[links()]Liên tiếp từ giữa tháng 5/2012 đến cuối tháng 9/2012, cả nước ghi nhận gần 10 trường hợp công an xã (CAX) "ra tay" một cách “quá mức” đối với những người vi phạm hoặc nghi là vi phạm pháp luật. Dư luận đặt dấu hỏi: Phải chăng khâu tuyển chọn, giám sát hoạt động đối với lực lượng này còn nhiều "lỗ hổng"?.
Ngày 26/6/2012, anh Trương Ngọc Lợi bị Trưởng CAX Xuân Quang 3 (Phú Yên) trong tình trạng “ngà ngà” rượu đánh để lại 14 vết thương. |
“Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay; không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công…”, trích Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. |
Trước đó - ngày 12/5/2012, tại Phú Yên, anh Ngô Thanh Kiều (ngụ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) được CAX Hòa Đồng gửi giấy mời tới trụ sở vào sáng hôm sau, với lý do “cần hỏi một số việc”.
Nhưng, rạng sáng 13/5, ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng CAX Hòa Đồng, cùng một số người bất ngờ ập vào tư gia còng tay, bắt anh Kiều đưa đi mà không đọc lệnh bắt giữ. Sau đó, anh Kiều được đưa về trụ sở Công an TP.Tuy Hòa làm việc do nghi dính líu tới một vụ trộm.
Chiều cùng ngày, anh Kiều được đưa tới Bệnh xá Công an rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cấp cứu nhưng đã tử vong. Chiều 14/5, khi lực lượng Công an đưa quan tài anh Kiều về nhà, vợ anh và một số người thân liền ra chặn xe, không cho đưa xác anh đi chôn.
Họ yêu cầu Công an phải làm rõ cái chết trước khi mai táng. Theo kết quả giám định của Pháp y tỉnh Phú Yên, anh Kiều chết do chấn thương sọ não, chấn thương phần mềm... Lãnh đạo Công an tỉnh Phú Yên cũng thừa nhận, việc Công an bắt, còng tay anh Ngô Thanh Kiều là sai.
Pháp lệnh về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2011 mặc dù đã quy định cấm không được nổ súng vào đối tượng khi biết rõ đó là phụ nữ, người tàn tật, hay trẻ em, nhưng những sự việc xảy ra mới đây cho thấy CAX - lực lượng vũ trang bán chuyên trách ở một số địa phương đôi khi đã lạm dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ một cách quá mức cần thiết.
Một phụ nữ bị CAX Mỹ Hòa (Vĩnh Long) bắn trọng thương hôm 20/9/2012. |
Thượng tá Nguyễn Đình Thế, Phó Trưởng Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội):
Cấp ủy, chính quyền chưa sâu sát
Có ý kiến cho rằng, một sỹ quan công an được đào tạo chính quy với rất nhiều kiến thức nghiệp vụ trong nhiều năm mà khi ra công tác còn gặp không ít vấn đề, trong khi CAX do không được đào tạo bài bản nên dẫn tới thực trạng như đã nêu.
Theo tôi đó cũng là một nguyên nhân, nhưng vấn đề căn bản nằm ở khâu quản lý, sử dụng lực lượng CAX, vì hiện nay từ huyện cho tới cấp ủy chính quyền cơ sở có nơi, có lúc vẫn còn buông lỏng vấn đề này. Do vậy, cần phải sát sao hơn nữa trong quản lý; đồng thời thường xuyên giám sát, phê bình, nhắc nhở công việc của họ...
Nếu sai phạm không được chỉ ra một cách nghiêm túc để họ thấy quyền hạn của mình được và không làm gì thì chắc chắn họ khó thực hiện đúng chức trách của một người làm công tác đảm bảo an ninh trật tự.
Thiếu tá Nguyễn Tiến Hoàng Anh, Phó Trưởng Công an huyện Quảng Ninh (Quảng Bình):
Nhiều mô hình hay có dấu ấn công an xã
Tiêu chí tuyển chọn, bổ nhiệm CAX ở địa bàn chúng tôi khá cao, cụ thể phải tốt nghiệp 12/12, đồng thời phải có phẩm chất chính trị, sức khỏe...
Chúng tôi đặc biệt ưu tiên những trường hợp Đảng viên, bộ đội xuất ngũ để tuyển lựa, bổ nhiệm vào các vị trí trong lực lượng CAX. Sau khi tuyển vào, họ được cử đi học một lớp nghiệp vụ kéo dài khoảng 2 năm.
Thực tế, ở huyện Quảng Ninh vẫn còn nhiều người muốn được vào công tác trong CAX, dù thu nhập không cao. Thế nhưng trên thực tế, họ vẫn làm việc khá trách nhiệm. Đáng nói, có không ít mô hình hay về bảo vệ an ninh trật tự được hình thành từ cấp cơ sở và trong đó đều có dấu ấn đậm nét của lực lượng CAX.
Tôi ví dụ mô hình “Tổ xung kích tự quản về an ninh trật tự” ở thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh là mô hình tiêu biểu đã được UBND huyện và Công an huyện Quảng Ninh cho phép nhân rộng tại 15 xã, thị trấn trong toàn huyện. Công an tỉnh Quảng Bình cũng đánh giá cao mô hình này.
|