn được thu qua giá bán lẻ xăng dầu, là tiền của người dân nộp vào, nhằm mục tiêu bình ổn giá. Việc chi sử dụng được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành, hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.
Như vậy, Quỹ bình ổn được lập ra với mục đích ổn định giá, kìm hãm đà tăng đột ngột, tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân. Nhưng thực tế thời gian qua, Quỹ trên đã có lúc hoạt động thiếu minh bạch, trích - xả quỹ không theo công thức nào. Thậm chí, Quỹ là cơ hội để một số doanh nghiệp (DN) chiếm dụng vốn, sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính; trong khi tác dụng không rõ ràng.
Mới đây, Chủ tịch 1 Cty đã bị bắt vì sử dụng sai quy định Quỹ trên. Đối tượng này đã chỉ đạo nhân viên không nộp số tiền trích lập Quỹ vào tài khoản tiền gửi theo quy định, sử dụng tiền Quỹ sai quy định, gây thất thoát tài sản nhà nước trên 317 tỷ đồng.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ ban hành mới đây, có 7/15 đầu mối xăng dầu đã sử dụng sai mục đích Quỹ, không kết chuyển tiền về tài khoản Quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của DN trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại với số tiền là 7.927 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân của những sai phạm trên, một chuyên gia kinh tế đánh giá, bất cập ở chỗ tiền trích Quỹ là của người tiêu dùng nhưng Quỹ này lại do DN quản lý, cơ quan chức năng quyết định việc sử dụng. Chính sự quản lý, vận hành quỹ không chặt chẽ tạo cơ hội cho một số DN chiếm dụng. Nếu những điểm này không được khắc phục, thì Quỹ có tên “bình ổn giá”, nhưng thực chất không thực hiện được chức năng bình ổn giá, không giúp người tiêu dùng giảm chi phí, có Quỹ này hay không thì cũng không có nhiều tác dụng.
Vậy dùng biện pháp nào để bảo đảm an ninh xăng dầu và bình ổn giá xăng dầu? Nhiều ý kiến cho rằng có thể can thiệp bằng công cụ thuế phí, với các thủ tục pháp lý rút gọn. Công tác dự báo cung - cầu, giá bán cũng phải chính xác hơn; và đặc biệt là tăng khả năng dự trữ xăng dầu bằng hiện vật. Nếu chúng ta có nguồn xăng dầu dự trữ chiến lược, sẽ giúp bình ổn thị trường, tránh rủi ro đứt gãy nguồn cung.
Trong trường hợp vẫn giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, cần phải có biện pháp để Quỹ hoạt động minh bạch; việc trích lập Quỹ phải theo quy tắc rõ ràng, ví dụ mức biến động ngưỡng nào mới được trích lập, sử dụng Quỹ. Cũng phải thu về một đầu mối quản lý tập trung, tránh trường hợp nhiều cơ quan tham gia quản lý, có thể dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm, quản lý lỏng lẻo, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng như kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát để bảo đảm tính minh bạch, công khai, tránh thất thoát và chiếm dụng tiền của người tiêu dùng.