Tại Lâm Đồng, đang tiến hành điều tra vụ hàng trăm cây thông có đường kính từ 20 - 40cm trên một diện tích hàng nghìn mét vuông bị khoan lỗ, đổ thuốc sâu vào nhằm triệt hạ cả cánh rừng. Ở Bình Phước có trường hợp người dân tố cáo nạn phá rừng bị trả đũa bằng cách phá hoại vườn cây cao su đang cho thu hoạch của ông này. Bức hại cây nhưng cũng chính là bức hại người.
Đã từng xảy ra nhiều trường hợp để trả thù người nhưng kẻ gian lại nhắm vào cây cối, gia súc hay phá hoại mùa màng, hoa lợi của người chủ. Thủ đoạn đó bị coi là hèn hạ, đáng lên án, gây ảnh hưởng xấu đến không chỉ đối tượng mà chúng nhắm đến mà còn là sự phá hoại môi trường, môi sinh của cả cộng đồng. Những hành vi này cần đến sự xử lý thích đáng bằng pháp luật hình sự.
Ở một diễn biến khác, sự bức hại, trả đũa cũng có thể coi là hèn hạ trong trường hợp một kỹ sư tố cáo những sai phạm của lãnh đạo trong dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị kẻ xấu dựng lên một cuộc đánh ghen.
Chúng thuê một phụ nữ với giá 5 triệu đồng để hẹn hò với kỹ sư này trong khách sạn, cài đặt camera, sau đó xông vào dựng nên màn kịch đánh ghen nhằm dằn mặt ông này. Rất đáng mừng là vụ án đã được khởi tố và phải làm rõ ai đứng sau màn kịch bức hại người tố cáo này.
Những hành vi “ném đá giấu tay” hoặc “gắp lửa bỏ tay người”, trả đũa, trả thù như thế còn khá phổ biến trong xã hội chúng ta. Một xã hội văn minh, đòi hỏi con người ứng xử với nhau có văn hóa nhất thiết không dung thứ những hành hành vi đó!