Niềm vui Tết quê
Mặc dù ông bà nội, ngoại không còn, nhưng Tết năm nào anh Nguyễn Văn Hoàng và chị Lê Thảo Nhi ở TP Hồ Chí Minh vẫn đưa các con về quê Cai Lậy, Tiền Giang ăn Tết với họ hàng. Anh Hoàng chia sẻ, vợ chồng anh đưa con về từ trước Tết để con cảm nhận không khí Tết quê, điều anh chị đều rất yêu thích thuở ấu thơ. Con được đi chợ hoa, đi mua đồ Tết chợ quê bến sông cùng các anh chị họ, các cô dì. Các con cũng thích thú, trầm trồ trước những chiếc ghe chở hoa chạy dọc sông. Rồi những ngày Tất niên đông đủ họ hàng, những nghi lễ giao thừa, cúng Tết ở nhà thờ Tổ... Cứ mỗi một hoạt động đón Tết, một nghi lễ đều được vợ chồng anh giải thích cho con kĩ lưỡng. Mỗi một người họ hàng đều được anh chị giới thiệu để con ghi nhớ.
Còn với gia đình anh Phan Trung Anh, sống tại TP Hồ Chí Minh, quê miền Bắc, thì dù hơi xa xôi và tốn kém, năm nào anh chị cũng cố gắng đưa các con về quê ăn Tết với ông bà nội, ngoại. Quê chị ở Hưng Yên, quê anh ở Thái Bình, mỗi năm gần như chỉ có dịp Tết cả nhà mới đưa nhau về đông đủ, được thăm cha mẹ, được đoàn tụ với người thân. Thông thường, cả nhà cứ ăn Tết bên nội vài ngày, rồi sang bên ngoại vài ngày hoặc ngược lại.
Về quê vùng nông thôn Bắc Bộ, cái Tết còn đậm nét truyền thống. Ngày Tết, các cháu rất háo hức khi cả nhà bắc nồi nấu bánh chưng ở sân nhà thờ Tổ, cả mấy gia đình co ro trong cái lạnh se, cùng nhau trải chiếu ra sân trông bánh xuyên đêm. Người lớn thì nhâm nhi chén trà, ly rượu, các thiếu niên ngồi trò chuyện bên đống lửa, lũ trẻ thì chơi đùa, rượt đuổi nhau. Những ngày Tết theo ông bà đi chúc Tết, học những bài chúc thật hay để chúc Tết họ hàng, làng xóm, nhận về những phong bao mừng tuổi nhỏ xinh trong niềm háo hức. Rồi đi lễ chùa, đền... Sau Tết lại là những cuộc chia tay đầy lưu luyến, những món quà quê mang về thành phố, những lời dặn dò đầy thương yêu khi ông bà tiễn chân con cháu.
Giữ gìn hồn cốt Việt
Ở TP Hồ Chí Minh, nhiều gia đình có nhiều cách để con được hưởng không khí đậm chất Tết cổ truyền. Chị Huỳnh Thị Ngọc Lan, ngụ quận 10, TP Hồ Chí Minh, ngày Tết đã đưa cả nhà ra khu vực chợ Bến Thành, hòa vào dòng người nô nức nơi đây để chụp những bộ ảnh xuân xưa. Vợ chồng chị và hai con gái đều xúng xính những bộ áo dài theo phong cách cổ điển, thuê một bạn trẻ chụp ảnh để cả nhà có bộ ảnh “Tết truyền thống” thật đẹp.
Một số gia đình thì tìm những khu tổ chức dịch vụ “đón Tết” ở TP Hồ Chí Minh, chủ yếu tại các khu vực quận ngoại thành để cho con trải nghiệm Tết truyền thống như Bảo tàng áo dài TP Hồ Chí Minh, khu du lịch Văn Thánh, khu du lịch Bình Quới và nhiều khu cà phê sân vườn mới mở. Ở những nơi này, ngoài việc trang trí theo chất Tết cổ truyền với cây nêu, câu đối đỏ, bánh chưng, tràng pháp giả..., còn có một số hoạt động như tổ chức gói bánh chưng, bánh tét để các gia đình có thể cùng nhau tham gia gói và mang bánh về nhà.
Còn gia đình anh Phan Trung Tín (ngụ Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh), cái Tết đậm chất cổ truyền không ở đâu xa mà ở trong chính ngôi nhà của anh chị. Trước Tết, cả nhà cùng nhau mua sắm nào mai, nào lồng đèn, nào câu đối, khánh treo... để trang trí khắp nhà, khiến ngôi nhà rực rỡ hơn. Cả nhà cũng cùng nhau mua sắm, làm một số món bánh mứt đơn giản. “Gia đình tôi có truyền thống Tết năm nào cũng cùng nhau trang hoàng nhà cửa. Đêm 30 luôn cùng nhau chờ đến giao thừa, thắp nhang, chúc nhau, rồi cùng nhau đi chùa hái lộc đầu xuân. Sau đó các mùng đi chúc Tết bạn bè, họ hàng. Trong tháng giêng thì cả nhà đi vãn cảnh xuân. Nên dù ở giữa thành phố hiện đại thì các con tôi vẫn được hưởng không khí Tết rất truyền thống”, anh Tín cho biết.
Có thể thấy, không chỉ trong dịp Tết mà mỗi ngày, nhiều bậc cha mẹ đang nỗ lực tạo ra mối dây gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, trong dòng họ, giúp con biết và yêu cội rễ của mình.