Tại Đà Nẵng lúc 10h 45, trụ điện khu vực Nại Hiên Đông quận Sơn Trà bị nổ. Tiếng nổ gây kinh động, khiến nhiều người la hét. Hiện tại, toàn bộ khu đã bị cúp điện hoàn toàn.
Dù gió to, một số người dân chủ quan vẫn ra đường. Công an phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) vừa cứu một người đàn ông đi xe đạp băng qua cầu sông Hàn bị ngã, phải bu bám trên thành cầu.
Các lực lượng chức năng đã cho phong tỏa một số tuyến đường ngập nước, cây ngã đổ, cấm người dân đi lại.
Tại Quảng Nam: các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang mưa lớn cũng bắt đầu xuất hiện từ sáng, đến trưa cùng ngày còn kèm theo gió lớn khiến một số cây cối dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đã bị bật gốc.
Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả tạm thời trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Huyện này đã tổ chức sơ tán di dời khoảng 500 hộ dân với gần 1.300 nhân khẩu đến túi xách bảo tại các điểm trường học, trụ sở ủy ban và một số nhà ở kiên cố của người dân.
Cù Lao Chàm, theo Thượng tá Trần Văn Ba, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm, trưa cùng ngày, gió bão tại đảo Cù Lao Chàm mạnh cấp 11-12, giật cấp 13. Sóng biển cao 4 - 6m, sóng biển đang phủ lên hàng chục nhà dân ven biển tại thôn Bãi Làng và Bãi Hương.
Hình ảnh ghi nhận tại Tam Kỳ, mưa lớn kèm gió đang quần thảo mạnh |
Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ Quảng Nam cho biết, ngành chức năng thành phố Tam Kỳ vừa đi kiểm tra tại các xã ven biển, qua đó ghi nhận nhiều cây xanh ngã đổ gây ách tắc giao thông. Hiện tại Trung tâm Văn hóa - thông tin tỉnh Quảng Nam đã bị tốc mái nghiêm trọng. TP.Tam Kỳ đã yêu cầu lực lượng quân đội, công an sẵn sàng lực lượng khi bão tan từng bước dọn dẹp các tuyến đường bị ách tắc.
Một số khu vực ven biển Quảng Nam nước bị gió bão đánh tràn vào khu dân cư.
Tại Quảng Ngãi, cây cối ngã đổi, gió giật mạnh, nhiều mái tôn nhà đã bị gió đánh bật. Quảng Ngãi cho tới thời điểm này vẫn được nhận định khả năng là tâm bão.