Kỳ 3:
Thực tế hoạt động du lịch trên Vịnh Hạ Long những năm qua cho thấy, việc cộng đồng dân cư sinh sống trên biển với nhiều nét sinh hoạt đặc thù ở môi trường sông nước là nét hấp dẫn, quyến rũ với các du khách nước ngoài. Sau khi di dời dân lên cạn, các làng chài trống không không còn hấp dẫn khách du lịch. Vì vậy, Kế hoạch thực hiện bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa tiêu biểu của làng chài trên Vịnh Hạ Long ra đời được coi là động thái nhằm bảo tồn, phát huy bền vững, tránh làm mai một giá trị văn hóa tiêu biểu của ngư dân làng chài. Đồng thời tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
TP Hạ Long sẽ đầu tư tiền tập trung vào bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, giá trị di sản văn hóa vật thể gồm: Con thuyền (thuyền nan, thuyền ba vách, thuyền buồm) - phương tiện đi lại, kiếm sống và là ngôi nhà di động của ngư dân vạn chài Hạ Long; ngư cụ truyền thống (lao đâm cá, mai đào sá sùng, xỉa ngán, búa đánh hà, lờ…) - những phương thức đánh bắt sơ khai, đơn giản mà hiệu quả của ngư dân vạn chài Hạ Long; nhà bè với các đồ dùng hàng ngày của ngư dân vạn chài Hạ Long; lớp học của con em ngư dân khi chưa di dời các nhà bè trên Vịnh Hạ Long.
Giá trị di sản văn hóa phi vật thể gồm: hát giao duyên của ngư dân làng chài Hạ Long - một kho tàng ca dao, dân ca, phong tục tập quán; tín ngưỡng dân gian, lễ hội truyền thống. Kế hoạch bảo tồn bắt đầu thực hiện từ quý 2/2018 tại khu vực Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long và khu tái định cư Cái Xà Cong, phường Hà Phong, TP Hạ Long.
Với kinh nghiệm của người làm văn hoá 30 năm, ông Hoàng Quốc Thái-nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Ninh nay là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh chia sẻ với báo chí: “Tôi thấy nghi ngờ tính khả thi của việc bảo tồn các làng chài trên Vịnh Hạ Long để làm du lịch. Ngư dân là người nắm giữ tri thức, văn hoá, họ còn sinh sống ở các làng chài thì còn văn hoá làng chài, di chuyển họ đi thì họ cũng mang theo các giá trị văn hoá ấy.
Khách du lịch đến làng chài là để xem cuộc sống thực, trải nghiệm cuộc sống thực của ngư dân. Người dân không sống ở đó mà nói bảo tồn làng chài để làm du lịch thì cực kỳ khó. Nếu người dân không sống tại đó với những sinh hoạt thường nhật mà chỉ trở về làm diễn viên thì chỉ là diễn lại cuộc sống của họ, du khách không muốn xem đâu. Với những người làm văn hoá cũng thế, đến là để xem cuộc sống thực, văn hoá thực, chứ không đến để xem tái hiện lại. Vì vậy, để xây dựng sản phẩm du lịch này trước hết cần có sự khảo sát trực tiếp với các hãng lữ hành về nhu cầu của khách đã...”.
Phó ban quản lý Vịnh Hạ Long Nguyễn Công Thái lại có một nỗi lo khác trong câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá di sản Vịnh Hạ Long. Theo ông, nếu di dời toàn bộ ngư dân lên bờ sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi con người tạo ra văn hoá mà di sản văn hoá được hình thành từ chính phong tục, tập quán lâu đời cùng nếp sống sinh hoạt của ngư dân.
“Tôi nghĩ rằng, chúng ta vẫn cần phải duy trì một bộ phận ngư dân dưới biển sống trên Vịnh Hạ Long và coi đó là những bộ phận để bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản của cộng đồng ngư dân sống bao đời trên Vịnh Hạ Long. Đó là những nét đẹp truyền thống văn hoá mà người dân sống trên Vịnh Hạ Long đã bảo tồn từ rất nhiều đời để lại” - ông Thái tâm sự.
Như vậy, ngư dân các làng chài chính là “hồn cốt” của Vịnh Hạ Long. Bài toán đặt ra là làm sao sau di dời vẫn còn làng chài với các nét văn hoá truyền thống và sinh hoạt thường nhật của ngư dân trên Vịnh Hạ Long vẫn chưa có lời giải.
Hiện nay, khi các làng chài phục vụ du lịch nhà nào cũng cửa đóng, then cài vì không còn người ở, để khám phá đời sống con người Hạ Long, du khách phải đến thăm Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn. Ở đây du khách có thể thấy được bức tranh toàn cảnh về cuộc mưu sinh hàng ngày, những nét đẹp văn hóa cũng như phong tục tập quán mang đậm sắc thái vùng biển của cộng đồng ngư dân sinh sống trên Vịnh.
Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn là mô hình Trung tâm văn hóa nổi đầu tiên dành cho cộng đồng ngư dân vạn chài được xây dựng tại Việt Nam nhằm bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa làng chài thông qua các sinh hoạt truyền thống cũng như hoạt động giao lưu giữa cộng đồng dân cư và du khách. Trung tâm là một trong 12 dự án thành phần của Bảo tàng sinh thái Hạ Long, được xây dựng tại vụng Tùng Sâu, thuộc khu vực làng chài Cửa Vạn, phường Hùng Thắng, TP Hạ Long. Trung tâm có diện tích hơn 330m2, thiết kế theo kiểu nhà bè, được khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 8/2007, với tổng kinh phí xây dựng là 410.000 USD do Chính phủ Nauy tài trợ 100%.
Cuối năm 2016 đầu năm 2017, UBND TP Hạ Long tiếp tục đầu tư trên 10 tỷ đồng để sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp Trung tâm và sau đó Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn được dịch chuyển từ vụng Tùng Sâu ra khu vực trung tâm làng chài Cửa Vạn cũ, cách vị trí cũ khoảng 800m. Đến đây, du khách sẽ được tận mắt xem và tìm hiểu hàng trăm hiện vật khảo cổ, trong đó có những dụng cụ, phương tiện đánh bắt hải sản của người Việt cổ, nhiều hình ảnh, phim tư liệu, các ấn phẩm về văn hóa dân gian, đời sống của những cư dân làng chài sống trên Vịnh Hạ Long xưa và nay…Tất cả được tái hiện lại bằng mô hình theo 6 chủ đề chính: tự nhiên và con người; phương thức kiếm sống của ngư dân; đời sống vật chất của dân chài; thủy cư với cuộc sống đời người; tâm linh với cuộc sống tinh thần; cho hôm nay và cho muôn đời sau.
Thời gian qua, các tổ chức nước ngoài đã đầu tư, thực hiện dự án nhằm phục sinh “hồn cốt làng chài”.
Kỳ 4: Chung tay “phục sinh hồn cốt” làng chài