Có lẽ cuộc sống hiện đại với thói quen nuông chiều con thái quá của nhiều gia đình khiến nhiều trẻ rơi vào cảnh có lớn mà chẳng có khôn. Còn nhớ cách đây chưa lâu, một hình ảnh được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, thu hút hàng ngàn lượt like, comment đó là hình ảnh cậu con trai đã khá lớn (khoảng cấp 3) ngồi trên yên xe, co chân sợ ướt giày để người mẹ còng lưng dắt qua đoạn đường bị ngập, nước dâng gần hết bánh xe.
Đây là bức ảnh được cho là chụp tại Hà Nội, trong một cơn bão gây ngập úng. Người mẹ đang đưa con đi học thì xe chết máy. Bức ảnh gây nhiều tranh cãi và phần lớn cho rằng, đứa trẻ lớn đã quá ỷ nại, dựa dẫm trong khi mẹ chúng đã bao bọc con vô điều kiện.
Chị Phan Hồ Điệp (giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam) từng kể trên báo về chuyện một học sinh giỏi đi du học tại Singapore từ năm lớp 11. Tháng nào mẹ em đó cũng mua vé máy bay từ Sài Gòn sang để giặt quần lót cho con. Lý do là các quần áo ngoài thì có người giặt nhưng quần lót thì họ yêu cầu tự giặt. Vì thế em đó cứ để vậy và chờ mẹ. Mẹ em kể chuyện xong rồi nói: “May mà bay từ Sài Gòn sang Sing cũng tiện”!
Ở những khu vực vui chơi công cộng, cũng dễ dàng bắt gặp những hình ảnh đứa trẻ cao ngổng, lớn đùng đứng sừng sững cho mẹ sắn quần, buộc dây giày. Trong nhiều gia đình, trẻ lớp 4, lớp 5 bố mẹ vẫn phải bón cho ăn. Còn tại trường học nhiều cô giáo bất lực khi học sinh lớp 2,3 đi tè còn chưa biết đòi, nhiều khi hồn nhiên tũn ra lớp bởi ở nhà, căn giờ có người đưa đi vệ sinh…
Đấy là việc tự phục vụ bản thân, còn việc nhà thì cũng chẳng thể khá hơn. Có những bà mẹ đau khổ kể chuyện, buổi sáng trước khi đi làm đã nấu đủ đồ ăn mặn, nấu canh cho con, vậy mà trưa vẫn phải sấp ngửa chạy cả chục km từ cơ quan về chỉ để cắm nồi cơm cho thằng lớn đã học cấp ba. Tôi có cô cháu năm nay 30 tuổi, là giảng viên một trường đại học danh tiếng nhưng chẳng biết làm gì, thậm chí đơn giản như nấu một bát mỳ, cắm nồi cơm hay luộc một quả trứng. Có lần cô cháu được sai bổ chanh để làm cỗ, nàng nhanh nhảu cầm dao bổ dọc quả chanh và loay hoay mãi không biết làm thế nào để vắt nước…
Tóm lại là mọi việc trong nhà đều do người giúp việc đảm đương. Nếu bà giúp việc ốm thì mọi việc sẽ có mẹ lo. Góp ý nhiều lần, cô cháu bảo, cháu không biết làm nhưng cháu kiếm được nhiều tiền. Ở đời mỗi người chỉ giỏi được một thứ!!!
Việc nhà không biết làm, những việc đơn giản phục vụ bản thân cũng phải trông chờ, ỷ lại vào người khác nhưng nếu là chơi điện tử với Cá voi xanh, Minecraft, Vượt ngục tuyệt đỉnh…thì chả ai dạy, chúng đều rất rành.
Người xưa có câu tiên trách kỷ, hậu trách nhân, có thể hiểu rằng với việc nhiều con trẻ không biết làm việc nhà, không biết tự lo cho bản thân là do lỗi của người lớn. Do người lớn quá bao bọc, nuông chiều chúng, tạo cho chúng thói quen ỷ lại, trông chờ. Nhiều bậc cha mẹ còn lo ngại khi trẻ còn bé làm việc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng hay ít ra là khiến đồ vật đổ vỡ, hỏng hóc, hay phải làm lại.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia tâm lý thì dạy con làm việc nhà mục đích chính không phải là để đỡ đần cha mẹ mà để tập cho con biết chia sẻ công việc chung, có tinh thần trách nhiệm, giúp trẻ hình thành tính tự lập ngay từ lúc nhỏ. Khi giao việc nhà cho con thì nên cương quyết để trẻ tự làm, không nên làm thay vì sẽ tạo nên ở trẻ tính ỷ lại. Khi trẻ có biểu hiện làm qua loa cho xong chuyện, người lớn phải uốn nắn kịp thời, nếu không sẽ hình thành nên tính lười biếng ở trẻ sau này.
Một số nghiên cứu về trẻ cũng chỉ ra rằng để trẻ làm việc nhà sẽ giúp trẻ tự tin hơn về khả năng của mình; rèn luyện tính độc lập, tự giác và có thể giúp đỡ người khác khi cần thiết. Các nghiên cứu cũng chứng minh rằng, không bao giờ có một đứa trẻ hôm nay được bố mẹ đút cho ăn cơm, phục vụ tận răng, cầm tay nắn nót từng nét chữ giúp con, ngày mai chớp mắt trở thành đứa trẻ độc lập có trách nhiệm với bản thân.
Với mỗi người lớn, cảm giác hoàn thành một công việc nào đó là được bước thêm một bước lên đỉnh cao. Với trẻ em cũng vậy, khi đã nỗ lực và cố gắng, chúng sẽ cảm thấy rất vui khi hoàn thành công việc. Điều này giúp cho trẻ tự lập hơn, bền bỉ hơn.
Còn theo chuyên gia tâm lý người Mỹ, Tiến sỹ Gary Chapman cho rằng nguyên tắc quan trọng nhất mà bố mẹ nên nhớ là chỉ giúp con làm những việc mà chúng không thể tự làm được. Khi con còn bé, bạn giặt quần áo giúp con; nhưng khi chúng bắt đầu lớn, hãy dạy chúng cách thức giặt quần áo. Nếu không nhận thức được điều này, có thể bạn sẽ cản trở sự trưởng thành của con dưới danh nghĩa yêu thương.
Theo Tiến sỹ Gary Chapman: “Những phụ huynh bận rộn đến mức không có thời gian dạy con giặt giũ quần áo hay quá cầu toàn đến mức không muốn con làm những việc này đều là những người không biết yêu thương con đúng cách và đã phần nào làm thui chột khả năng của con trẻ”.
Dạy con làm việc nhà, tự phục vụ bản thân là giúp cho trẻ hiểu được giá trị của lao động, hình thành những kỹ năng sống cần thiết. Do đó, hãy giao những công việc phù hợp với trẻ, động viên, khuyến khích mỗi khi các con thành công, uốn nắn các con mỗi khi các con thiết sót. Và quan trọng hơn, cha mẹ hãy dành nhiều thời gian, sự kiên nhẫn để dạy trẻ từ những việc làm đơn giản nhất.