- Chờ anh nhé! Anh sẽ về!
Liên đứng đấy, cả người dựa vào cây xoan bên đường để khỏi chới với. Ngay cả ống tay áo lúc này cũng ướt đầm vì nước mắt. Dũng đã đi xa mà mắt Liên vẫn găm chặt về phía con đường. Trong lòng cô đang nhộn nhạo trăm nghìn suy nghĩ. Có đáng không? Có đáng để Dũng phải rời xa người vợ mới cưới một tháng, có đáng phải đánh cược sinh mệnh và hạnh phúc của mình không? Trong cuộc ân ái cuối cùng của đôi vợ chồng trẻ, Liên đã nấc lên mà hỏi như vậy. Nước mắt Liên loáng ướt ngực Dũng, loáng ướt cả khuôn mặt. Nhưng Dũng hôn lên mắt cô mà quả quyết.
- Đáng em ạ!
Liên và Dũng là đôi bạn từ nhỏ, họ yêu nhau bình lặng, về chung một nhà, không ồn ào, biến cố, không trắc trở cấm ngăn. Liên thấy mình hạnh phúc quá, thật vẹn toàn khi được yêu và cưới người mình yêu. Nhưng nhiều khi chính cái lúc người ta chìm trong cái mộng tưởng hoàn mỹ ấy thì những biến cố đã âm thầm nhen nhóm. Cưới nhau được một tháng, Dũng làm đơn xin nhập ngũ. Dũng là một thanh niên ưu tú, yêu nước và khao khát muốn lên đường bảo vệ Tổ quốc.
- Giữ anh ở lại thì em là người ích kỷ, nhưng anh đi rồi biết đâu sẽ là mãi mãi. Em sẽ không sống nổi.
Dũng siết chặt tay vợ.
- Anh sẽ về, dù thế nào anh cũng về.
***
Lạ lắm, chẳng có năm nào trước Tết mà mưa dữ dội, mưa đá như thế này. Trước sân loang lổ, vỡ vụn những vỏ thân bạch đàn theo gió đến. Nhà trên âm thầm tối, tĩnh mịch, ủ ê. Căn nhà như tạc vào nền buổi sớm bằng cái mầu xam xám, lành lạnh. Chỉ có người ngồi trong bếp dường như bất động trước đống lửa đã tàn. Một bà cụ già lưng còng, khăn mỏ quạ xơ tướp như được thời gian tạt vào đấy nước mầu bạc phếch. Bà mơ màng nhìn ra thứ ánh sáng mờ ảo đang giội vào cửa. Mắt bà mờ đặc, dường như có màn sương buông xuống, mới tháng trước mộng mắt còn khiến bà nhức nhối, bác sĩ từ thiện vận động bà đi thay thủy tinh thể nhưng bà lắc đầu. Có nhìn thấy thì cũng để làm gì. Ở cái tuổi tám mươi đã nhìn đời đủ rồi, đã chờ đủ rồi và cũng khóc đủ cho một kiếp. Người ta lắc đầu cho bà là gàn dở. Chao ôi, người già. Tầm tuổi này, lại ở một mình, mắt không nhìn thấy thì cực biết bao nhiêu.
Người làng, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, người cao tuổi, quan tâm cụ lắm. Cụ là người hiếm trong làng, là bảo chứng của một thời đang lùi dần vào dĩ vãng. Cụ vẫn ở đấy, trong căn nhà hơn một trăm năm tuổi bằng đá này, kiên cường, xù xì như cái cây trơ trụi trên đồi. Người ta tự hỏi, ở một mình buồn thế làm sao cụ vượt qua được. Cụ khẽ mỉm cười.
Căn nhà sát chân núi, lạc lõng giữa những kiến trúc xa hoa, những tòa nhà cao tầng hiện đại, rực rỡ, vô tình trở thành một địa điểm du lịch mà người ta thường tìm đến mỗi khi ghé thăm Núi Tro. Người ta trầm trồ trước công trình tuyệt mỹ, kỳ công này. Trong nhà, đồ vật đơn sơ, một chiếc giường đơn, một cái bàn sơn son thếp vàng đã cũ bày di ảnh của người xưa. Nhưng ai cũng chỉ chú ý đến một bức ảnh đen trắng, đặt ngay đầu giường, người thanh niên trong ảnh mặc quần áo bộ đội, nụ cười rất đẹp. Chiều chiều, những ngày nắng buồn, cụ thường mang bức ảnh ấy ra trước cửa nhà, mắt không nhìn thấy nhưng hình ảnh thì dội lên trong đầu rất rõ. Từng đường nét gương mặt, nụ cười, thậm chí cụ còn nghe thấy tiếng bước chân thân quen văng vẳng đâu đó.
Trên đời còn chuyện một người dành cả đời để chờ người thương ư? Làm gì có? Là tưởng tượng thôi à?
Lời đồn thổi về cụ truyền đi nhanh giữa thời buổi bão mạng, một câu chuyện thật lạ kỳ và phi tưởng tượng giữa cuộc đời tàn khốc này, những hot TikToker nổi tiếng, những YouTuber… thi nhau kéo đến, lúc đầu cụ còn tiếp, sau rồi cụ thấy mình đau lòng, sự chân thành bị đem ra làm trò vui. Cánh cổng đá đóng lại. 60 năm rồi cũng thành tàn tro. Có tiếc không? Cụ cười, không tiếc. Thương một người thì bao năm cũng vẫn thấy không đủ. Người ta nói ước nguyện của cụ đã được đưa lên chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” người ta sẽ giúp cụ tìm người chồng thất lạc. Dù có thế nào cũng phải biết cụ ông còn hay mất.
Sáng nay có mấy người trong hội phụ nữ đến sớm, cụ vẫn ngồi đấy lạnh co trong căn bếp tàn. Họ mang cho cụ bộ quần áo và chiếc khăn mới. Hôm nay là một ngày đặc biệt. Nhiều kênh về quay phim chụp ảnh lắm.
Cụ lắc đầu.
Cụ chẳng làm gì hết, chẳng đi đâu hết, cứ ngồi đây, trong chiếc ghế bên cửa nhà. Người ta biến cái không gian vốn dĩ im ắng, muộn phiền nơi đây trở nên xáo trộn, ồn ào. Lăng xăng như ong ve.
Cụ mơ hồ, không biết có phải mình đã chết rồi, và người ta đang đến để làm đám. Chỉ là linh hồn cụ còn lởn vởn cõi dương chưa nỡ rời đi. Cụ nghe thấy tiếng bước chân giữa ngàn vạn âm thanh khác đang đi tới gần.
Xuống xe, bước chân của ông già run rẩy.
Dáng người gầy, tóc trắng phau, là dáng dấp của một cụ già trí thức về hưu. Đi theo cụ là hai người phụ nữ trung niên, chỉ thoáng qua cũng biết họ là ruột thịt. Người dẫn chương trình đưa cụ chầm chậm tiến về ngôi nhà đá. Người ta hỏi cụ có còn nhớ chút ký ức nào về ngôi nhà này không? Cụ đứng sững lại, nhắm mắt như đang đau đớn vật lộn điều gì đó trong đầu. Cụ đưa tay, tháo kính, lặng lẽ chấm giọt nước mắt đang rịn ra.
- Cụ có nhận ra ai đây không?
- Đây chính là cụ Liên, vợ của cụ đấy.
Cụ bà vẫn ngồi bất động trên ghế, tai lùng bùng câu được câu chăng, mắt cụ đã không còn nhìn thấy nữa, người trước mặt là những ai cũng chẳng biết.
Người đàn ông già chầm chậm bước tới, ngước nhìn căn nhà đá, rồi đưa tay lên trời kêu lên một tiếng.
Ông gục xuống đất. Những chiếc máy ảnh, máy quay phim lia tới tấp. Một người con gái của cụ hét lên.
- Làm ơn! Hãy tôn trọng bố tôi.
Trước những tiếng nức nở đến quặn lòng của người trong cuộc, các YouTuber và TikToker lặng lẽ ra về. Trong sân lúc này chỉ còn bốn người.
- Ai đấy?
Cụ bà lần tay theo ghế chầm chậm bước xuống bậc cửa. Cụ đang cố đi theo tiếng nói vang lên, rất gần nhưng như là của một nơi xa xăm vọng về. Cụ tưởng mình lại mơ. Dạo này cụ hay mơ. Cụ thấy mình như nhẹ bẫng có thể bay đi được. Có lẽ đã đến lúc rồi...
- Là tôi đây, Dũng của bà đây. Liên ơi!
Người đàn ông cầm lấy tay cụ.
- Dũng ư? Dũng nào?
- Dũng chồng bà đây.
- Sao giờ ông mới về? Đã ăn cơm chưa?
Cụ bà run rẩy gần như mê sảng, cụ vẫn nghĩ mình đang mơ. Người trước mặt giờ cũng chỉ là giấc mơ.
- Tôi đã về… chỉ là muộn quá thôi.
Hai người con gái ôm nhau bật khóc. Có lẽ, lúc này mẹ họ trên trời nhìn xuống cũng không trách chồng mình. Họ sẽ kể cho mẹ về người phụ nữ kia đáng thương biết bao, chung thủy biết bao nhiêu và đau đớn biết nhường nào. Nếu như không vì chiến tranh, không vì vết thương mà bố cô quên đi ký ức, thì có lẽ giờ đây, họ đã sống đến răng long đầu bạc và sẽ chẳng có giây phút đau đớn này.
- Em nghĩ nên để bố đón bà về chăm sóc, ở đây một mình, lại bị lẫn, mắt không còn nhìn thấy gì.
- Không, hãy để bố về ở với bà. Chị nghĩ bà không muốn đi đâu.
Nửa ngày trời, cụ bà mới bắt đầu hiểu ra câu chuyện, người ta còn sợ cụ bị sốc, cần phải trợ tim. Nhưng không, cụ bình thản, mỉm cười nhưng nước mắt cứ ứa ra. Chỉ một cái siết tay. Tôi đã dành cả đời để đợi ông, còn ông đã yên ấm với vợ con ở một nơi khác. Đời ác, hay chiến tranh ác quá!
- Mẹ! Mẹ ơi!
Cô gái ôm bà cụ vào lòng, khẽ nấc lên trong cơn xúc động.
- Hãy cho chúng con được gọi mẹ!
***
Xuân đến, căn nhà đá bên chân núi mở rộng cửa, bếp đỏ lửa, nồi nước đang reo báo khách rộn ràng. Cụ bà vẫn ngồi trên chiếc ghế mây cũ kỹ, lặng lẽ dõi theo tiếng bước chân loẹt quẹt đầy bận rộn của chồng.
- Phải chuẩn bị trà chứ nhỉ!
- Được rồi, bà cứ ngồi đấy đi. Ra giêng này, nghe tôi đi chữa mắt đấy. Bà phải chữa mắt để còn nhìn thấy tôi chứ.
Bà mỉm cười nghe cái giọng làu bàu của ông. Nếu là một giấc mơ thì cũng được, giấc mơ đẹp quá, bà chẳng bao giờ muốn mình tỉnh dậy. Nhưng gió vẫn thổi bên hông nhà rõ thế kia cơ mà. Là gió xuân đã về ngang căn bếp rồi.