Sau khi tốt nghiệp trường trung học, GS. Vũ Khiêu tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1945. GS. Vũ Khiêu tâm sự: “Kẻ sĩ khi gặp được người tri kỷ thì chỉ biết lấy hết tấm lòng mà đền đáp. Trong thơ mình, tôi cũng muốn “nắng tắt sớm, ngày trôi nhanh” để sớm tới cuộc hẹn hò với những người đồng chí của mình”. Phương châm của GS là “Không khát khao danh lợi. Sống vui vẻ. Không có gì để mất”. GS được Đảng quan tâm rèn luyện trên cả 4 lĩnh vực: công tác dân vận, công tác đảng, công tác chính quyền, công tác trong quân đội. Trong dân vận, GS tham gia các phong trào quần chúng, ở vùng giải phóng, trên vùng rừng núi Sơn La, Lai Châu, trong vùng địch tạm chiếm ở Bắc Ninh... Trong chính quyền, GS được giao nhiều công tác quan trọng như: Giám đốc Sở Thông tin Khu 10, Khu 14, Khu Tây Bắc, Khu Việt Bắc, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, rồi Phó chủ nhiệm ủy ban Khoa học xã hội. Trong Đảng, GS được giao trọng trách Phó ban Tuyên huấn của Đảng tại các khu nói trên, rồi Phó ban Tổ chức Khu ủy Tây Bắc. Trong thời gian này, GS được các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng giao nhiều việc nghiên cứu và biên soạn. Trong công tác quân đội, từ chiến dịch Trung du đến chiến dịch Điện Biên Phủ, GS được cử làm ủy viên Ban Tuyên huấn thuộc Đảng ủy mặt trận do đồng chí Lê Liêm rồi đồng chí Lê Quang Đạo làm Trưởng ban. Trong dịp này, GS được gần gũi và giúp việc các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Trần Đăng Ninh… được gần gũi hầu hết các tướng lĩnh trong quân đội. Đối với thủ đô Hà Nội, GS đã thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng biên soạn bộ tổng tập “Ngàn năm Văn hiến Thăng Long”, tham gia chỉ đạo và biên soạn 18 tập trong bộ Bách khoa thư Hà Nội, được chỉ định làm Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học của bộ sách Ngàn năm Thăng Long. GS thường xuyên cộng tác với lãnh đạo ủy ban Nhân dân Tp. Hà Nội về các vấn đề Văn hiến Thăng Long và trong dịp Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, GS đã hoàn thành bài “Văn tế vua Hùng”; viết nhiều văn, bia, hoành phi, câu đối cho gần ba chục đền liệt sĩ ở Hà Nội và ở nhiều tỉnh trong cả nước. Trên 50 năm, với tư cách là trí thức Hà Nội, GS đã hằng ngày ghi những cảm xúc về Thủ dô, thường xuyên bổ sung những ý mới, gần đây đã trở thành một bộ sách gồm 3 tập, dày 2.400 trang mang tên Văn hiến Thăng Long.
Nhân dịp GS tròn 95 tuổi, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tặng một vật kỷ niệm có ghi hai câu:
Hai bàn tay trắng không vương bụi
Một tấm lòng son ở với đời.
GS tâm sự: Tôi rất xúc động trước lời đánh giá của chính người đã tổ chức tôi vào Đảng, chính người đã liên tục theo dõi, giúp đỡ tôi hơn 60 năm qua. Tôi coi hai câu nói trên của đồng chí Đỗ Mười vừa là một sự động viên, vừa là một lời nhắc nhở. Tôi nguyện sẽ tiếp tục tu dưỡng bản thân, trau dồi đạo đức và trí tuệ, để mãi mãi xứng đáng với sự tin cậy của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân và không phụ lòng yêu quý của đông đảo bè bạn của tôi ở mọi miền đất nước. Những thành tích mà tôi có được ngày hôm nay là nhờ Đảng đã dày công đào tạo, rèn luyện và tạo điều kiện cho tôi học tập, rèn luyện, được giao các nhiệm vụ quan trọng. Tôi năm nay đã 96 tuổi, song tự tôi thấy chưa thể nghỉ ngơi. Còn sức lực, tôi còn cống hiến, tiếp tục phụng sự nhân dân, đất nước.
Là đại biểu cao tuổi nhất của Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc 2010, GS nói: Bác Hồ từng dạy, thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua, thi đua trên tinh thần yêu nước. Khi thi đua đã trở thành phong trào thì tác dụng to lớn đến lao động, sản xuất và sự phát triển xã hội. Phải tiếp tục suy nghĩ, sáng tạo để thi đua trở thành phong trào.
Trước đây, trong thời kỳ chiến tranh cứu nước, mọi người đều ra sức thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu, bởi họ thấy được tiền đồ tươi sáng của dân tộc khi đánh đuổi được quân thù. Lúc đó, mỗi hành vi tàn bạo của quân thù đều dấy lên lòng căm phẫn của mọi người. Mỗi tin thắng trận đều làm nức lòng quân và dân cả nước. Đó chính là những động lực để mọi người ra sức thi đua. Trong mỗi cơ quan, đơn vị, thành tích thi đua của người này là niềm vui, là động lực của những người xung quanh. Ngày nay, hoàn cảnh đã khác trước. Đất nước đã bước ra khỏi cuộc chiến tranh cứu nước và đi vào xây dựng, phát triển. Quy luật phát triển đòi hỏi cả tầng lớp lao động chân tay và lao động trí óc càng phải ra sức thi đua, cống hiến. Muốn đẩy mạnh phong trào này, không gì khác là phải tạo ra những động cơ, động lực thi đua thiết thực, mạnh mẽ, phù hợp với thời cuộc, phải quan tâm đầy đủ cả hai yếu tố vật chất và tinh thần.
Tâm sự của GS.Vũ Khiêu, đại biểu cao tuổi nhất tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc như những lời nhắn gửi tới mỗi chúng ta, đồng thời cũng là tấm lòng của người đảng viên cao tuổi luôn hướng về Đảng.
Theo xaydungdang.org.vn