Có thể nói, đồng bào Khmer có nền văn hóa nghệ thuật đa dạng, độc đáo, phát triển lâu đời. Đặc biệt, điệu múa Rom Vong thường xuất hiện trong các lễ hội cổ truyền của dân tộc hay trong các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống như: Lễ hội Óoc Om Bóc, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sen Dolta... Đây là dịp để đồng bào Khmer thể hiện tinh thần đoàn kết trong cộng đồng qua điệu múa Rom Vong. Đi kèm với điệu múa là những nhạc cụ đặc trưng của dân tộc: trống Sadam, chiêng, dàn nhạc ngũ âm… Đối với đồng bào Khmer, nghệ thuật múa Rom Vong là sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo vừa mang tính thiêng liêng, vừa là nhu cầu tinh thần sau những giờ lao động mệt nhọc.
Múa Rom Vong là một bộ môn nghệ thuật, gắn với tín ngưỡng - tôn giáo và phong tục của người Khmer. |
Múa Rom Vong được hình thành từ rất sớm và lâu đời. Đây là loại hình nghệ thuật thân quen, dễ nhớ nên đồng bào Khmer ai cũng biết múa, những điệu cơ bản như: Bước đều 03 bước tới và 01 bước lui, hai tay nâng lên để trước ngực, các ngón tay thẳng đứng và cong lên như những cánh hoa, cứ một tay đưa lên, tay kia đưa xuống nhịp nhàng theo tiếng nhạc. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, các bạn trẻ hiện nay đang có xu hướng múa theo các vũ điệu hiện đại của nước ngoài. Đây là điều đáng lo ngại nhất trong quá trình bảo tồn, các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Khmer. Để bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này gắn với phát triển du lịch tỉnh nhà. Hiện, Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành nhiều giải pháp để bảo tồn.
Ông Sơn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Sở VHTT&DL tỉnh chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp, phòng VHTT các huyện, TX, TP tổ chức nhiều lớp truyền dạy múa Khmer (trong đó có múa Rom Vong) cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (không thu học phí). Đặc biệt, năm 2019, sau khi được chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh và Bộ VHTT&DL, Sở VHTT&DL tỉnh Sóc tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học Nghệ thuật, trình diễn dân gian múa Rom Vong của người Khmer tỉnh Sóc Trăng vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Kết quả được Bộ VHTT&DL công nhận tại Quyết định số 4601/QĐ-BVHTTDL vào ngày 20/12/2019. Song song đó, Sở VHTT&DL tỉnh tiếp tục tham mưu xây dựng, Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Nghệ thuật trình diễn dân gian múa Rom Vong của người Khmer, tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022 – 2027 và đã được UBND tỉnh phê duyệt, chia thành 02 giai đoạn: 2022 – 2025 và 2025 – 2027, với tổng số kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đổng .
Theo ông Liêm, để bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này, hiện kinh phí chủ yếu từ nguồn vốn chương trình Mục tiêu quốc gia, phát triển Kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS (dự án 6). Đến nay, Sở đã thực hiện 01 phóng sự bảo tồn 06 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh (trong đó có Nghệ thuật múa Rom Vong). Bên cạnh đó, năm 2023, Sở cũng tổ chức 02 lớp truyền dạy múa Rom Vong cho các em học sinh và người dân có nhu cầu học múa Rom Vong tại bảo tàng tỉnh và xã tài Văn huyện Trần Đề, số lượng gần 80 học viên.
Tăng cường quảng bá, giới thiệu giá trị “Nghệ thuật Múa Rom Vong” trên các phương tiện thông tin đại chúng để phát triển loại hình này rộng rãi hơn. |
Ngoài ra, để tăng cường quảng bá, giới thiệu giá trị di sản văn hóa nghệ thuật múa Rom Vong góp phần phát triển du lịch trong thời gian tới, ngành tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, Sở sẽ đăng thông tin về điệu múa Rom Vong trên trang website của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, website về du lịch của tỉnh Sóc Trăng; trên Đài Truyền hình Trung ương và địa phương, các trang mạng xã hội để nhân dân, du khách trong nước và quốc tế biết đến.
Mới đây, tại Liên hoan Búp Sen Hồng lần thứ 24 - năm 2023, Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Ban Tổ chức Liên hoan tổ chức chương trình dạy múa nhanh điệu Rom Vong để giao lưu và vui múa cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành viên Ban tổ chức cùng gần 2.000 đại biểu. Đây là những cán bộ phụ trách, thiếu nhi đến từ 41 Cung thiếu nhi, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi khu vực phía Nam, nhà thiếu nhi tỉnh Sơn La cùng các phụ huynh. Qua buổi liên hoan, các cháu thiếu nhi hào hứng, để lại nhiều ấn tượng đẹp với điệu múa Rom Vong - ông Liêm chia sẻ.