Theo Tờ trình, căn cứ Điều 74 Hiến pháp năm 2013, Điều 8 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, căn cứ Điều 31 nội quy kỳ họp Quốc hội, căn cứ Điểm 4, Nghị quyết số 34 ngày 6/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII, Ủy ban thường vụ Quốc hội trận trọng giới thiệu Tổng Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng - Đại biểu Quốc hội khóa XIV đã được Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản thống nhất rất cao - để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Theo chương trình, vào đầu phiên làm việc sáng mai (23/10), QH sẽ thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước.
Tiếp sau đó, cũng trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về nội dung này.
Sau đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử; thành lập Ban kiểm phiếu và bầu Chủ tịch nước bằng bỏ phiếu kín.
Kết quả bầu Chủ tịch nước sẽ được công bố trong chiều mai. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước.
Chiều cùng ngày, Trưởng Ban kiểm phiếu sẽ công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước.
Sau khi Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Sau đó, Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, theo chương trình đã được Quốc hội thông qua, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét bầu Chủ tịch nước, phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành quy trình, thủ tục lựa chọn giới nhân sự để trình Quốc hội xem xét, bầu, phê chuẩn theo đúng quy định về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước.
Với yêu cầu đặt ra là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đồng thời phát huy trách nhiệm, dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, đề nghị các vị Đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ tờ trình và các tài liệu kèm theo về nhân sự để Quốc hội tiến hành thảo luận, quyết định bầu, phê chuẩn nhân sự đạt kết quả tốt.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – nhấn mạnh, tại phiên họp của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất rất cao (100%) giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để QH bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước.
Theo Đại biểu Hòa, vị trí, vai trò của Chủ tịch nước là rất quan trọng, là một nguyên thủ quốc gia nên cần có sự tiêu biểu của người đứng đầu để có thể thực hiện được công tác lãnh đạo công tác đối ngoại của đất nước trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt trong quan hệ quốc tế hiện nay; lãnh đạo công tác đối nội thực hiện theo Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.
“Bản thân tôi rất tín nhiệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức danh Chủ tịch nước và tôi sẽ bỏ phiếu tán thành việc này”, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai – bày tỏ phấn khởi về việc giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang có chủ trương tinh gọn bộ máy lại như hiện nay.
Còn Đại biểu Quốc hội Phương Thị Thanh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn – cho hay, qua tiếp xúc cử tri ở các địa bàn, cử tri rất mong mỏi, kỳ vọng và tin tưởng Tổng Bí thư khi được bầu giữ chức Chủ tịch nước sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, cử tri và nhân dân giao phó.