Theo nội dung của Đề án “Bảo tồn và phát triển các sản phẩm du lịch tại các làng chài trên Vịnh Hạ Long” giai đoạn 2014-2020, có bốn trong bảy làng chài đã được UBND tỉnh Quảng Ninh quy hoạch là làng chài Ba Hang, Hoa Cương, Cửa Vạn, Vung Viêng và khu tái định cư Cái Xà Cong được đề xuất xây dựng những sản phẩm du lịch, gắn với đặc trưng văn hóa của từng làng chài.
Trước đây, du khách khi đến với Vịnh Hạ Long, không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp có một không hai của hàng nghìn núi đá trùng điệp mà họ còn háo hức được tận mắt chứng kiến những ngôi làng nổi độc đáo của cư dân vạn chài. Được ngắm nhìn khung cảnh, cuộc sống bình dị và những nét văn hóa đặc sắc sẽ tạo nên những ấn tượng khó phai về một di sản thiên nhiên - văn hóa trong lòng du khách.
Làng chài Vung Viêng thuộc quần thể đảo Vụng Hà nằm trong vùng bảo vệ tuyệt đối trên Vịnh Hạ Long, được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20. Ban đầu, làng chỉ là nơi neo đậu của tàu thuyền để nghỉ chân, tránh gió, bão. Do đặc thù về địa hình khu vực này rất kín gió và lặng sóng, nên có một số hộ gia đình định cư tại đây. Trước năm 2014 có 60 nhà bè với 260 nhân khẩu sinh sống.Để đến được làng chài Vung Viêng phải đi tàu mất gần 3 giờ đồng hồ, sau đó di chuyển bằng thuyền nan và đi qua Hang Cao-một hang xuyên thuỷ nổi tiếng của Vịnh Bái Tử Long (nơi đây được ví như một chiếc cổng làng tự nhiên) của làng chài Vung Viêng.
Làng chài Cửa Vạn có nguồn gốc từ hai làng chài cổ là Giang Võng và Trúc Võng, cùng với các hòn đảo, trở thành một bộ phận cấu thành Vịnh Hạ Long, nay thuộc địa phận phường Hùng Thắng, TP Hạ Long. Làng chài Cửa Vạn trước là nơi sinh sống của 176 hộ, với trên 750 nhân khẩu, hầu hết sống bằng nghề chài lưới. Làng nằm trong một vụng biển lặng sóng, xung quanh là núi đá bao bọc có tên Vạ Giá - Cửa Vạn. Khu vực này là một địa điểm lý tưởng cho các loại tàu neo đậu.
Các hộ dân tại đây dựng các nhà bè nằm men theo rìa các đảo đá. Các thế hệ người làng chài cả đời sinh sống trên thuyền và gắn bó với biển. Họ coi con thuyền là nhà, biển là quê hương, gắn bó với Vịnh Hạ Long cả về tâm hồn và thể xác. Trẻ con ngay từ 4 - 5 tuổi đã biết cầm mái chèo tập bơi. Mọi hoạt động làm ăn, sinh sống, sinh hoạt văn hoá tinh thần cả cuộc đời họ, từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt xuôi tay đều diễn ra trên môi trường sông nước. Tất cả nhà ở của ngư dân đều nổi trên biển nhưng rất khang trang, sạch sẽ. Những gia đình khá giả có nhà lợp ngói trên những bè phao nổi, trong nhà có đủ tiện nghi như đài, ti vi, bàn ghế...
Làng chài có một cơ sở đào tạo cho trẻ em thôn Cửa Vạn. Trên diện tích 150m2 được neo đậu dưới chân núi Ngọc là bốn phòng học và một vài phòng nhỏ dành cho giáo viên. Đây là những lớp học nổi đầu tiên trên biển dành cho con em làng chài của vùng biển Hạ Long. Trước đây Cửa Vạn có 7 lớp học, chủ yếu là học sinh lớp một và lớp hai, ít tuổi nhất là 8 và cao nhất là 17 tuổi. Cuộc sống trên biển thật yên ả. Không khí náo nhiệt nhất là cảnh trẻ con làng chài nhộn nhịp đến trường bằng thuyền với tiếng gọi nhau í ới, những khuôn mặt rạng rỡ.
Làng chài Cửa Vạn trước đây là điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch nước ngoài. Hầu hết các tour thăm Vịnh của các hãng du lịch đã chọn làng chài để đưa khách tới thăm. Năm 2012, làng chài Cửa Vạn đã được website du lịch Journeyetc.com đưa vào danh sách 16 ngôi làng cổ đẹp nhất thế giới. Còn Buzzfeed - một trang tin điện tử cung cấp tin tức đời sống hàng ngày nổi tiếng trên thế giới đã công bố làng chài Cửa Vạn đứng thứ 7 trong top 22 thị trấn, ngôi làng có khung cảnh đẹp như mơ trên thế giới.
Nhưng hiện nay, lượng du khách đến tham quan các làng chài ngày càng ít, chỉ còn khoảng 40% so với những năm trước. Nguyên nhân sâu xa vì những làng chài hiện nay với những ngôi nhà vô hồn vì không có người ở không còn đáp ứng được nhu cầu của du khách. Đến tham quan, du khách chỉ được ngắm những “di vật” còn sót lại của ngư dân và tiếp cận nét văn hóa của họ qua lời kể của hướng dẫn viên. Hướng dẫn viên chỉ giới thiệu sơ qua về lịch sử, phần còn lại du khách phải tự tưởng tượng.
Với chủ trương nhằm trả lại cảnh quan và môi trường cho di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, tháng 6/2014, UBND TP. Hạ Long đã di dời ngư dân các làng chài lên bờ, tái định cư tại phường Hà Phong, TP Hạ Long có diện tích 8ha với tổng kinh phí 167 tỷ đồng. Làng chài Cửa Vạn vẫn được giữ gìn, bảo tồn phục vụ du lịch, gồm 12 nhà bè (lớp học, nhà văn hoá và một số nhà bè còn mới, đủ tiêu chuẩn của ngư dân).
Tháng 11/2017, UBND TP Hạ Long đã ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của làng chài trên Vịnh Hạ Long. Theo đó, Hạ Long sẽ chi 1.698 tỷ đồng, gấp 10 lần tổng kinh phí tái định cư các làng chài để tập trung vào bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Số tiền này được trích từ tiền bán vé tham quan trên Vịnh. Được biết, năm 2017, Vịnh Hạ Long đón hơn 3,6 triệu lượt khách (trong đó 2,4 triệu lượt khách quốc tế), thu từ vé đạt khoảng 1.100 tỷ đồng. Còn những ngư dân ngàn đời sống nhờ biển đang mắc cạn trên đất liền.
Kỳ 2: Ngư dân làng chài tìm đường về biển