Không thu phí tham quan
Sáng ngày 27/02 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Tuất), tại Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu (huyện Sơn Động) diễn ra Lễ khánh thành chùa Hạ (giai đoạn I) và khai hội xuân Tây Yên Tử năm 2018.
Không quản thời tiết, đông đảo du khách hành hương về chùa Hạ Tây Yên Tử. Ảnh: BGP/Diệu Hoa. |
Tại buổi lễ khai hội, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động ông Nguyễn Quang Ngạn khẳng định: Tây Yên Tử gồm hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nằm ở phía Tây của núi Yên Tử, trải dài từ huyện Sơn Động qua Lục Ngạn, Lục Nam đến huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Đây là vùng địa linh, núi non hùng vĩ, cảnh quan đẹp. Từ xa xưa, nơi này đã được các vị vua thời Lý - Trần chọn là nơi dựng chùa, tu tâm, học đạo; là con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Được biết, giai đoạn 2018 - 2019, Lễ hội Tây Yên Tử được tổ chức với quy mô cấp huyện do UBND huyện Sơn Động chủ trì. Năm 2020, nếu điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng cơ bản được hoàn thành đáp ứng được các điều kiện cần thiết, UBND tỉnh chủ trì tổ chức Lễ khai hội kết hợp với Khai trương năm du lịch Bắc Giang. Từ năm 2020, Lễ khai hội sẽ được tổ chức với quy mô cấp tỉnh 5 năm một lần.
Ở diễn biến khác, từ ngày 1/1/2018, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành thu phí tham quan du lịch tại khu di tích Yên Tử đối với khách hành hương với mức 40.000 đồng/ người lớn và 20.000 đồng/ trẻ em. Điều này đã khiến cho nhiều người dân tỏ ra bất ngờ, và suy nghĩ.
Trên báo chí, ông Trần Văn Lâm - Bí thư TP Uông Bí - giải thích: Từ nhiều năm nay, ngân sách nhà nước phải bỏ ra những khoản lớn để đầu tư, tôn tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở và nuôi bộ máy Ban quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử. Việc thu phí trở lại cũng nhằm một phần giảm gánh nặng cho ngân sách.
Anh Nguyễn Đình Quân (Ba Đình, Hà Nội) nhăn nhó cho hay: "Tôi đi cùng cơ quan lễ phật lên Yên Tử đầu xuân, thấy rất đông người nhốn nháo trước quầy bán vé vì bất ngờ tỉnh Quảng Ninh thu vé ra vào. Rồi họ còn lớn tiếng với nhân viên bán vé là sao các năm trước không thu phí, mà năm nay lại thu?".
Người đàn ông này phải chi tiền triệu để mua vé cho cả gia đình 25 người vào xem lễ hội, ông cho rằng mức phí 40 nghìn là quá cao. Ảnh Vietnamnet. |
Bàn về việc có hay không thu phí tham quan khi du khách hành hương về Tây Yên Tử để lên Chùa Đồng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động ông Nguyễn Quang Ngạn cho hay: Tỉnh cũng đã có chủ trương là không thu phí tham quan, du lịch tại Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử. Người dân sẽ cảm thấy an tâm, thoải mái khi tới Tây Yên Tử bởi chúng tôi đã bố trí đầy đủ các khu dịch vụ như, trông giữ xe, các nhà hàng, khu bày bán riêng biệt...
Được biết, hiện nay tuyến cáp treo từ chùa Hạ Tây Yên Tử lên lên chùa thượng gần An Kỳ Sinh (cách chùa Đồng 700 mét) đã cơ bản hoàn thành. Như vậy, để đi lên chùa Đồng, Yên Tử, bên cạnh tuyến đường bộ, du khách, tăng ni, phật tử có thể lựa chọn tuyến cáp treo này đi từ phía Bắc Giang.
Theo ông Nghiêm Xuân Hưởng, Bí Thư huyện ủy huyện Sơn Động cho biết: “Điểm nhấn của Lễ hội chính là quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch, thu hút đầu tư thực hiện dự án xây dựng Khu văn hóa tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, tạo một vùng cảnh quan du lịch, dịch vụ gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trong khu vực Tây Yên Tử”.
Giao thông đi trước, du lịch phát triển theo sau
Nhân dân tỉnh Bắc Giang đặt kỳ vọng lớn vào ngành du lịch của tỉnh, đặc biệt là sau ngày khai hội Tây Yên Tử vừa qua. Bởi lẽ, sau khi đưa vào hoạt động tuyến cáp treo lượng khách hành hương về đây có thể lên đến hàng triệu lượt, đó là con số sẽ trở thành hiện thực trong thời gian tới.
Nhưng để đạt được kỳ vọng đó, tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị những bước đi bản lề đó là khởi sự bằng việc xây dựng "con đường tâm linh" - tỉnh lộ 293 trải từ TP Bắc Giang đến thị trấn Thanh Sơn (huyện Sơn Động) có chiều dài xấp xỉ 100 km. Hiện nay, các tuyến đường giao thông tới TP Bắc Giang rất thuận lợi, từ cao tốc Hà Nội - Bắc Giang; Quốc lộ 18; Quốc lộ 3 (lối rẽ quốc lộ 18 vào TP Bắc Ninh rồi tới cao tốc Hà Nội - Bắc Giang); Quốc lộ 37 (Thái Nguyên - Bắc Giang)...
Không chỉ vậy trong thời gian rất ngắn tới đây, Khu du lịch Tâm linh- Sinh thái Tây Yên Tử sẽ trở thành một điểm nhấn du lịch của tỉnh Bắc Giang, góp phần tạo nên một hành trình du lịch khám phá mới hấp dẫn và nhiều trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước đó theo lộ trình sau:
Lộ trình 1: Hành hương về chùa Bổ Đà. Chùa Bổ Đà ở xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa, đây cũng là nơi tu luyện và đào tạo tăng đồ của Thiền phái Lâm Tế và bảo lưu giá trị kiến trúc truyền thống độc đáo của người Việt. Chùa Bổ Đà tọa lạc trên vùng đất linh thiêng thuộc dãy Bổ Đà gắn liền với truyền thuyết người tiều phu đốn củi và Phật Bà Quan Âm Bồ Tát ứng hiện cứu đời. Chùa Bổ Đà tương truyền có từ thời Lý, được tu bổ, tôn tạo và mở rộng vào thời vua Lê Dụ Tông (1720-1729), gồm các đơn nguyên kiến trúc chính: Chùa Tứ Ân, am Tam Đức, chùa Cao, vườn Tháp, ao Miếu và khu vườn chùa.
Hiện nay, chùa Bổ Đà còn là nơi bảo lưu hơn 40 pho tượng Phật trong đó phần lớn là tượng Phật cổ thời Lê (thế kỷ XVIII), Nguyễn (thế kỷ XIX) như bộ tượng Tam Thế Phật, tượng A Di Đà, tượng Thích Ca Niệm Sen, tòa Cửu Long, tượng Tam Châu…
Đặc biệt, tại chùa Bổ Đà đang bảo lưu 1.935 mộc bản kinh Phật và 18 bộ sách kinh chính. Mộc bản có niên đại sớm nhất được san khắc vào năm 1740, và muộn nhất vào những năm của thế kỷ XX.
Một số bản kinh mộc bản đang lưu giữ tại Chùa Vĩnh Nghiêm. |
Kết thúc lộ trình 1, các du khách, phật tử di chuyển tới lộ trình 2 đó là vào chùa Vĩnh Nghiêm (thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) khách thập phương quá quen thuộc vì đây là nơi lưu giữ bộ mộc bản được công nhận di sản thế giới, còn Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng giáp trung tâm huyện Yên Dũng, đang được đầu tư xây dựng những công trình Phật giáo lớn nhất cả nước.
Sau khi kết thúc 2 lộ trình từ Chùa Bổ Đà (Việt Yên) rồi di chuyển sang chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) các phật tử di chuyển tới (Lộ trình 3) Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử với tổng diện tích 13,8 ha thuộc địa bàn xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động nơi có bốn cụm chùa độc lập gồm chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang) và chùa Trung, chùa Thượng (chùa Kim Quy). Các điểm chùa ở độ cao khác nhau, kết nối với chùa Đồng và tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Yên Tử (Quảng Ninh).
Như vậy, có thể thấy, tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Bắc Giang đã và đang phát triển mạnh mẽ, bởi sự kết nối giữa các khu văn hóa tâm linh rất chặt chẽ. Con số thu hút hàng triệu lượt du khách du lịch tới Bắc Giang không phải là xa, khi các điều kiện về hạ tầng xã hội, kinh tế ngày càng được đáp ứng.