Giao thông liền mạch đưa niềm vui đến mọi nhà

Các hãng hàng không tăng tần suất khai thác chuyến bay dịp Tết.
Các hãng hàng không tăng tần suất khai thác chuyến bay dịp Tết.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hai năm dịch bệnh khiến giao thông đứt quãng, ngắt mạch. Hầu hết người dân chỉ mong muốn các tuyến giao thông liền mạch trở lại để những người xa xứ, người lao động, học sinh, sinh viên có thể về quê thăm gia đình dịp Tết.

Mở thêm đường bay phục vụ người dân hồi hương

Càng dịp Tết đến, nỗi nhớ nhà của những người con xa quê hương càng khôn nguôi. Việc sớm mở lại những chuyến bay thường lệ là mong đợi của rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài bởi lẽ không phải ai cũng có điều kiện chi trả cho những chuyến bay combo chi phí đắt đỏ.

Ngay đầu năm 2022, các cơ quan chức năng ngành hàng không đã khẩn trương, nỗ lực nối lại đường bay thường lệ đến một số quốc gia, vùng lãnh thổ có hệ số an toàn cao theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Chủ trương này nhằm khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế, thúc đẩy quả trình phục hồi kinh tế và du lịch, đặc biệt tạo điều kiện cho công dân Việt Nam hồi hương trong bối cảnh Tết Nguyên đán Nhâm Dần tới đây.

Nỗ lực này không chỉ đến từ chính phủ, mà còn nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ các hãng hàng không. Từ ngày 1/1/2022, Vietnam Airlines là hãng đầu tiên thực hiện bay quốc tế theo kế hoạch này. Bên cạnh đó, các hãng bay khác như Vietjet, Bamboo Airways cũng bắt đầu khai thác trở lại các đường bay quốc tế đến các thị trường trọng điểm của Việt Nam, đơn cử Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore…

Đó là tín hiệu đáng mừng với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang mòn mỏi mong chờ được trở lại quê hương. Theo Đại sứ Việt Nam tại Singapore, đến tháng 12/2021, có khoảng 3.000 người ở Singapore đã đăng ký về nước; trong khi đó Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết cộng đồng người Việt Nam ở Vương quốc Anh có khoảng 80.000 - 100.000 người cũng mong mỏi được về quê ăn Tết và rất mong Chính phủ cho nối lại đường bay thương mại càng sớm càng tốt, tất nhiên trong điều kiện tuân thủ các quy định bảo đảm phòng chống dịch.

Ngay tại thị trường nội địa, nhu cầu được ở bên gia đình cũng được quan tâm. Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các hãng hàng không và sân bay sẵn sàng phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đặc biệt, tuyệt đối không để tình trạng người dân không có phương tiện về quê ăn Tết. Theo đó, các hãng hàng không đã xây dựng phương án vận chuyển cho giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán với 20.000 chuyến bay, cung ứng hơn 3,6 triệu ghế/ngày. Con số này tương đương Tết Nguyên đán 2021.

Vietnam Airlines cho biết sẽ cũng ứng gần 2 triệu ghế trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2022. Kể từ giữa tháng 1/2022, hãng dự kiến tăng thêm 10 đường bay nội địa so với tháng 12. Cụ thể, các đường bay được khôi phục là TP.HCM - Vân Đồn, Hải Phòng - Đà Lạt/Buôn Ma Thuột/Nha Trang, Thanh Hóa - Buôn Ma Thuột/Đà Lạt, Vinh - Buôn Ma Thuột/Nha Trang/Đà Lạt, Huế - Đà Lạt.

Các hãng hàng không khác như Pacific Airlines, VASCO, Bamboo Airways cũng cho biết sẽ tăng tần suất nhiều đường bay nội địa để phục vụ giai đoạn cao điểm cuối năm để người dân có thể yên tâm đặt vé. Có thể nói, toàn thể ngành hàng không đang nỗ lực khơi thông trở lại giao thông thuận tiện để đảm bảo vừa phòng chống dịch vừa góp phần giúp ước mơ đoàn tụ của các gia đình trở thành hiện thực.

Nối liền đường bộ liên tỉnh, người dân về quê an toàn

Nhưng để nhu cầu trở về gia đình của người dân được thuận tiện thì không thể chỉ nhìn vào ngành hàng không. Cho tới thời điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 với lịch nghỉ 9 ngày liên tục, rất nhiều người dân cũng quan tâm tới việc đi lại giữa các tỉnh, thành, đặc biệt với người từ các thành phố lớn về quê trong bối cảnh tình hình dịch bệnh giữa các nơi đang diễn biến phức tạp khác nhau.

Đơn cử, trong khi tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế không hạn chế người dân về quê đón Tết; tỉnh Quảng Nam vận động người ở vùng dịch chưa về tỉnh khi không thực sự cần thiết nhằm tránh lây lan dịch bệnh.

Giao thông liên tỉnh liền mạch để người dân về an toàn.

Giao thông liên tỉnh liền mạch để người dân về an toàn.

Trả lời báo chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn dù đang phức tạp nhưng “bà con không nên quá lo lắng đến mức không dám về quê ăn Tết song cần thực hiện 5K”. Người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 tiếng, nếu tiêm đủ liều vaccine thì 3 ngày đầu phải theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu cũng cho biết sẽ không hạn chế người về địa bàn trong dịp Tết, nhằm đáp ứng linh hoạt mọi công việc và hoạt động trong bối cảnh thích ứng với trạng thái bình thường mới. “Quyền đi lại là của người dân, cần phải tạo điều kiện. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh khá căng do xuất hiện biến chủng Omicron, tỉnh mong mọi người nâng cao ý thức cộng đồng, cần khai báo y tế đầy đủ để dễ giám sát”, ông Châu nói.

Mặt khác, tại Thừa Thiên - Huế, người dân từ TP HCM và các địa phương có dịch về quê dịp Tết sẽ không bị cách ly, nhưng cần khai báo y tế, quét mã QR tại sân bay, nhà ga và các cửa ngõ. Trong khi đó, theo chỉ thị tổ chức đón Tết Nguyên đán 2022 của tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã đề nghị các địa phương vận động người thân đang sinh sống, làm việc ở nơi có dịch không trở về tỉnh khi không thật sự cần thiết. Đây là điều cần thiết để không chỉ giúp người dân có một cái Tết đầm ấm, yên vui mà còn bảo đảm an toàn cho khu vực.

Đường sắt hỗ trợ đưa công nhân khó khăn về quê

Bên cạnh đó, ngành đường sắt cũng tham gia góp sức vào nỗ lực giúp giao thông liền mạch mùa Tết. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, từ 4/1 sẽ mở bán các tàu khu đoạn từ ga Sài Gòn đi các tỉnh và ngược lại trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Các đoàn tàu này vẫn áp dụng chính sách bán vé nguyên khoang, nguyên toa với các đoàn tàu khách trên các tuyến. Khách mua vé theo hình thức này được giảm giá vé từ 10% đến 15%, được cung cấp miễn phí suất ăn trên tàu; tại các nhà ga, được bố trí phòng đợi hoặc khu vực chờ tàu riêng và bố trí lối đi riêng khi lên, xuống tàu…

Ngành Đường sắt hỗ trợ lao động khó khăn về quê.

Ngành Đường sắt hỗ trợ lao động khó khăn về quê.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách đi tàu, ngành đường sắt tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt như: Thực hiện việc phun khử trùng trên tàu, dưới ga; Thực hiện giãn cách đối với hành khách tại phòng đợi và khi xếp hàng lên tàu; Tăng cường công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn; Bố trí dung dịch rửa tay, sát khuẩn; Đo thân nhiệt cho hành khách khi vào ga, lên tàu...

Đáng nói, đối với các lao động, sinh viên khó khăn, nhiều đơn vị đường sắt đã xây dựng các chương trình hỗ trợ để họ có thể về quê đón tết. Đơn cử, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đã phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức chương trình “Mang Tết về nhà” cho sinh viên, thanh niên công nhân khó khăn về quê dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Chương trình này sẽ vận động quyên góp gây quỹ để tổ chức tặng tổng cộng hơn 3.200 vé máy bay, ô tô, vé tàu khứ hồi cho đối tượng sinh viên, thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng và chịu thiệt hại bởi dịch bệnh trong năm 2021 về quê đón Tết Nguyên đán.

Tham gia chương trình, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn sẽ cung cấp 275 vé tàu Tết và giảm giá vé. Địa điểm xuất phát là ga Sài Gòn, điểm tới là các ga: Diêu Trì, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Đà Nẵng, Đông Hà, Đồng Hới.

Đối tượng là sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, thanh niên công nhân từ 18 đến 40 tuổi, đang công tác, làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh phía Nam; Có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Ngoài ra còn có đối tượng là người thân, gia đình các thanh niên công nhân, người lao động được tuyển chọn tham gia chương trình, sẽ được ban tổ chức chương trình tặng kèm vé cho gia đình (tối đa 1 vợ/chồng và 2 con) về quê đón Tết.

Nhìn chung, toàn ngành giao thông đang rất nỗ lực khơi thông lại các tuyến đường để người dân có phương tiện về quê. Đây không chỉ là nỗ lực của toàn ngành để người dân có cái Tết đầm ấm, yên vui bên gia đình, mà còn là nỗ lực để giữ gìn sự an toàn cộng đồng nói chung trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Chính vì thế, mỗi người dân nên tự ý thức, chung tay bảo vệ kết quả phòng chống dịch của toàn xã hội, tuân thủ các quy tắc phòng dịch trên các tuyến đường hồi hương, về nhà.

Hy vọng rằng, Tết Nguyên Đán 2022 không chỉ là một cái tết ấm áp của mọi nhà, mà còn của những cán bộ, nhân viên phục vụ trong ngành giao thông đang nỗ lực hết mình đảm bảo lưu thông các con đường an toàn cho người người, nhà nhà sớm được sum họp, đoàn tụ.

Đọc thêm

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.