“Giỏi chuyên môn, vững quản trị” để phục vụ nhân dân

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng ngành y tế nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng ngành y tế nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước nhu cầu của sự đổi mới, đặc biệt là xu hướng tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp y tế, cần phải nâng cao năng lực quản trị để một người lãnh đạo bệnh viện có thể làm tròn “hai vai” - vừa giỏi chuyên môn, vừa vững về quản trị. Với điều kiện Việt Nam hiện nay, làm thế nào để giải quyết vấn đề trên?

Lãnh đạo “vừa giỏi chuyên môn, vừa vững về quản trị” sẽ có sức đột phá mạnh mẽ và bền vững

Trước những sự việc đáng tiếc xảy ra trong ngành Y tế thời gian vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng người đứng đầu một bệnh viện (BV) không cần phải là người có chuyên môn mà chỉ cần người có kinh nghiệm về quản lý. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng ngành Y tế là ngành rất đặc thù vì không chỉ đơn thuần là vấn đề lỗ hay lãi, là doanh số, mà cần đảm bảo tính an sinh xã hội, đảm bảo sinh mạng của cộng đồng nên người đứng đầu BV cần phải vừa giỏi về quản lý, lại vừa am hiểu về chuyên môn. Một người lãnh đạo vừa giỏi chuyên môn, vừa vững về quản trị sẽ có sức đột phá mạnh mẽ và bền vững cho BV, nhất là những BV đầu ngành.

Đồng tình với quan điểm thứ hai, TS.BS Nguyễn Tiến Quang - Chủ tịch Hội đồng quản lý (HĐQL) Bệnh viện K cho rằng, việc giỏi chuyên môn, vững quản trị cũng giúp người lãnh đạo có những nhạy bén, đưa ra khả năng đáp ứng thích hợp với nhu cầu khám chữa bệnh trong xu hướng thay đổi đa chiều hiện nay về quy mô và cơ cấu dân số, mô hình bệnh tật, biến đổi về kinh tế - xã hội… Với xu hướng tất yếu của tự chủ BV, ngoài chuyên môn đã được rèn giũa và cập nhật định kỳ, người lãnh đạo BV phải trang bị thêm cho mình những kiến thức, kỹ năng về mặt quản lý, đồng thời đào tạo, xây dựng đội ngũ tham mưu có chuyên môn sâu về các mặt công tác, huy động được một tập thể đoàn kết vì sự phát triển chung của BV.

TS.BS Nguyễn Tiến Quang cũng cho hay, vừa giỏi về chuyên môn, vừa vững về quản trị đã được quy định cụ thể trong quy trình bổ nhiệm của Bộ Y tế khi nêu rõ từ lãnh đạo cấp khoa, phòng thuộc BV cũng cần những tiêu chuẩn nhất định về mặt quản lý để đủ điều kiện bổ nhiệm. Người có kỹ năng quản trị sẽ nắm chắc và vận dụng tốt các đường lối, chính sách chung của Đảng và Nhà nước về quản lý theo hướng ngày càng rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ; Các quy chế, quy chuẩn, quy định của Bộ Y tế ngày càng cập nhật với thực tế, tiến bộ, hội nhập quốc tế trong quản lý y tế nói chung và quản trị BV nói riêng. Có kỹ năng quản lý thì mới chỉ đạo, tổ chức và điều hành các hoạt động của BV, nhất là liên quan đến việc xây dựng và tổ chức thực hiện chỉ tiêu chuyên môn, quản lý nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc và sinh phẩm…

TS.BS Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương nêu quan điểm, một lãnh đạo BV phải giỏi về chuyên môn là một vấn đề của lịch sử. Và khả năng thay đổi câu chuyện lịch sử này rất khó. Trong ngành Y những người có kiến thức về mặt chuyên môn thường được mọi người tôn trọng. Khi những người có trình độ chuyên môn giỏi, họ có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với các cán bộ, công nhân viên (CBCNV) trong đơn vị mình. Chính vì thế, chúng ta vẫn thường có xu hướng lựa chọn những người có trình độ chuyên môn cao để làm công tác quản lý. Khi có chuyên môn giỏi, người lãnh đạo này cũng sẽ quy tụ, kết nối và tăng cường tính đoàn kết trong đơn vị mình quản lý. Một trong những yếu tố giúp người quản lý hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình là phải có tầm ảnh hưởng đối với CBCNV và kêu gọi, đoàn kết được mọi người cùng làm việc…

Thế nhưng với cơ chế tự chủ, theo xu hướng kinh tế thị trường như hiện nay, yếu tố chuyên môn giỏi vẫn chưa đủ. Việc đoàn kết mọi người để cùng theo một chí hướng, cùng nhất trí giải quyết một công việc có mặt không ổn bởi nếu anh chỉ giỏi về mặt chuyên môn mà không có kỹ năng quản trị, không được đào tạo, không nắm chắc các nguyên tắc quản lý, quản trị kinh tế, định hướng cũng như hướng giải quyết và những biện pháp mình đưa ra để giải quyết về mặt quản lý kinh tế nhiều lúc sẽ bị sai. Khi bị sai, không chỉ một mình mình sai mà cả đơn vị cũng sẽ sai theo dẫn đến những hệ lụy không mong muốn xảy ra.

Ngành Y tế là ngành rất đặc thù vì không chỉ vấn đề lỗ hay lãi, mà cần đảm bảo tính an sinh xã hội (Ảnh minh họa).

Ngành Y tế là ngành rất đặc thù vì không chỉ vấn đề lỗ hay lãi, mà cần đảm bảo tính an sinh xã hội (Ảnh minh họa).

Để giải quyết câu chuyện trên, TS.BS Bạch Quốc Khánh cho rằng, phải có một Hội đồng giám đốc. Trong đó, có một giám đốc phụ trách về quản lý kinh tế, một giám đốc phụ trách về nhân sự và một giám đốc phụ trách về chuyên môn. Có thể cả ba người đều phải chịu trách nhiệm, trên đó sẽ có một Tổng giám đốc phụ trách chung. Ở các nước phương Tây thường họ có một Ban giám đốc BV. Trong Ban giám đốc BV có giám đốc phụ trách về mặt nhân sự và tài chính. Còn về chuyên môn giao cho một Hội đồng chuyên môn của BV quyết định mọi thứ và họ không can thiệp vào. Còn ở Việt Nam điều này vẫn chưa rõ ràng, chúng ta vẫn muốn có một người giỏi về chuyên môn làm quản lý và tốt nhất là khi chúng ta tuyển chọn người trong đơn vị.

Làm sao để dung hòa giữa an sinh xã hội và kinh tế

Cho rằng người đứng đầu các BV nhất thiết phải nâng cao năng lực quản trị là hết sức đúng đắn, TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi Trung ương nêu lý do, nếu không quản trị được thì sẽ có rất nhiều rủi ro, đặc biệt là khi các quy định về quản lý còn có nhiều bất cập.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cũng cho rằng: Ngành Y là đặc thù, quản lý BV cũng rất đặc thù và quản lý BV ở Việt Nam cũng rất đặc thù bởi vì tôn sư trọng đạo của người Việt thể hiện rõ nét trong ngành Y, trong đó có y đạo, y nghiệp, y đức. Văn hoá người cán bộ y tế bao trùm lên tổng thể đời sống kinh tế - xã hội của những người thực hành y khoa. Người đứng đầu BV có nhiệm vụ hoạch định chiến lược phát triển, tập hợp sức mạnh, truyền cảm hứng cho nhiều người để BV phát triển đáp ứng nhu cầu của xã hội. Chính vì thế, chỉ giỏi về quản trị theo nghĩa hẹp mà không biết về chuyên môn như một số ý kiến đưa ra thì tôi cho rằng rất khó thực hiện được nhiệm vụ một cách xuất sắc ở Việt Nam. Nhưng nếu sử dụng một người giỏi về chuyên môn, không có kiến thức hay kỹ năng quản lý mà đưa vào vị trí quản lý thì vừa mất đi một nhà chuyên môn giỏi và được một nhà quản lý tồi”.

Đồng tình với quan điểm, người đứng đầu BV vừa giỏi về quản lý, lại vừa am hiểu về chuyên môn là vô cùng cần thiết, TS Dương Đức Hùng – Quyền Chủ tịch HĐQL; Phó Giám đốc phụ trách hệ ngoại BV Bạch Mai chia sẻ, tự chủ về mặt kinh tế trong các cơ sở y tế công lập là một xu thế tất yếu của xã hội và cũng là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, khi làm tự chủ thì áp lực về mặt doanh thu, vì lợi ích kinh tế sẽ đè nặng lên trên hệ thống quản lý, làm sao để vừa đảm bảo được tính an sinh xã hội vừa hoàn thành được nhiệm vụ tự chủ là vấn đề rất quan trọng. Đây là một bài toán khó đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách cũng như những người làm quản lý trực tiếp ở các BV. Theo đó, họ luôn biết rằng y tế là một ngành có tính chất đặc thù, mang tính xã hội, tính nhân đạo rất cao. Nếu như đặt nặng vấn đề về lỗ lãi về kinh tế thì sẽ bị giảm tính an sinh xã hội. Điều đó không đúng với chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước như vậy sẽ không dung hòa giữa an sinh xã hội và kinh tế. Đây cũng chính là lời giải cho bài toán tự chủ.

Theo TS Dương Đức Hùng, khi tự chủ BV, đội ngũ cán bộ cần phải hội tụ ba phẩm chất cơ bản: Thứ nhất, phải am hiểu về quản lý; Thứ hai, tư tưởng, nhận thức phải vững vàng và thứ ba là chuyên môn phải tốt. Ngoài ra, phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật.

Từ kinh nghiệm của một người đã làm công tác quản lý tại BV, PGS.TS Trần Thị Thanh Hóa, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương chia sẻ, trong nền kinh tế thị trường như hiện nay, lãnh đạo BV phải có cả kỹ năng quản trị và quản lý. Muốn vậy, họ phải trải qua các lớp đào tạo quản lý BV và phải nắm vững các kiến thức cơ bản về quản lý điều hành. Bên cạnh đó, phải biết sử dụng những người có chuyên môn giỏi để đáp ứng các công việc thuộc lĩnh vực đặc thù của BV. Khi lãnh đạo BV biết tận dụng nhân tài, phân công công việc đúng vị trí, người được phân công cũng làm tốt vai trò của mình thì rất tốt cho cơ sở y tế.

Một lãnh đạo BV có chuyên môn tốt, quản trị, quản lý BV giỏi, BV đó chắc chắn sẽ phát triển. Nhưng thực tế không phải người đứng đầu cơ sở y tế nào cũng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này. Tôi tán thành việc thành lập HĐQL, với đầy đủ các thành phần, chuyên gia. Khi cần thiết phải bàn bạc, thảo luận về một vấn đề nào có, tất cả đều xây dựng ý kiến, cùng thống nhất quan điểm và triển khai thực hiện. Có như vậy, người bệnh mới được sử dụng các dịch vụ một cách hiệu quả, công bằng…

TS.BS Nguyễn Tiến Quang - Chủ tịch HĐQL Bệnh viện K: Tôi học hỏi được rất nhiều từ đội ngũ phòng chức năng tham mưu

“Bệnh học luôn luôn thay đổi thúc đẩy những nhân viên y tế như chúng tôi phải cập nhật mình để không bị tụt hậu. Và khi là người lãnh đạo, chúng tôi phải cập nhật thêm những kỹ năng về quản trị từ nhân lực đến tài chính, cơ sở vật chất và trang thiết bị, vật tư y tế. Cá nhân tôi học khi lên làm quản lý cũng học hỏi được rất nhiều từ đội ngũ phòng chức năng tham mưu.

Một người không thể giỏi được tất cả mọi mặt cũng giống như trong chuyên môn y, khi gặp một ca bệnh khó, những cuộc hội chẩn sẽ được tổ chức với sự góp mặt của các chuyên gia của từng lĩnh vực. Vận dụng điều đó, khi gặp vướng mắc trong quản lý, ngoài đề xuất của bộ phận tham mưu, chúng tôi sẽ xin thêm ý kiến của các cơ quan quản lý cấp trên, các Vụ, Cục chuyên môn của các bộ, ngành cũng như những chuyên gia độc lập liên quan đến vấn đề đó để làm sao mọi việc được thực hiện một cách chỉn chu, chính xác và tuân thủ các quy định.

BV K là BV thứ hai trên cả nước (sau BV Bạch Mai) được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thí điểm cơ chế tự chủ toàn diện theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ. Với vai trò là Chủ tịch HĐQL, tôi đã cùng với Ban Giám đốc và các thành viên trong Hội đồng (trong đó có 1 đại diện của Bộ Y tế - cơ quan quản lý cấp trên) chú trọng việc kiện toàn các quy chế, quy trình hành chính (như đấu thầu, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản...) theo định hướng tự chủ, tăng cường sự vai trò của Ban Kiểm soát, các đơn vị tham mưu trong việc theo dõi, giám sát, kiểm soát chéo, đồng thời cũng xây dựng định hướng phát triển và quy mô hoạt động của BV phù hợp với từng giai đoạn, đặc biệt khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo tôi, công tác cán bộ là điều kiện tiên quyết trong mọi vấn đề, nhất là trong giai đoạn tự chủ. Việc lựa chọn cán bộ có đủ đức, đủ tài vô cùng quan trọng. Tự chủ tức là được trao quyền, đồng nghĩa với việc được trao trách nhiệm. BV được giao tự chủ, tức là HĐQL, Ban Giám đốc sẽ được giao nhiều quyền hạn và cũng nhiều trách nhiệm hơn. Để tự chủ một cách toàn diện, việc Ban lãnh đạo BV cũng trao thêm quyền hạn cho Trưởng các khoa, phòng, các đơn vị thuộc BV, đề nghị Trưởng các đơn vị dành nhiều thời gian hơn cho công tác quản lý là điều tất yếu.

Việc trao quyền sẽ nâng cao tính chủ động khi thực hiện nhiệm vụ, khơi dậy tính sáng tạo của cán bộ, khuyến khích việc đề xuất các phương án giải quyết vấn đề của cán bộ chứ không đơn thuần chỉ báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo cấp trên và điều này cũng đòi hỏi khả năng về mặt chuyên môn, quản lý cũng như kinh nghiệm thực tế của những cán bộ được trao quyền. Do vậy, việc liên tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận không chỉ về chuyên môn mà cả những kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý là vô cùng cần thiết.

Bên cạnh đó, việc huy động tính đoàn kết của tập thể cũng không thể không nhắc đến”.

TS.BS Dương Đức Hùng – Quyền Chủ tịch HĐQL; Phó Giám đốc phụ trách hệ ngoại BV Bạch Mai: Chuyên môn giỏi, quản lý tốt nhưng phải tuân thủ luật

“Vừa qua, một số lãnh đạo BV đã vướng vào vòng lao lý. Điều đó cho thấy một số vấn đề tồn tại: Một là, ngoài các trường hợp cố tình làm sai thì có yếu tố trục lợi. Sai ở đây là do nhận thức chưa đúng dẫn đến cái sai. Do vậy, đã là người làm quản lý thì phải tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật; Luôn luôn trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về mặt quản lý.

Một lãnh đạo có chuyên môn giỏi, trình độ quản lý tốt nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật và phải luôn luôn bồi dưỡng, trau dồi các kiến thức, kinh nghiệm về quản lý và chuyên môn. Những gì đã là quy định pháp lý thì phải tuân thủ, còn những quy định chưa phù hợp thì phải có ý kiến, báo cáo, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho hợp lý. Chứ cứ liều lĩnh “xé rào”, “vượt rào” vừa ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, vừa thiệt hại tài sản của Nhà nước...

Hiện chúng ta đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn của ngành Y tế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta cùng hy vọng dịch bệnh sẽ nhanh chóng qua đi, cuộc sống ổn định trở lại. Qua đợt dịch lần này, chúng ta càng thấy rõ vai trò của Bộ Y tế cũng như trách nhiệm của những người làm trong ngành Y tế. Chúng tôi rất tự hào khi góp phần mang đến niềm vui, hạnh phúc cho mọi nhà”.

TS.BS Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương: Tốt nhất phải có hai người cùng quản lý

“Trên thực tế, một người có chuyên môn tốt mà không tỉnh táo, không nắm được phương pháp quản lý sẽ dễ bị xảy ra những sai sót không đáng có như chúng ta đã thấy trong thời gian vừa qua ở một số cơ sở y tế. Cho nên, theo tôi, tốt nhất phải có hai người cùng quản lý. Hai người ấy có quyền lực ngang nhau, phải nói chuyện được với nhau nhưng điều này cũng không đơn giản vì có thể sẽ xảy ra tình huống hai anh này không đoàn kết, không hiểu nhau, không nói chuyện được với nhau và xảy ra xung đột. Trường hợp đưa một người khác, ở nơi khác về quản lý thường cũng rất khó khăn vì bản thân anh nếu không làm trong ngành Y, lại ở một đơn vị ngoài ngành Y nên rất khó hòa nhập bởi bởi cơ chế hoạt động của BV không giống với các công ty, tập đoàn khác.

Xét về mọi mặt, một Viện trưởng mà nắm rõ mô hình, hoạt động của BV sẽ có lợi thế hơn so với một người từ nơi khác đến. Đó là về mặt quản lý, còn về chuyên môn, cũng có thể có những người còn vững hơn mình, nhưng về tầm ảnh hưởng mình chắc chắn hơn họ. Một người muốn có tầm ảnh hưởng, phải đặt lợi ích của tập thể lên trên. Khi anh đã có một tầm ảnh hưởng và đặt quyền lợi tập thể lên trên hết, khi đó anh sẽ xác định phải lo cho đời sống của CBCNV vì chỉ khi nào họ đã ổn định về đời sống thì họ mới cống hết hết mình cho BV”.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương: Chuyên môn ngành Y giỏi phấn đấu vẫn có thể trở thành nhà quản lý giỏi

“Nếu yêu cầu một người vừa giỏi chuyên môn, vừa vững về quản trị để làm người đứng đầu thì thật là lý tưởng, sẽ có sức đột phá mạnh mẽ và bền vững cho BV. Tuy nhiên, sẽ không có ngay những người như vậy nếu hệ thống đào tạo của chúng ta còn chưa có những chương trình phù hợp, những quy định, quy trình, quy phạm đầy đủ và phù hợp thực tiễn. Mỗi nhà chuyên môn ngành Y giỏi phấn đấu vẫn có thể trở thành nhà quản lý giỏi để những hoài bão phục nhân dân được thực hiện. Chính sách “dụng nhân như dụng mộc” để phát hiện, đào tạo, gọt giũa cho đội ngũ có khả năng trở thành người đứng đầu các BV cần được chăm chút đầy đủ. Tránh những quan điểm quá cực đoan dẫn đến những quyết định sai lầm, có khi ảnh hưởng đến nhiều thế hệ…

BV Phổi Trung ương là BV chuyên khoa đầu ngành lao và bệnh phổi có bề dày 65 năm lịch sử. Hiện nay, BV có đến trên 2.000 quy trình, quy tắc cho mọi lĩnh vực, đều có thể tra cứu được ở các cấp. Điều đó vừa động viên, khuyến khích được mọi người tham gia vừa dễ dàng theo dõi đánh giá vì có tiêu chí rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Chúng tôi đã cùng nhau xây dựng được nhận diện BV với 1 tầm nhìn 2 sứ mệnh 3 giá trị cốt lõi và 6 giải pháp chiến lược để phát triển bền vững.

Trong 2 năm nay, chúng tôi phấn đấu theo tiêu chí “BV Hạnh phúc” thực sự cho tất cả mọi người cả đời sống vật chất và tinh thần, môi trường công tác dân chủ, thân thiện, công bằng và vì con người. Người bệnh hạnh phúc, người nhà bệnh nhân hạnh phúc và nhân viên y tế hạnh phúc. Nói như vậy có nghĩa là chúng tôi đã đánh giá đúng nguồn lực, xác định được đúng mục tiêu, tìm ra những giải pháp chiến lược, lập kế hoạch đầy đủ, tập hợp động viên khuyến khích lực lượng đông đảo cán bộ các lĩnh vực thực hành chuẩn để đạt được mục tiêu theo năm tháng”.

PGS.TS Trần Thị Thanh Hóa, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương: Giám đốc BV phải qua các vị trí quản lý nhỏ

“Người đứng đầu BV không thể độc đoán, chuyên quyền, xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, bổ nhiệm một cách vô tội vạ, tuyển chọn các CBCNV năng lực, trình độ chuyên môn kém, phân công sai vị trí sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ sở y tế.

Để quản trị tốt BV, người đứng đầu BV phải có tầm nhìn dài hạn (5 - 10 năm). Theo đó, phải rất chú trọng đào tạo về nhân lực vì đây là yếu tố quan trọng hàng đầu. Đội ngũ này không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà phải có đạo đức, ý thức kỷ luật tốt. Khi đã có nhân lực tốt, phải đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại và đồng bộ. Đồng thời phải động viên, khuyến khích và có cơ chế bồi dưỡng cho các CBCNV tích cực tham gia học tập, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ… Không chỉ vậy, Giám đốc BV phải kinh qua các vị trí quản lý nhỏ (ví dụ như Trưởng khoa) bởi chỉ khi nào anh quản lý tốt các mô hình nhỏ, khi tiếp nhận những mô hình lớn hơn anh mới không khỏi bỡ ngỡ và chông chênh, quản lý BV một cách hiệu quả nhất!”.

Đọc thêm

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hà Nội: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP kiểm tra tại một cơ sở. (Ảnh: Bích Hằng)
(PLVN) - Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, Thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.

Dịch sốt xuất huyết lan rộng

Dịch sốt xuất huyết lan rộng
(PLVN) - Trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, tuy nhiên hiện nay, dịch lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.

Nhập viện cấp cứu, điều trị tâm thần do hút thuốc

Bệnh nhân nhập viện do bị tràn khí màng phổi. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - Ông N.B.T (sinh năm 1969, ở Đông Anh, Hà Nội) mới được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng khó thở, đau chói vùng ngực phải, khi hít vào càng đau quặn hơn không chịu được.

Mối nguy 'bánh mì bẩn'

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Sự việc hơn 300 người nghi ngộ độc thực phẩm, 1 người không qua khỏi sau khi ăn bánh mì mua từ một tiệm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khiến chúng ta buộc phải nhìn thẳng vào một sự thật. Đó là món ăn đường phố nói chung và bánh mì thịt nói riêng, nét “ẩm thực độc đáo” của Việt Nam; nếu không được chế biến, bảo quản kỹ lưỡng, không được quản lý chặt chẽ đầu vào, người bán không có tâm; thì đã, đang và sẽ là một mối nguy cho xã hội.

Rối loạn tâm thần do lạm dụng thuốc lá điện tử

Ảnh minh họa: BV Bạch Mai
(PLVN) -  Bệnh nhân cho biết, một đêm chỉ ngủ được 3-4 tiếng, ngủ không sâu giấc, ăn kém ngon miệng. Để giải tỏa những cảm xúc trên, bệnh nhân đã pha cần sa với tinh dầu thuốc lá điện tử để hút cả đêm, rồi ngủ gục trên giường, bỏ cả làm.