[links()]Ngay cả khi Dự thảo sửa đổi một số điều Luật Luật sư (LS) được đưa ra trình Quốc hội thì những tranh cãi xung quanh giấy chứng nhận người bào chữa (GCNNBC) dường như vẫn là “câu chuyện dài”, khi với giới LS đó là “barie” hạn chế quyền hành nghề LS thì với các cơ quan tố tụng lại là “barie” để đảm bảo “an toàn” cho hoạt động tố tụng...
Hình minh họa |
Sự tham gia của LS trong tố tụng rất quan trọng. Việc cho phép LS tham gia tố tụng từ khi có quy định tạm giữ là cần thiết.
Theo quy định của pháp luật tố tụng hiện nay, thủ tục cấp GCNNBC nhằm tạo cơ sở pháp lý xác nhận việc tham gia tố tụng của LS, đồng thời, GCNNBC là căn cứ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của LS khi tham gia tố tụng. Mặc dù LS vẫn “kêu” nhiều về “rào cản” mang tên GCNNBC, song khách quan nhìn nhận thì những vướng mắc thực tiễn về việc cấp GCNNBC cho LS hiện nay “chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện mà không hoàn toàn vướng mắc về pháp luật”.
Điều đó được LS.Trương Trọng Nghĩa (Đoàn LS TP.HCM) khẳng định, việc cấp GCNNBC “hiện nay là một trở ngại lớn” vì các cơ quan tố tụng thường không thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thời gian cấp GCNNBC (trong vòng 24 tiếng đối với người bị tạm giữ và 3 ngày đối với người bị tạm giam) dù LS đã có đủ thủ tục. Thực tế, có vụ hàng tháng trời bị can vẫn chưa được tiếp xúc với LS trong khi việc gặp LS thực ra rất quan trọng đối với nghi can và bị can trong giai đoạn mới bị giam để tránh cho họ khỏi rơi vào tình trạng tự buộc tội mình do không được tư vấn về pháp luật.
Chính vì thế, không đảm bảo thời hạn cấp GCNNBC theo nhiều LS là một trong những cản trở việc hành nghề của LS và quyền được bào chữa, tư vấn pháp luật của nghi can, bị can. Vấn đề là pháp luật hiện hành chưa có chế tài để ngăn chặn tình trạng “nhũng nhiễu, gây khó khăn và làm chậm trễ” hoạt động hành nghề của LS trong việc cấp GCNNBC khiến tình trạng “kéo dài thời gian xem xét cấp GCNNBC” vẫn khiến LS “dở khóc, dở mếu” mà không biết kêu ai.
Nghiêm trọng hơn, theo các LS, thời gian nghi can, bị can được gặp LS càng chậm kể từ thời điểm bị bắt giữ càng khiến nghi can, bị can nhiều nguy cơ rơi vào “nguy hiểm” do thiếu hiểu biết pháp luật trong khi pháp luật tố tụng hiện hành chưa có quy định về “quyền im lặng” chờ LS cho các đối tượng trong tình trạng vướng mắc về pháp lý. Chia sẻ với giới LS, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình Bùi Văn Xuyền cho rằng, nên mạnh dạn bỏ giấy này như một bước khởi đầu để tiếp tục sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự và cũng là giải pháp đột phá để giúp cho các LS có thể tiếp cận được, tham gia được nhiều các vụ án hình sự.
Mạnh tay xử lý hành vi gây khó trong cấp GCNNBC
Nhưng với các cơ quan tiến hành tố tụng, quy định về việc cấp GCNNBC trong vụ án hình sự là cần thiết như quan điểm của Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Hồng Hà: “Sau khi được cấp GCNNBC, LS mới thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật tố tụng”. Theo mô hình tố tụng của nước ta hiện nay, thủ tục cấp GCNNBC nhằm tạo cơ sở pháp lý xác nhận tư cách tham gia tố tụng của LS, để LS thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia các giai đoạn tố tụng.
Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội Giàng Thị Bình còn thấy, GCNNBC là căn cứ để xác định quyền và nghĩa vụ của LS khi tham gia tố tụng, đảm bảo cho sự có mặt của LS trong giai đoạn tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Mặt khác, cấp GCNNBBC cho LS còn giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc theo dõi, quản lý hồ sơ vụ án, quản lý bị can, bị cáo theo quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa nhận định, vấn đề cốt lõi không phải việc cân nhắc cần thiết hay không cần thiết cấp GCNNBC mà là cần quy định cơ chế hữu hiệu để đảm bảo việc cấp GCNNBC được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng từ quan điểm đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị trước mắt cho giữ quy định cấp GCNNBC trong tố tụng hình sự nhưng cần có quy định“cơ quan tiến hành tố tụng phải trả lời cho LS rõ về trường hợp bị từ chối” bằng văn bản và nêu rõ lý do. “Nên quy định theo hướng rút ngắn thời gian cấp GCNNBC, cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho LS từ 3 ngày có thể xuống còn 1 ngày làm việc”.
Không chỉ có thế, ông Huỳnh Nghĩa đề xuất có biện pháp mạnh xử lý nếu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nếu cố tình trì hoãn việc cấp GCNNBC, giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho LS.
Trong thời gian vừa qua, số LS tham gia vào các vụ án hình sự của chúng ta đạt 9,33%, trong đó án chỉ định chiếm tới 6%, còn lại LS tham gia các vụ án tố tụng, các vụ án hình sự bào chữa, bảo vệ quyền lợi của bị can, bị cáo có thể có trên 3% - một số lượng rất ít. Vì thế, giải pháp mà ông Xuyền đưa ra để thay thế GCNNBC là “có thể thay bằng việc LS xuất trình thẻ LS, hợp đồng dịch vụ pháp lý, giấy yêu cầu và các giấy tờ có liên quan chứng minh là LS và yêu cầu của thân chủ thì có thể đăng ký với cơ quan tố tụng, lúc đó cũng phát sinh quyền và nghĩa vụ của LS được”.
Qua thực tiễn, bỏ hay giữ GCNNBC không tự nó là câu chuyện quá nghiêm trọng mà làm thế nào đảm bảo để GCNNBC mong manh không trở thành “cánh cửa mất khóa” đối với quyền bào chữa trong hoạt động tố tụng hình sự mới là vấn đề cần được xử lý để bảo vệ quyền của nghi can, bị can và cả quyền hành nghề của LS.
Hải Nhật