Trên đây là một trong những tình huống diễn ra tại chương trình “Đối thoại sinh viên về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ và trẻ em” do T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với T.Ư Đoàn và Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức tại ĐH Luật Hà Nội và là sự kiện trong chuỗi hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam theo chủ đề năm 2019 “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”.
Áp dụng công lý xử lý hành vi quấy rối tình dục
Quan điểm trọng tâm này đã được các sinh viên Văn Hùng, Huy Phúc, Tuấn Anh – là các sinh viên đến từ các trường ĐH Luật Hà Nội, Học viện Ngoại giao... đưa ra trong phần tranh biện về một trong những vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay là an toàn cho phụ nữ nơi công cộng với chủ đề “Có nên hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục?”.
Có thể nói quấy rối tình dục hiện nay đang diễn ra ngày một nhiều và dư luận xã hội xung quanh vấn đề này cũng còn nhiều luồng quan điểm khác nhau.
Đơn cử như vụ cô gái trẻ bị đối tượng tấn công nhằm quấy rối tình dục trong thang máy của tòa nhà Golden Palm ở Hà Nội, khi đối tượng đã ra trình diện công an và đề nghị gặp riêng để xin lỗi hòa giải thì cô gái trẻ này và gia đình đã yêu cầu đối tượng phải xin lỗi công khai với sự chứng kiến của truyền thông, nếu không cô và gia đình sẽ xem xét để viết đơn đề nghị khởi tố vụ án hình sự với hành vi này, vì đã gây thương tích trên cơ thể và tổn hại tinh thần nghiêm trọng cho cô.
Cô gái trẻ cho biết cô làm vậy không phải để nổi tiếng mà để cảnh tỉnh cho những người có các suy nghĩ và hành vi biến thái, nhằm đảm bảo an toàn cho phụ nữ tại nơi công cộng. Trước suy nghĩ và hành động này của cô gái nhiều quan điểm cho rằng cô đã làm hơi quá, vì nói cho cùng vì cô là phụ nữ, xinh đẹp nên đàn ông trêu chọc cũng là lẽ thường tình (!), vì người ta vốn có câu “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”.
Bên cạnh đó ở góc độ pháp luật, hành vi quấy rối tình dục nếu không gây hậu quả nghiêm trọng trên cơ thể để có thể xét ở tính định lượng, thì đây là hành vi định tính rất khó xác định và có chứng cứ...
Phản biện lại quan điểm này, sinh viên Văn Hùng đưa ra những lý lẽ như quyền con người cần được tôn trọng tuyệt đối nên không thể có chuyện một người là đối tượng trêu chọc của người khác; kỹ thuật lập pháp ngày càng tiến bộ nên việc xây dựng điều luật để hình sự hóa hành vi này là không khó...
“Đừng hiểu rằng áp dụng công lý trừng phạt là chỉ trừng phạt không thôi mà nó còn có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh cho những người có ý định có hành vi tương tự trong tương lai. Để họ thấy rằng quấy rối tình dục là hành động không thể chấp nhận được và phải bị pháp luật nghiêm trị.
Suy nghĩ phụ nữ là phải để người khác trêu là suy nghĩ xuất phát từ quan niệm bất bình đẳng giới. Lịch sử Việt Nam trước đây và cuộc sống hiện nay đã và đang chứng minh vai trò của người phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Văn Hùng nói.
Tại sao phụ nữ nhường chỗ, còn đàn ông thì không?
Tuổi đời còn trẻ nhưng Bùi Linh Chi - nữ sinh viên Học viện Thanh thiếu niên lại đặt một câu hỏi rất “già dặn” cho bà Eliza Fernandez Saenz – Trưởng Văn phòng UN Women về vấn đề độ tuổi nghỉ hưu của phụ nữ vẫn còn chênh lệch ở Việt Nam, phải chăng đó là một khía cạnh thể hiện sự bất bình đẳng giới?
Trả lời câu hỏi này, bà Eliza Fernandez Saenz cho biết việc chênh lệch tuổi nghỉ hưu của nam và nữ hiện nay ở Việt Nam đã khiến phụ nữ ít có cơ hội cống hiến, thăng tiến và mức lương cũng bị hạn chế theo. “Nhiều người nghĩ rằng được nghỉ hưu sớm người phụ nữ sẽ rất vui vì họ quay lại với vai trò truyền thống là mẹ, là vợ chăm sóc gia đình của mình, nhưng trên thực tế đây là công việc và trách nhiệm của cả hai giới nam và nữ, chồng và vợ, ông và bà.
Mặt khác, có quan điểm cho rằng phụ nữ cần nghỉ hưu sớm để nhường chỗ làm cho thế hệ trẻ đang cần việc làm, cơ hội để thể hiện. Tại sao phụ nữ lại nhường chỗ mà đàn ông thì không?”, bà Eliza Fernandez Saenz đặt câu hỏi.
Cũng theo bà Eliza Fernandez Saenz, hiện nay Bộ luật Lao động Việt Nam đang sửa đổi theo hướng phụ nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 và đàn ông 62, dù rằng khoảng cách chênh lệch tuổi vẫn còn, nhưng dù sao đây vẫn là bước tiến bộ về mặt nhận thức bình đẳng giới để có được sự cân bằng giới trong thị trường lao động.
Câu hỏi của nữ sinh viên Bùi Linh Chi và câu trả lời của bà Eliza Fernandez Saenz gợi nhớ đến một kết quả khảo sát đã từng được tiến hành và được bà Nguyễn Thị Thu Hà – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề cập đến trong các bài phát biểu của mình.
Đó là khi được hỏi về phẩm chất cần thiết của đàn ông, phụ nữ và lãnh đạo thì kết quả khảo sát cho thấy các đức tính cần thiết của đàn ông luôn trùng khít với các đức tính cần thiết của người lãnh đạo, còn phụ nữ thì ngược lại, điều này cho thấy rào cản chính để có bình đẳng giới thực sự trong các lĩnh vực chính là tư duy định kiến giới vẫn còn đè nặng ở Việt Nam.
Có mặt tại buổi đối thoại và chia sẻ về quyết định chọn học môn Sinh học và đạt thành tích Huy chương Vàng Olimpic Sinh học quốc tế, đạt kỷ lục thí sinh có điểm cao nhất thế giới, Nguyễn Phương Thảo - cô gái hiện đang là sinh viên năm nhất của ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ:
“Bên cạnh sự động viên của gia đình, em cũng tâm niệm một câu rằng: Nếu bạn là người tin vào số phận trên đường chỉ tay thì hãy nhớ đường chỉ tay đó nằm trong lòng bàn tay bạn và bạn có thể tự quyết định cuộc đời mình”.
Với thành tích của mình, Nguyễn Phương Thảo được đề cử cho giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018. Ông Lê Quốc Phong – Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS HCM cho biết danh sách đề cử cho giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018 có 20 cá nhân và trong đó có 6 nữ, cũng là năm mà tỷ lệ nữ chiếm nhiều nhất từ trước đến nay.