Vốn cổ độc đáo
“Nào tàu nào tượng ra trông/ Xe như nước chảy lọng cùng lá sen/ Nào cờ nào kiệu đôi bên/ Cân đai rực rỡ áo xiêm xa bày/Gió xuân phây phẩy xa bay/ Chim kia học nói hoa này thêm tươi…” những lời ngâm nga của Chèo tàu đưa tôi tìm về Tân Hội trong một ngày cuối tháng bảy.
Ở vùng đất này, có thể dễ dàng cảm nhận được Chèo tàu như ngấm vào máu, vào thịt mỗi người dân. Từ những trẻ mới lớn, cho đến người trưởng thành và cả những cụ già vẫn có niềm đam mê, yêu những làn điệu mượt mà, những câu ca sâu lắng.
Hôm ấy, theo lời giới thiệu của một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trong vùng, tôi tìm đến ông Đông Sinh Nhật - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Chèo tàu Tân Hội. Ông Nhật là một trong những người đầu tiên góp công, hiến sức trong nỗ lực phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này. Nhắc đến gốc tích Chèo tàu, ông Nhật cho hay, hát Chèo tàu đã có từ khoảng những năm 1683.
Thuở xưa, do đây là điệu hát thiêng nên phải cách quãng 25 năm, người dân Tổng Gối mới mở hội hát một lần, mỗi lần hội lại kéo dài trong vòng một tháng. Hội cuối cùng được tổ chức vào năm 1922, và đứt đoạn mãi đến năm 1998 mới được khôi phục. Năm 2015 là kỳ lễ hội được tổ chức với quy mô lớn nhất.
Quanh giai thoại về nguồn gốc Chèo tàu ở Tân Hội cũng có muôn vàn lý giải. Nguồn gốc đầu tiên nói rằng, hội hát Chèo tàu ở Tân Hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ vị tướng Văn Dĩ Thành (1380 -1416), người đã có công đánh đuổi quân Minh xâm lược, bảo vệ quê hương. Thời đó, tướng Văn Dĩ Thành lấy vùng Tổng Gối làm căn cứ, đóng đại bản doanh ở gò Đống Đám, giữa cánh đồng Dinh của làng Thượng Hội. Quân phục thường mang sắc đen nên cuộc khởi nghĩa thường được gọi là “khởi nghĩa hắc y”, tướng Văn Dĩ Thành cũng được tôn là “Tướng hắc y dạ xoa”.
Nghệ nhân Đông Sinh Nhật (phải) chia sẻ về những nét độc đáo của hát Chèo tàu Tân Hội. |
Sau khi tướng Văn Dĩ Thành mất năm 1416 và được tôn vinh là Thành hoàng Tổng Gối thì người dân kết hợp những truyền thống ca hát vốn có của vùng đất này, tạo ra một lễ hội đặc sắc tưởng nhớ ông. Nội dung của tất cả các bài hát đều là ca ngợi hoặc kể lại những chiến công, những trận đánh xưa kia của vị tướng song toàn Văn Dĩ Thành.
Cũng có giai thoại khác cho rằng, hình ảnh voi và các ca nương là bằng chứng cho thấy Chèo tàu bắt nguồn từ truyền thuyết về cuộc tiến quân hùng tráng của Hai Bà Trưng đánh Tô Ðịnh đời Ðông Hán vào khoảng năm 12 đến 43. Còn theo một nguồn gốc khác nữa thì Chèo tàu xuất hiện từ những cuộc đàm phán quân sự giữa Lý Phật Tử và Triệu Quang Phục trong chiến tranh giữa những năm 544 và 571… Tuy nhiên, ông Nhật cho rằng, Chèo tàu có gốc gác gắn với tướng hắc y dạ xoa Văn Dĩ Thành, một người con của Tổng Gối, có công đánh giặc Minh xâm lược là chuẩn xác hơn cả.
Tại sao lại có tên là Chèo tàu? “tàu” ở đây có nghĩa là gì? Có phải đây là loại hình nghệ thuật có nguồn gốc từ Trung Quốc hay không? Trước những băn khoăn này của tôi, ông Đông Sinh Nhật cho biết, thực ra, chữ “tàu” có ý nghĩa hết sức đơn giản, nó chỉ những chiếc thuyền, những chiếc tàu thủy. Và điệu hát Chèo tàu là hát chèo thuyền, chở quân đi đánh giặc.
Hình thức thể hiện của Chèo tàu ít nhiều phảng phất và mang âm hưởng như những đội nghĩa binh áo đen của tướng Văn Dĩ Thành chèo thuyền trong đêm, bí mật tập kích quân địch. Và đội chèo thuyền ấy chính là các bà, các cô thông thạo sông nước. Đó là lý giải hợp lý nhất cho câu hỏi vì sao lại có tên là Chèo tàu và vì sao tất cả những người hát Chèo tàu đều là nữ.
"Truyền lửa" Chèo tàu cho thế hệ trẻ ở Tân Hội. |
Điểm đặc sắc của Chèo tàu còn nằm ở thời gian chuẩn bị công phu và cách thức thể hiện nghiêm cẩn. Cụ thể, hội Chèo tàu thường được tổ chức vào ngày 14, 15 tháng Giêng, trên cánh đồng làng Thượng Hội. Những năm hội lớn, công tác chuẩn bị thường được tiến hành từ Rằm tháng Tám (âm lịch) năm trước, với các đội hát được diễn luyện ngày đêm cho đến tận ngày chính hội. Đạo cụ không thể thiếu, làm nên hồn cốt diễn xướng là tàu (những chiếc thuyền rồng bằng gỗ) và tượng (voi).
Đặc biệt, nghi lễ hát này được tổ chức ở trên cạn, với các làn điệu đối đáp. Trên mỗi thuyền rồng đều có một “bà chúa tàu” khoảng 50 tuổi, múa hát giỏi; hai “cái tàu” và mười “con tàu” là các thiếu nữ từ 13-16 tuổi. Khi biểu diễn, “chúa tàu” đánh thanh la, hai “cái tàu” lĩnh xướng, mười “con tàu” hát họa theo. Quy trình hát Chèo tàu cũng được thực hiện tương đối chặt chẽ, thường theo thứ tự là: lễ trình, dâng hương, dâng rượu, bài tàu, hát bỏ bộ, hát các bài lý, hát ví…
Nỗ lực bảo tồn
Khi nhắc đến thăng trầm của Chèo tàu, ông Đông Sinh Nhật tần ngần bảo, do truyền thống 25 năm mới được tổ chức một lần nên sau khoảng thời gian dài, các bài và điệu hát cũng ít nhiều bị lãng quên. Không nói đâu xa, lần tổ chức Chèo tàu cuối cùng là năm 1922, song mãi đến xuân năm 2015 người dân trong vùng mới hân hoan tổ chức lại lễ hội hát Chèo tàu. Nghĩa là, phải sau quãng thời gian 93 năm, những làn điệu chèo cổ mới được tái hiện. Chính bởi thời gian cách quãng như vậy khiến Chèo tàu mất đi nét đặc sắc và những giá trị quý giá.
Ngoài ra, việc lưu giữ Chèo tàu cũng gặp khó bởi việc học hát Chèo tàu chủ yếu qua hình thức truyền miệng, không có sách nào ghi lại những lời ca, điệu hát. Vậy nên, xưa Chèo tàu có hàng trăm làn điệu nhưng hiện nay, dù các nghệ nhân dân gian trong vùng đã nỗ lực sưu tầm nhưng cũng chỉ lưu giữ chính xác về ngôn ngữ và cách hát khoảng trên 20 làn điệu, trong đó có nhiều bài được trình diễn tương đối phổ biến như "Hát bỏ bộ", "Hát ví"...
“Trước ở trong làng có cụ Tiến Thị Lục, cụ Mạch, cụ Nhung… là những cây đa, cây đề nức tiếng về hát Chèo tàu hay, đồng thời thuộc nhiều làn điệu cổ. Các cụ biết chúng tôi có mong muốn phục dựng lại Chèo tàu thì vui lắm, sẵn sàng đem hết công sức để gây dựng lại nét văn hóa truyền thống quê hương. Nhờ những tấm lòng ấy nên Chèo tàu mới được lưu truyền cho đến ngày nay” ông Đông Sinh Nhật chia sẻ.
Quanh câu chuyện phục dựng lại hát Chèo tàu ở Tân Hội, người viết cũng ghi lại không ít câu chuyện thú vị, những nỗ lực bền bỉ, tâm huyết của những nghệ nhân trong vùng. Theo tìm hiểu, để Chèo tàu được thịnh hành như hiện tại, ngoài đóng góp của các cao niên trong việc lưu giữ thì sưu tầm và truyền thụ điệu hát phải kể đến các ông Đông Sinh Nhật, Nguyễn Hữu Yến, bà Ngô Thị Thu, bà Nguyễn Thị Tuyết và bà Nguyễn Thị Lệ Thủy… với sự tâm huyết của mình, những nghệ nhân này đã phối hợp với Viện Âm nhạc Việt Nam, Sở Văn hóa và Thông tin Hà Tây (cũ) nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức sưu tầm, ghi âm bài hát dân gian trong quần chúng rồi học, đối chiếu để hát cho chuẩn.
Sau nhiều năm trăn trở, các ông bà trên đã thành lập Câu lạc bộ hát Chèo tàu Tân Hội nhằm khôi phục làn điệu chèo tàu cổ, phục dựng lễ hội hát. Từ 20 người ban đầu, sau một thời gian hoạt động, số hội viên câu lạc bộ tăng dần. Đến với nhau, họ cùng chung niềm đam mê và lòng tự hào với di sản vốn quý của làng xã để quên đi những nhọc nhằn trong cuộc sống. Cứ như vậy, cho đến hiện tại, mỗi buổi tối, sau một ngày vất vả với công việc, học tập, những con người đam mê, tâm huyết lại cùng nhau đến nhà văn hóa xã, họ cùng nhau xướng lên những làn điệu chèo chỉ ở Tổng Gối mới có.